Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Obama nhu nhược hay khôn ngoan?

15:00 | 13/03/2014

14,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tổng thống Barack Obama đang bị giới lập pháp Mỹ chỉ trích gay gắt về sự nhu nhược của ông trước sự cứng rắn của Nga trong vấn đề Ukraina. Có đúng là ông Obama đã quá “hèn nhát” hay ông đang tính toán điều gì thiệt hơn?

Tổng thống Obama đang bị giới lập pháp Mỹ coi là hèn nhát

Đề cập đến cuộc nội chiến đẫm máu đang tiếp diễn tại Syria, tham vọng hạt nhân của Iran và sự can thiệp của Nga vào Ukraina, các nhà lập pháp Cộng hòa ở Mỹ hôm qua đã chỉ trích sự lãnh đạo của Tổng thống Obama trên sân khấu thế giới. Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói: “Một lý do chính để Tổng thống Nga Vladimir Putin có những hành động mạnh mẽ là sự nhu nhược của Tổng thống Obama. Chính sách của ông là thờ ơ và bỏ rơi bạn bè của chúng ta”.

Đây không phải là lần đầu cũng sẽ chẳng phải là lần cuối phe đối lập tại Mỹ lên tiếng chỉ trích phản ứng yếu đuối của chính quyền Obama với những điểm nóng trên thế giới.

Và không chỉ ở Mỹ, từ khi tâm điểm của cuộc khủng hoảng Ukraina dồn vào bán đảo Crưm, truyền thông châu Âu cũng đã nói, phân tích rất nhiều về sự nhu nhược của chính quyền Mỹ trước sự áp đảo của Nga.

Xa hơn nữa, từ cuộc khủng hoảng tại Libya đến Syria, đâu đó người ta cũng nghe thấy những tiếng bàn tán xì xào về vai trong lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Từ khi đắc cử tổng thống Mỹ tháng 1-2009, Obama đã đưa nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Libya đứng sau châu Âu, đe dọa can thiệp quân sự vào Syria nhưng không thành, nhượng bộ Iran trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân, và giờ đây cùng châu Âu đấu với Nga về vấn đề Ukraina.

Một điểm chung trong tất cả những sự kiện trên là nước Mỹ dưới thời Obama đã không còn như trước, không đều têu cầm quân đi đánh các nước khác như các đời tổng thống Mỹ trước đó.

Chính vì điểm này mà giới lập pháp Mỹ cũng như giới truyền thông gọi ông Obama là nhu nhược, là hèn nhát, và làm mất vai trò lãnh đạo phương Tây của Mỹ.

Nhưng nếu phân tích kỹ thì rõ ràng chính quyền Obama đã có chuyển biến rõ nét trong chính sách đối ngoại. Vừa lên nắm quyền, Obama phải đi thu dọn các chiến trường Iraq và Afghanistan do người tiền nhiệm G.W.Bush để lại. Đây là những cuộc chiến do Mỹ cầm đầu và đã tốn quá nhiều tiền bạc cũng như nhân mạng. Uy tín của Mỹ cũng vì thế mà bị sứt mẻ do những tiết lộ về hành vi tra tấn dã man tù nhân, giết hại dân thường… trong khi thứ mà Mỹ rao giảng là tự do cho người dân hai nước Iraq và Afghanistan lại không đạt được.

Thấm thía được điều này, Obama đã quyết định rút quân khỏi bãi lầy Trung Đông. Nhưng rồi những điểm nóng khác trên thế giới lại tiếp tục diễn ra. Ở những nơi này, chính quyền Obama đã không chọn cách cũ, không công khai dẫn đầu các cuộc can thiệp quân sự, mà chọn cách núp phía sau. Nói như vậy không có nghĩa là nước Mỹ của Obama không đi giật đổ các chính thể không chịu làm tay sai mà chỉ có khác ở cách làm. Bắt đầu tại Libya, Anh, Pháp dẫn đầu trận đánh, Mỹ đứng sau cố vấn. Kết quả thu được là chính quyền Kaddafi bị lật đổ trong khi Mỹ không phải đưa quân sang Libya mà vẫn được tiếng. Kế đến là Syria. Châu Âu lại dẫn đầu hô hào giật đổ chính quyền Tổng thống Al-Assad, Mỹ đứng sau múa cờ phụ họa. Kết cục chiến tranh không nổ ra nhưng chính quyền Damas cũng phải chấp nhận giải giáp vũ khí hóa học.

Tại Ukraina giờ đây cũng vậy. Mỹ chọn cách đứng sau. Châu Âu là tác nhân đầu tiên gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina. Khi Nga vào cuộc Mỹ bắt đầu lên tiếng. Nhưng đối thủ lần này của Mỹ không phải là Libya hay Syria mà là Nga. Để không thể làm mất mặt nước Mỹ với đồng minh châu Âu, Washington trong những ngày qua cũng đã lên tiếng chỉ trích Nga, đe dọa cấm vận này nọ với Matxcơva. Nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi được lập trường của Tổng thống Putin.

Các nhà phân tích nói rằng trong canh bạc này, Nga đã tố quá cao khiến Mỹ và châu Âu không thể theo được. Giải pháp châu Âu và Mỹ đưa quân vào bảo vệ chính quyền Ukraina là điều không thể, trong khi các biện pháp cấm vận của họ đối với Nga không phát huy tác dụng.

Hôm qua, quốc hội Crưm tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraina. Một bước đệm cho việc vùng này sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào cuối tuần này. Ở trường hợp của Libya và Syria, Mỹ đã không cần đưa quân vào can thiệp mà vẫn thu được kết quả mong muốn nhưng ở Ukraina, Mỹ chẳng thể làm gì khác. Nga muốn chứng tỏ một điều rằng thế giới bây giờ không còn đơn cực, không còn một siêu cường Mỹ muốn làm gì thì làm. Và rất có thể sau vụ Ukraina, nước Mỹ sẽ lại một lần nữa thay đổi chính sách can thiệp vào nước khác. Chúng ta hãy chờ xem!

H.Phan