Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Sự “cay cú” nguy hiểm của phương Tây

06:00 | 15/09/2014

3,187 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc phương Tây trừng phạt Nga ở cấp độ cao nhất thể hiện một sự “cay cú” nguy hiểm, có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai.

Cuộc trao đổi tù binh giữa Ukraina và phe ly khai diễn ra rạng sáng 12/9 gần khu vực Donetsk trước sự chứng kiến của quan sát viên quốc tế.

 

Từ khi bùng nổ vấn đề Ukraina đến nay, mỗi khi áp dụng gói trừng phạt Nga, phương Tây vẫn luôn có một luận điệu: nếu Nga không khiến tình hình Ukraina ổn định hơn thì họ sẽ “ra tay”. Đã ba lần Mỹ và EU đánh vào Nga với những lý do như vậy. Lần mới đây nhất, được áp dụng từ 0 giờ ngày 12/9, cũng không ngoại lệ.

Điều đáng nói ở đây là tình hình Ukraina đã được cải thiện rất rõ ràng: Ngày 12/9, những binh lính của Ukraina và lực lượng nổi dậy đã tiến hành cuộc trao đổi 74 tù binh bị bắt trong cuộc xung đột ở khu vực miền đông Ukraina. Diễn biến này là một dấu hiệu tích cực cho thấy các bên xung đột ở Ukraina đang hiện thực hóa thỏa thuận hòa bình 12 điểm dưới sự trung gian hòa giải của Nga từ ngày 5/9. Tiếng súng đã lắng dịu ở chiến trường miền đông Ukraina, mang đến hy vọng về việc vãn hồi hòa bình...

Cho nên, việc phương Tây ép buộc Nga phải giải quyết vấn đề của Ukraina chỉ là cái cớ cho một âm mưu khác. Theo các chuyên gia, bản chất về lệnh trừng phạt lần này của phương Tây là sự cay cú trước việc Crưm sáp nhập vào Nga và xa nữa là nước Nga đang có sự vươn lên mạnh mẽ. Phương Tây lo ngại về sự lớn mạnh của Nga, cụ thể biểu hiện là nguyên trạng của châu Âu bị phá vỡ, đe dọa bị phá vỡ.

Từ khi nước Nga sát nhập Crưm cho đến nay, Nga đã bị Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Canada, Australia,… ngày càng siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính, ngân hàng và danh sách những cá nhân bị trừng phạt ngày càng dài thêm. Nếu tiếp tục theo chiều hướng này, những biện pháp đáp trả của Nga sẽ không dừng lại ở vấn đề kinh tế.

Ukraina là một nước nhỏ nhưng lại có ý nghĩa địa chính trị rất lớn: Nó là quốc gia bản lề giữa Nga và khối NATO. Với Nga, chính phủ Ukraina nếu không theo hẳn Nga thì ít nhất cũng trung lập. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ biên giới của họ. Với phương Tây, nếu Ukraina ngả theo họ hoặc nhập hẳn vào khối NATO thì biên giới của NATO sẽ được mở rộng đến tận sát bên nách của Nga.

Ðó là lý do chính khiến không bên nào nhượng bộ bên nào cả. Hai bên vẫn tránh cảnh trực tiếp đối đầu nhau nhưng Mỹ và phương Tây vẫn tăng cường các áp lực kinh tế trên nước Nga. Và Nga, ngược lại, vẫn không những không hề tỏ ý nhượng bộ mà còn bắn tiếng đe dọa cả phương Tây về một hiểm họa chiến tranh hạt nhân.

Cách đây hai ngày, phát biểu trong một cuộc họp về hiện đại hóa vũ khí tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã lên tiếng cảnh báo phương Tây rằng Nga sẽ đáp trả những động thái quân sự mới đây của Mỹ và NATO bằng việc phát triển một loạt vũ khí hạt nhân và thông thường mới.

Tuyên bố của ông Putin cho thấy nước Nga không đi theo một cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, việc phải tăng cường hiện đại hóa quân đội nó cũng đã là tín hiệu của một cuộc chạy đua rồi. Nói cách khác, an ninh toàn cầu đang đặt trước một mối đe dọa chính từ sự căng thẳng này. Rất khó lường được là nó sẽ lớn tới mức độ nào nhưng có lẽ là cả hai bên cần nhận thức rõ nguy cơ này để nhanh chóng tháo gỡ, trước khi để nó quá muộn.

Phương Tây và Nga vẫn đang cần đến nhau rất nhiều trong các vấn đề quốc tế. Cuộc chiến chống lực lượng hồi giáo cực đoan IS mà Mỹ đang phát động, vấn đề Syria, việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên, có rất nhiều điểm nóng quốc tế mà Phương Tây cần có sự phối hợp của Nga để giải quyết. Những lời lẽ công kích lẫn nhau hiện nay giữa Nga và NATO gợi lại bầu không khí thời Chiến tranh Lạnh, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và những bài học rút ra từ quá khứ đối đầu giữa hai cực Đông - Tây trong chiến tranh lạnh sẽ là lý do để các bên tìm ra được giải pháp cho tình trạng hiện nay.

Tuy nhiên, cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai này, nếu xảy ra, sẽ không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa Nga và phương Tây mà còn có một mặt trận thứ hai nữa: xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Như vậy, cuộc Chiến tranh Lạnh sắp tới sẽ là cuộc chạy đua giữa Mỹ và NATO với Nga ở vùng Ðông Âu, giữa Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương với Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc và Nga bắt tay nhau để chống lại Mỹ có thể xảy ra.

Bối cảnh hiện nay đã khác xưa. Về phương diện kinh tế, quan hệ giữa các nước trở thành chằng chịt và vô cùng phức tạp. Số đầu tư của Mỹ ở Nga và Trung Quốc cũng như số đầu tư của Nga và Trung Quốc ở Mỹ và ở phương Tây nói chung rất lớn. Người ta rất khó để thực sự ra lệnh cấm vận hay cô lập nhau.

Bởi vậy, cuộc Chiến tranh Lạnh lần này chắc chắn sẽ có những diện mạo khác hẳn lần trước. Nó cũng đòi hỏi giới lãnh đạo các quốc gia liên quan phải có những tính toán chiến lược mới mẻ nếu muốn giành được phần thắng. Nhưng chuyện thắng hay bại là một chuyện khá xa vời, có khi đến vài chục năm nữa mới biết rõ. Như ở cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, hơn bốn mươi lăm năm (1945-1991) mới ngã ngũ.

H.Phan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc