Senkaku/Điếu Ngư - một sự “báo thù” của địa lý?

08:39 | 11/10/2012

2,440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tiếng súng đấu khẩu giữa Nhật và Trung Quốc (bao gồm Hoa lục, Hongkong và Đài Loan) quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã đến hồi cực kỳ “khét lẹt”. Nó đã cho thấy rõ cái yếu tố mà tác giả Robert D. Kaplan gọi là “sự báo thù của địa lý” trong quyển sách mới xuất bản của mình, trong đó bản đồ và những tranh chấp địa lý xuất phát từ đó, chứ không gì khác mới là ngòi nổ của các cuộc xung đột và thậm chí chiến tranh tương lai không xa…

Một câu chuyện của nhiều thế hệ

Ngày 17/4/2012, ngày mà Đô trưởng Tokyo Ishihara Shintaro tuyên bố kế hoạch mua quần đảo Senkaku, chính quyền huyện Nghi Lan (Đài Loan) đã lập tức phản hồi khi nói rằng “cách duy nhất tiến hành thương vụ Điếu Ngư Đài (cách mà Đài Loan gọi Senkaku) là thông qua một cuộc đấu giá công khai”. Đó là một bày tỏ tái khẳng định của Đài Loan, rằng Điếu Ngư Đài lâu nay vẫn thuộc quyền quản lý của trấn Đầu Thành (huyện Nghi Lan); và rằng từ ngày 29/1/2004, trấn Đầu Thành đã hoàn tất thủ tục “đăng bộ” để được “cấp sổ đỏ” cho Điếu Ngư Đài.

Theo “hồ sơ chủ sở hữu” của Đài Loan, Điếu Ngư Đài được chia thành 74 lô; và tính đến tháng 1/2012, giá trị đất tại đây được tính là 190 Đài tệ (khoảng 6USD) mỗi mét vuông (japanfocus.org/-Wani-Yukio/3792)… Phần mình, Bắc Kinh cho rằng, Điếu Ngư đã thuộc quyền tài phán của Trung Hoa từ thời nhà Minh và Thanh. Cụ thể, tướng Hồ Tông Hiến từng được cử làm chỉ huy lực lượng bảo vệ duyên hải trước “hải tặc Nhật” vào năm 1556; và trong bản đồ hàng hải của mình, tướng Hồ Tông Hiến đã đưa Điếu Ngư vào phần thuộc tỉnh Phúc Kiến…

Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong vòng tranh chấp gay gắt giữa Nhật - Trung Quốc và Đài Loan

Trong thực tế, người đầu tiên đặt chân đến Uotsuri (đảo lớn nhất trong năm đảo thuộc quần đảo Senkaku) là người Nhật, ông Koga Tatsushiro, vào năm 1884. Theo một bài viết trên trang web Đảng Cộng sản Nhật (jcp.or.jp/english/jps_2010/2010_0920.html), sau khi phát hiện có thể làm ăn tại Senkaku, ông Koga đã nộp đơn lên Chính phủ Nhật xin thuê đất. Ngày 14/1/1895, sau chiến thắng trong cuộc chiến Trung - Nhật, Tokyo thông qua nghị quyết sáp nhập Senkaku vào lãnh thổ họ, theo đó hai đảo Uotsuri và Kuba bắt đầu thuộc sự quản lý của chính quyền Okinawa; và tháng 4-1896, Tokyo đưa Senkaku vào địa phận quận Yaeyama (Okinawa), được xem là vùng đất thuộc sự quản lý - sở hữu nhà nước (theo Bản tuyên bố ngày 31/3/1972 của Đảng Cộng sản Nhật, nđd).

Tháng 9-1896, ông Koga được phép thuê 4 hòn đảo thuộc Senkaku (Uotsuri, Kuba, Minamiko và Kitako) trong thời hạn 30 năm; và bắt đầu cho công nhân từ Okinawa đến để xây nhà máy chế biến cá ngừ. Có lúc có đến hơn 200 người Nhật làm việc tại Senkaku. Thời gian sau, ông Koga giao việc quản lý cơ sở làm ăn tại Senkaku cho con trai (Koga Zenji). Tuy nhiên, khi Thế chiến thứ II bùng nổ, Koga Zenji đình chỉ hoạt động doanh nghiệp. Senkaku bị bỏ hoang. Sau chiến tranh, Okinawa nằm dưới quyền quản lý quân đội Mỹ. Đến năm 1972, Okinawa được trả cho người Nhật. Senkaku lại trở về tay Koga Zenji. Đó là thời điểm mà giới địa chất loan bố khu vực đáy biển quanh Senkaku có nhiều trữ lượng dầu khí…

Do không có người thừa kế, Koga Zenji quyết định bán Senkaku cho một gia đình bạn thân - dòng tộc Kurihara (vốn là gia đình giàu có nổi tiếng kinh doanh địa ốc), với điều kiện Kurihara chỉ bán lại cho nhà nước chứ không bất kỳ ai khác. Gia đình Kurihara mua đảo Kitako và Minamiko năm 1972, Uotsuri năm 1978 và Kuba 1988 (Japan Times, 21/7/2012). Chủ sở hữu chính thức ba hòn đảo Kitako, Minamiko và Uotsuri là ông Kunioki Kurihara trong khi em gái ông sở hữu đảo Kuba (ba hòn đảo của Kunioki Kurihara được Chính phủ Tokyo thuê lại với giá 25 triệu yen (300.000USD)/năm; trong khi đảo Kuba được Bộ Quốc phòng Nhật thuê làm bãi tập ném bom với giá không được tiết lộ. Tuy nhiên, sau hàng chục năm sở hữu, gia đình Kurihara lại quyết định bán Senkaku. Có nhiều tài liệu khác nhau giải thích nguyên nhân. Có nguồn nói do thuế thừa kế quá cao nên gia đình Kurihara không gồng nổi. Có tài liệu nói gia đình Kurihara bắt đầu khánh kiệt bởi nhiều khu đất của họ bị sung công cho công trình phúc lợi xã hội (Japan Times, 20/9/2012); và có bài báo cho biết, sự xuống dốc của nhà Kurihara bắt đầu từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước khi tập đoàn xây dựng Hishiya Kaikan của họ nợ chồng chất, từ 20 triệu yen vào thập niên 80 lên hơn 2,5 tỉ yen thời điểm hiện nay (The Asia-Pacific Journal, Vol 10, Issue 28, No. 4, 9/7/2012)…

Cuồng nộ “Bảo Điếu”

Sự bùng nổ làn sóng phản đối Nhật quanh tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư từ Trung Quốc và Đài Loan những ngày qua thật ra chỉ là phần tiếp theo vốn bị đứt khúc tạm thời bởi nhiều yếu tố chính trị trong lịch sử bang giao giữa các bên. Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu quan tâm đến Điếu Ngư vào thập niên 70, sau khi Ủy ban Kinh tế đặc trách châu Á và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra báo cáo vào năm 1969, cho biết khả năng có trữ lượng dầu khí đáng kể quanh Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 30/12/1971, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu đưa ra tuyên bố chủ quyền chính thức (japan-press.co.jp/2010/2687/intl1.html).

Ông Hiroyuki Kurihara thuộc dòng tộc Kurihara: “Chỉ bằng cách thiết lập căn cứ quân sự tại Senkaku mới có thể bảo vệ được chủ quyền Nhật”

Phong trào “Bảo Điếu” (“保钓” - Bảo vệ Điếu Ngư) bùng nổ từ đó. Ngày 17/11/1970, du học sinh Đài Loan tại Trường đại học Princeton (Mỹ) tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ. Tại Úc, nơi Kha Hoa (David Ko - người hiện là phát ngôn viên của Ủy ban Hành động bảo vệ Điếu Ngư tại Hongkong) đang du học, cộng đồng Hoa kiều cũng lên tiếng dữ dội. Ngày 29/1/1971, khi tiến trình trả Okinawa lại cho Nhật bắt đầu đến giai đoạn cuối, khoảng 2.000 du học sinh gốc Hoa từ Đài Loan, Hongkong và nhiều nơi khác đã bao vây trụ sở LHQ tại New York, kêu gọi “bảo vệ Điếu Ngư”. Lúc đó đang học lấy bằng tiến sĩ luật tại Harvard, Mã Anh Cửu (đương kim lãnh đạo Đài Loan) cũng bắt đầu soạn luận án với nội dung Điếu Ngư Đài thuộc Trung Hoa dân quốc. Phong trào “Bảo Điếu” của Đài Loan chỉ lắng lại sau khi Hoa lục giành được ghế LHQ vào tháng 10/1971.

Cuối thập niên 70, Nihon Seinensha (Liên đoàn thanh niên Nhật) thực hiện nhiều cuộc đổ bộ lên Senkaku. Dựng ngọn hải đăng trên đảo Uotsuri, họ tiếp tục trở lại vào năm 1996 để sửa chữa hải đăng và dựng tiếp một ngọn khác tại đảo Kitako. Đó là thời điểm xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa các tàu đánh cá Nhật và Đài Loan. Năm 1996, một năm trước khi Hongkong được trao trả cho Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Ikeda Yukihiko đến Hongkong trong không khí hầm hập gây ra bởi các cuộc đổ bộ của người Nhật lên Senkaku xảy ra trước đó không lâu. Ikeda từ chối họp báo tại phi trường nhưng phát biểu với một phóng viên tờ Minh Báo rằng, “quần đảo Senkaku là một phần của lãnh thổ quốc gia chúng tôi”. Cơn thịnh nộ “Bảo Điếu” lại bùng nổ. Ngày 26/9/1996, sự kiện nhà hoạt động Hongkong Trần Dục Tường (David Chan) bị chết đuối khi cố lên Điếu Ngư đã khiến làn sóng bài Nhật dâng cao đỉnh điểm với cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người tại Hongkong. Ngày 6/10 cùng năm, 4 nhà lập pháp Hongkong né được tàu tuần duyên Nhật, leo lên Uotsuri và biểu diễn thành công màn cắm cờ. Trở về, họ được tôn xưng như những người hùng. Vụ việc được đánh dấu như là sự trở lại của phong trào “Bảo Điếu” lần thứ hai...

Sự “báo thù” của địa lý?

Trong số báo ngày 22/9/2012, tờ The Economist đã phải thốt lên rằng: “Liệu châu Á có thể xảy ra chiến tranh thật sự chỉ bởi những hòn đảo này?”, khi nói về cuộc xung đột không ai nhịn ai giữa Nhật và Trung Quốc quanh tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Cần nhắc lại, năm 1978, trong chuyến kinh lý Tokyo, ông Đặng Tiểu Bình từng nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy quan hệ mậu dịch hai nước mới là quan trọng chứ không phải những tranh cãi “của anh hay của tôi” quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đó là thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu bước vào con đường “khai phóng” và đang cần vốn đầu tư nước ngoài (Der Spiegel, 24/9/2012).

Trung Quốc và Nhật trong cuộc “báo thù” của Senkaku/Điếu Ngư (trong ảnh là nhóm người Trung Quốc mặc trang phục Nhật quỳ trước tượng Phật tại Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam với băng-rôn ghi “Điếu Ngư đảo thuộc về Trung Quốc”)

Cụ thể, trong bản tuyên bố chung (khi thiết lập quan hệ ngoại giao) ngày 29/9/1972, vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đã không được đề cập, trở thành “án lệ” cho Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị ký vào 6 năm sau, ngày 18/8/1978. Lúc đó, ông Đặng phát biểu: “Trước đây, khi đàm phán bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật, hai bên đã đồng ý không đề cập vấn đề này (Senkaku/Điếu Ngư). Bây giờ, trong tiến trình làm việc đưa đến Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị, chúng tôi một lần nữa cũng không đề cập. Gút mắc này có thể được gác lại ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi không phản đối khi gạt nó qua một bên trong một thập niên” (theo báo Hàn Quốc Kyunghyang Shinmoon 4/10/2010, bản dịch tiếng Anh của giáo sư Michael K. Bourdaghs thuộc Trường đại học Chicago đăng trên japanfocus.org)...

Tuy nhiên, lịch sử là thứ không phải muốn quên là quên; vả lại, lịch sử có liên quan đến lợi ích quốc gia càng không thể quên được, đặc biệt khi mà vị thế quyền lực đã được thay đổi. Và như Robert D. Kaplan viết trong quyển “Sự báo thù của địa lý” (The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and the Battle Against Fate, NXB Random House, ấn hành 11/9/2012), “điều duy nhất tồn tại (với một dân tộc) là vị trí của dân tộc đó trên bản đồ”; rằng khi nghiên cứu lịch sử các cuộc xung đột trong nền văn minh nhân loại, Kaplan đã thấy rằng “vào những thời khắc rối ren và bất ổn thì những tấm bản đồ lại nổi lên với tầm quan trọng của chúng”; và “với mảnh đất chính trị đang chuyển dịch nhanh chóng dưới chân người ta, bản đồ, dù không có yếu tố quyết định, lại là sự khởi đầu nhận thức của một lập luận lịch sử có tính dự cảm cho những gì có thể xảy ra tiếp theo”; bởi rằng, như ai cũng có thể thấy, địa lý “thường gắn liền với số phận (của một quốc gia)”! Nói cách khác, lịch sử và địa lý đã và sẽ là những yếu tố được chính trị hóa trong các cuộc mâu thuẫn tranh chấp chủ quyền. Trong vài trường hợp, sắc thái lịch sử đã được làm đổi màu để phù hợp với luận điểm địa lý nào đó vốn dĩ cũng bị nhào nặn theo tư duy chủ quan nhằm phục vụ lợi ích và toan tính riêng.

Có điều, như Các Mác đã nói: “Con người có thể tạo ra lịch sử cho mình nhưng họ không thể tạo nó theo cách hệt như mình muốn” (A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia, Aaron Friedberg, NXB Norton, 2011, trang 58)!

Ngọc Trí - Lư Trung

(Năng lượng Mới số 162, ra thứ Ba ngày 9/10/2012)