Xung quanh cuộc biểu tình tại HongKong:

Phong trào biểu tình Hongkong tan rã?

20:09 | 18/11/2014

899 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phong trào biểu tình tại Hongkong bắt đầu tan rã vì nguyên nhân nội tại nhiều hơn là dưới sức ép của cảnh sát. Người khởi xướng phong trào Chiếm Trung tâm ở Hongkong đã từ chức, trong khi hậu thuẫn của người dân với phong trào đã hụt hơi.

Phong trào biểu tình Hongkong tan rã?

Cảnh sát dẹp người biểu tình ở quận Almiralty

Ngày 18/11, ông Trần Kiện Dân, 1 trong 3 người khởi xướng phong trào Chiếm Trung tâm ở Đặc khu hành chính Hongkong của Trung Quốc đã tuyên bố từ chức Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Dân sự. Tuy không tiết lộ nguyên nhân và thời gian từ chức cụ thể nhưng ông Trần Kiện Dân cho hay ngày 6/11, Đại học Trung văn Hong Kong, nơi ông Trần đang công tác, đã ủy nhiệm cho Giáo sư Hoàng Hồng thuộc Khoa Công tác Xã hội đảm nhiệm chức vụ của ông.

Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò dư luận, công bố ngày 17/11, cho thấy hơn 2/3 người dân Hongkong muốn người biểu tình đòi dân chủ chấm dứt việc chiếm đóng đường phố tại các khu phố trung tâm tại đặc khu hành chính này kéo dài từ gần hai tháng nay.

Cuộc thăm dò dư luận của Đại học Trung Quốc tại Hongkong, cho thấy số người muốn tình trạng chiếm lĩnh đường phố chấm dứt lên đến 67,4%. Cùng chiều với xu hướng đó, tỷ lệ người ủng hộ phong trào đòi dân chủ đã tuột giảm mạnh, chỉ còn được 33,9% người tán đồng, trong lúc tỷ lệ người phản đối lên đến 43,5%, so với 35,5% trong tháng 10 vừa qua.

Tuy nhiên, cuộc thăm dò cũng cho thấy là chính quyền Hongkong cũng không mấy được tín nhiệm: 40% người được hỏi đánh giá là chính quyền đã hành xử không đúng đắn trong việc giải quyết khủng hoảng, gần một nửa (48,5%) cho rằng lẽ ra chính quyền phải có nhượng bộ.

Ngày 17/11, cảnh sát Hongkong nói họ bắt đầu dẹp người biểu tình dân chủ khỏi khu vực mà họ đã đóng chốt cả 7 tuần nay ở quận Almiralty. Giới chức cảnh sát đặc khu này cho hay họ sẽ dốc hết sức hộ tống những người cầm theo trát của toà án, yêu cầu người biểu tình ra khỏi khu vực trước toà nhà CITIC, tức khu vực tài chính và cũng là nơi đặc khu đặt trụ sở hành chính. Tuần trước, một tòa án Hongkong ra phán quyết hạn chế đối với người biểu tình, yêu cầu họ giải tán khỏi khu mặt tiền của tòa nhà CITIC cao 33 tầng ở trung tâm thành phố. Phán quyết của toà không buộc người biểu tình phải dọn ra khỏi khu vực trước các toà nhà khác.

Trong thời gian qua, có lúc phong trào biểu tình đòi bầu cử tự do huy động được cả 100.000 người. Hiện nay chỉ còn vài trăm người bám trụ, chiếm đóng một số khu phố.

Xin nhắc lại thanh niên, sinh viên Hongkong tổ chức biểu tình suốt gần hai tháng nay để chống lại việc Bắc Kinh giành quyền chọn ứng viên cho cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hongkong năm 2017.

Th.Long

tổng hợp