Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Sẽ không có chiến tranh tại Ukraina?

19:00 | 24/11/2014

2,808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù tình hình xung đột tại Ukraina có nguy cơ leo thang căng thẳng nhưng các chuyên gia loại trừ một cuộc chiến có sự tham gia của Nga và phương Tây. Giải pháp “duy nhất” hiện nay đối với cả Ukraina và phương Tây là đàm phán theo các điều kiện của Nga?

>> Vì sao Putin cứng rắn?

>> Ukraina: Khi nào thì đánh?

>> Nga sẽ không cho phép Ukraina tiêu diệt phe ly khai

Sẽ không có chiến tranh tại Ukraina?

Ngoại trưởng Đức Steinmeier (trái) và người đồng cấp Nga Lavrov.

 

Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng nếu sử dụng biện pháp quân sự thì Ukraina không thể nào thắng thế ở miền đông. Dù quân đội Nga không công khai xâm nhập miền đông hay vượt biên giới tấn công quân đội Ukraina để cứu nguy cho hai lãnh thổ ly khai, thì chỉ những đơn vị tinh nhuệ của Nga lén xâm nhập vào nơi đó, cũng có thể chống đỡ và đẩy lui quân đội Ukraina nếu Kiev mở cuộc chiến tranh.

Ngày 22/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Stepan Poltorak khẳng định hiện có 7.500 binh sỹ Nga hiện diện ở miền đông nước này - nơi lực lượng ly khai đang giao tranh với các binh lính chính phủ trong những tháng qua. Ông Poltorak nói: “Rất tiếc, công tác bình ổn tình hình ở miền đông Ukraina không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi. Sự hiện diện của 7.500 đại diện thuộc lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraina đang gây bất ổn và ngăn cản chúng tôi bình ổn tình hình ở khu vực này”.

Ngay sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và cho rằng đó là luận điệu tuyên truyền của chính quyền Kiev nhằm lôi kéo Nga vào cuộc.

Quân đội Ukraina vốn rất yếu kém về trang bị cũng như tổ chức, và điều quan trọng là không có lực lượng tình báo đáng kể so với tình báo FSB của Nga.  Từ xưa cho tới thập niên 2000, cơ quan tình báo Ukraina SBU vẫn là một tổ chức do Nga đào tạo. SBU gần như là một tổ chức phụ của cơ quan KGB trước đây và của FSB ngày nay.

Nhiều nhân viên tình báo cao cấp của Ukraina từng là nhân viên của KGB hay FSB, vì theo thỏa thuận từ thời Liên Xô để lại, tình báo Nga cộng tác và có quyền tuyển mộ nhân viên ngay trong hàng ngũ tình báo của Ukraina. Nay cơ quan tình báo chính của Ukraina là SZRU tuy đã thay đổi nhân sự nhưng giới chuyên môn cho rằng vẫn còn đến 30% nhân viên từng làm việc cho FSB và không chắc có còn làm cho Nga hay không.

Ukraina không thể dùng biện pháp quân sự mà có thể thắng lợi. Vậy còn Mỹ và châu Âu? Mỹ và châu Âu không bao giờ muốn can thiệp quân sự, và cũng không thể can thiệp quân sự để xảy ra chiến tranh thế giới với Nga. Phương Tây dù có muốn cũng không có lý cớ để gây chiến, khi Nga không hề công khai và trực tiếp đưa quân vào Ukraina.

Chiến tranh Nga- Gruzia chỉ cách nay mới 6 năm, vào lúc thế và lực của Liên Bang Nga yếu kém hơn nhiều so với ngày nay. Tấn tuồng lịch sử còn quá mới.

Nga muốn giữ nguyên trạng và muốn Ukraina trở thành Liên bang với hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Ukraina bác bỏ ý kiến đó, và phương Tây ủng hộ Ukraina. Ukraina đã phủ nhận cả hai cuộc trưng cầu dân ý do phe ly khai tổ chức ở Donetsk và Luhansk, nhưng không thể lấy lại được hai lãnh thổ đó, mà chỉ trông chờ vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây để Nga phải thay đổi lập trường.

Chắc chắn Tổng thống Putin hay bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào cũng không thể thay đổi lập trường dù dưới áp lực đến đâu. Và hiện trạng cho thấy không ai có thể đe dọa được nước Nga bằng quân sự, trong khi các biện pháp trừng phạt kinh tế tuy tỏ ra có chút hiệu quả nhưng không làm nước Nga bị tổn thất nặng nề đến mức phải khuất phục. Cuộc chiến kinh tế giữa châu Âu với Nga đem lại tổn thất cho cả hai phía, và Nga đang tìm được lối thoát qua ngã châu Á.

Tổng thống Putin hôm 19/11 đã mời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hội kiến sau khi Ngoại trưởng Đức nói với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là cần phải vạch lằn ranh ngưng bắn rõ ràng ở miền đông Ukraina. Rõ ràng châu Âu cũng đang tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraina.

Báo Tấm gương của Đức ra ngày 23/11 dẫn lời Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng không nên làm mất kênh đối thoại với Nga, đồng thời cảnh báo về sự nguy hiểm trước những gay gắt không cần thiết trong đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Steinmeier được đưa ra khi trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lần đầu tiên dùng những lời lẽ khá nặng nề với vị nguyên thủ Nga. Bởi trong các phát biểu về Nga và Tổng thống Putin trước đó, bà Merkel thường là người khá mềm mỏng và rất thận trọng trong việc dùng ngôn từ. Không chỉ Thủ tướng Merkel mà các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Australia cũng lên tiếng chỉ trích ông Putin tại Hội nghị G-20.

Liên quan việc kết nạp Ukraina vào EU và NATO, Ngoại trưởng Steinmeier tuyên bố phản đối nỗ lực trao cho Ukraina quy chế thành viên NATO. Ông Steinmeier khẳng định: "Trong vấn đề liên minh, như đã nói trước đây nhiều tháng, tôi ủng hộ mối quan hệ đối tác của Ukraina với NATO chứ không phải quy chế thành viên".

Tuyên bố này của ông Steinmeier được đưa ra sau khi Chính phủ mới ở Ukraina, trong bản hiệp ước liên minh mới của nước này, coi việc tìm kiếm quy chế thành viên NATO là "mục tiêu cấp bách".

Trong khi Nga yêu cầu phương Tây đảm bảo không kết nạp Ukraina làm thành viên mới của NATO thì Mỹ để ngỏ cánh cửa, cho rằng Wasington không có lý gì đi ngược lại mong muốn của Kiev.

Không chỉ trong vấn đề quy chế NATO, Ngoại trưởng Đức cũng cho rằng quy chế thành viên EU đối với Ukraina về lâu dài cũng là điều khó có thể trở thành sự thực.

Th.Long

tổng hợp