Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Putin dùng "võ" gì để chia rẽ nước Đức?

19:00 | 27/11/2014

7,542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Thủ tướng Merkel tỏ ra cứng rắn với Nga thì Ngoại trưởng Đức lại cho rằng không nên quá gay gắt với Tổng thống Putin xung quanh vấn đề Ukraina.

Putin dùng “võ” gì để chia rẽ nước Đức?

Thủ tướng Đức Merkel (phải) và Tổng thống Nga Putin

Ngay khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra, các thành viên EU đều đặt hy vọng vào Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc xử lý êm đẹp vấn đề này với Nga. Vì Đức là quốc gia có tiền và chịu chi nhất EU, thứ nữa thì cá nhân Thủ tướng Merkel cũng có đôi chút quan hệ thân hữu với Tổng thống Putin. Nhưng sau 9 tháng với những hoạt động ngoại giao không ngừng nghỉ bà Merkel dường như đã phải “đầu hàng” trước sự cứng rắn và kiên quyết của ông Putin.

Và sau nhiều cố gắng, bà Merkel đã có vẻ “nổi cáu” với ông Putin khi tuyên bố thay đổi chiến thuật. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Australia, Thủ tướng Đức Merkel đã quyết tâm một mình "đối mặt" với Nhà lãnh đạo Nga Putin mà không cần một đội ngũ cố vấn và phiên dịch hùng hậu như thường lệ.   

Thay vì thách thức ông chủ điện Kremlin về cái mà bà Merkel cáo buộc là “một loạt lời hứa không được thực hiện”, bà Merkel đã yêu cầu Tổng thống Nga nói rõ xem ông muốn gì ở Ukraina và các nước Liên xô cũ.

Sau buổi nói chuyện cực kỳ nghiêm túc kéo dài 4 tiếng với ông Putin, những gì bà Merkel nhận lại từ ông Putin là thái độ dửng dưng. “Ông ấy tỏ ra nét lạnh lùng”- một quan chức ngoại giao Đức nói. Các cố vấn của bà Merkel cũng cho hay phản ứng của ông Putin đã khiến bà Merkel mất niềm tin vào nhà lãnh đạo Nga. Trên thực tế, kể từ khi khủng hoảng Ukraina nổ ra bà Merkel là nhà lãnh đạo phương Tây đối thoại nhiều nhất với ông Putin. Từng lớn lên tại Đông Đức trong thời kỳ Cộng sản, bà Merkel nói tiếng Nga rành rõi và hiểu biết về Liên Xô. Ông Putin rất giỏi tiếng Đức vì từng hoạt động tình báo tại Đông Đức. Do đó, hai nhà lãnh đạo hiểu nhau hơn.

Sau buổi gặp đó bà Merkel đã có những tuyên bố cứng rắn hơn hẳn trước về nước Nga. Trước thềm một hội nghị của châu Âu bàn về Ukraina hồi giữa tháng 11 này, Thủ tướng Đức tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga là “không thể tránh khỏi”.

Nhưng sự thay đổi cách thức đối phó với nước Nga của bà Merkel lại không nhận được sự đồng thuận từ chính các thành viên trong chính phủ, mà rõ ràng nhất là giữa Thủ tướng và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (hai người thuộc hai đảng phái chính trị khác nhau).

Đến mức là lãnh đạo Đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc Giáo (CSU), một đảng liên minh trong chính phủ của đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo của Thủ tướng Merkel, đã báo động trên một tạp chí uy tín ở Đức rằng: “Nếu ngài Steinmeier tiếp tục chính sách ngoại giao trái ngược với Thủ tướng, thì điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm”.

Thật ra thì trái ngược với Thủ tướng Đức, Ngoại trưởng Đức gần đây bị chỉ trích là có thái độ quá mềm dẻo với Nga trong vấn đề Ukraina. Báo Tấm gương của Đức ra ngày 23/11 dẫn lời Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng không nên làm mất kênh đối thoại với Nga, đồng thời cảnh báo về sự nguy hiểm trước những gay gắt không cần thiết trong đối thoại với Tổng thống Nga Putin.

Lo ngại nghi ngờ về sự chia rẽ trong chính phủ bị thổi phồng, người phát ngôn của Chính phủ Đức đã phải chính thức lên tiếng khẳng định tính thống nhất và đoàn kết trong nội bộ chính phủ về Ukraina và thái độ đối với Nga.

Người hưởng lợi lớn nhất của tình trạng chia rẽ này chính là Nga. Bởi thế mà, Tổng thống Nga Putin đã biết không ngừng đào sâu những bất đồng chính trị giữa các đảng phái ở các nước châu Âu và giữa những nước châu Âu. Chẳng hạn như, ông Putin đang xem xét chấp nhận một khoản tín dụng cho Đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AFD), một đảng chống Liên minh châu Âu, hay cho Đảng Mặt trận Quốc gia tại Pháp thông qua ngân hàng First Crech Russian Bank. Đảng Mặt trận Quốc gia là một đảng cực hữu đối đầu mạnh mẽ với Chính phủ Pháp hiện tại.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc