Pakistan hợp tác với Iran về năng lượng và an ninh bất chấp lệnh cấm của Mỹ

19:00 | 20/02/2013

727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Pakistan đang tiếp xúc với Iran để hợp tác về năng lượng và an ninh, bất chấp những hành động cô lập Iran của quốc tế vì chương trình hạt nhân của nước này. Các cuộc thảo luận mới đây giữa hai nước về đường ống dẫn khí đốt được đề nghị có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ Pakistan-Mỹ.

 

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik (trái) hội đàm với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tại Tehran, Iran 19/2

Trong những ngày gần đây, các giới chức tại Islamabad đã thảo luận với các đối tác Tehran về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Iran trị giá 1,5 tỉ USD để giúp giảm bớt sự thiếu hụt gay gắt năng lượng tại Pakistan.

Trong tuần này, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik cũng đã ký một  hiệp ước an ninh giữa hai nước để thắt chặt an ninh dọc theo biên giới hai quốc gia.

Những thoả thuận này đưa đến những mối quan hệ thân thiện hơn giữa Pakistan và Iran vào thời điểm Mỹ và cộng đồng quốc tế áp đặt những trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.

Iran nói tham vọng hạt nhân của họ có tính cách hòa bình. Tuy nhiên các nước phương Tây lo ngại Iran đang xây dự khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Những trừng phạt quốc tế ảnh hưởng đến những công ty giao dịch với Tehran. Phát ngôn viên Đại sứ Mỹ, Rian Harris nói: “Chúng tôi nói rõ cho các đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới là vì lợi ích của họ, nên tránh những hành động có thể bị những chế tài của Liên Hiệp Quốc cấm đoán hay có thể bị trừng phạt theo luật lệ của Mỹ”.

Bà Harris nói Mỹ tin là có những giải pháp về năng lượng thay thế trong dài hạn cho Pakistan, như là một đường ống xuyên qua Turkmenistan và Afghanistan. Bà chỉ rỏ là Mỹ tài trợ những nhà máy thuỷ điện lớn và những dự án nhiệt điện tại Pakistan để giúp đối phó với sự thiếu năng lượng triền miên của Pakistan.

Đường ống Iran-Pakistan đã được thảo luận trong một thập niên, nhưng trong tuần qua đã có những phái đoàn từ Tehran đến Islamabad để kết thúc thoả thuận. Truyền thông địa phương loan tin là những cuộc thương thuyết vẫn còn bị ngưng trệ về giá khí đốt và việc tài trợ phần đường ống nằm về phía Pakistan.

Rasul Bakhsh Rais, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Lahore, nói những nỗ lực của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari hoàn tất thoả thuận với Iran trong năm bầu cử có tính cách chính trị hơn là những giải pháp năng lượng.

Chính phủ Pakistan, đối mặt với những cuộc bầu cử trong những tháng tới, đang bị chỉ trích kịch liệt vì không có khả năng chấm dứt nạn thiếu năng lượng trên toàn quốc.

Ông Rais nói có những nghi vấn là liệu Iran có thể đảm bảo cung cấp năng lượng và giá cả cố định hay không, nhưng cũng còn có những quan tâm về cái giá chính trị của một thoả thuận như vậy.

Ông Rais nói: “Làm thế nào nền kinh tế Pakistan, phụ thuộc vào Quỹ tiền tệ Quốc tế và viện trợ của Mỹ, và cũng từ các nước châu Âu, có thể đối phó với vấn đề. Thành ra quyết định này gây rất nhiều tranh cãi”.

Giáo sư Rais nói những thế lực môi giới chính trị và kinh doanh của Pakistan không muốn xa rời cộng đồng quốc tế để thân thiện với Iran.

S.Phương (Theo Reuters)