"Sức mạnh Siberia" - Cân bằng chiến lược?

15:28 | 14/09/2014

2,694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự buổi lễ khởi công dự án lớn nhất thế giới, xây dựng đường ống dẫn khí đầu tiên từ Nga sang châu Á mang tên “Sức mạnh của Siberia”, cung cấp khí đốt cho vùng Viễn Đông của Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là động thái mạnh mẽ nhất trong quá trình triển khai chiến lược “chim ưng hai đầu” của LB Nga kể từ khi chính sách “ưu tiên” hướng tây bị thất bại.

Năng lượng Mới số 356

Hướng tây bất thành

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, LB Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsil đã dành hàng chục năm, để ưu tiên cho quan hệ hướng tây, Nga đã có cả kế hoạch gia nhập EU và NATO, Hội đồng Nga - NATO đã đi vào hoạt động, nhưng chiến lược “Đông Tiến” của NATO vẫn không ngừng lấn tới, hệ thống NMD của Mỹ đã được triển khai đến tận gần biên giới Nga, nói là để chống lại tên lửa của Iran và Triều Tiên.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, Mỹ và phương Tây vẫn không chấp nhận một thế giới “đa cực” trên thực tế, với vai trò và vị thế quốc tế của các nước mới nổi trong đó có LB Nga, khiến Nga không thể không phản ứng.

Chiến lược “Đông tiến” của NATO đã khiến Nga không còn chỗ để lùi. Không gian hậu Xô-viết đã bị đẩy đến tận cùng với phần lớn các nước bị thu hút vào EU và NATO nhằm đối địch với Nga. Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1990, tiếp theo phần lớn các quốc gia thuộc không gian hậu Xô-viết gia nhập EU và NATO.

ă

Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi công xây dựng đường ống khí đốt Nga - Trung Quốc

Ngày 23-2, tại Đông Âu, phương Tây lại “ghi điểm” về sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc trường chinh “Đông tiến” của họ, đó là việc phe đối lập Ukraine với sự hỗ trợ của Mỹ và EU đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych và tiến sát vào biên giới Nga, phá tan rào cản trên đường tiến quân về phía đông.

Ngày 27-6, tại Brusselles (Bỉ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Liên kết giữa Ukraine, Gruzia, Moldova với EU. Tuy chưa phải là thành viên EU và NATO, nhưng liên minh này sẽ được mở rộng, vấn đề chỉ còn là thời gian. Chiến lược “Đông tiến” của NATO khiến cho không gian hậu Xô-viết bị thôn tính tới mức đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh của Nga.

 Chiến lược “Đông tiến” đã dựng lên giới cầm quyền thân phương Tây, tạo cơ sở cho chiến dịch “liên kết” về kinh tế, thông qua việc kết nạp gần hầu hết các nước khu vực phía đông vào EU trong các năm 2004: 8 nước, 2007: 2 nước, 2013: 1 nước và 2014: 3 nước ký Hiệp định Liên kết.

 NATO đã thu hút nhiều nước trở thành thành viên của mình, năm 1999: 3 nước (Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary); năm 2004: 7 nước (Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia); năm 2009 là 2 nước Croatia, Albania và trong thời gian tới sẽ là 3 nước Ukraine, Gruzia, Moldova.

Chặn đà “Đông tiến”

Sau khi thất bại của chính sách hướng tây, Nga chủ trương đẩy mạnh “tiến công” ngoại giao và kinh tế, tăng cường quan hệ kinh tế đầu tư - thương mại, coi trọng “vũ khí” dầu mỏ - khí đốt, trong thời gian không dài, nhất là từ cuộc chiến tranh 5 ngày ở Gruzia (2008). Thông qua việc cài đặt lại mối quan hệ đông - tây, Nga - EU đã thiết lập được mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau.

Tính đến trước cuộc khủng hoảng Ukraine, 25% nhu cầu khí đốt của EU phụ thuộc vào Nga, riêng Đức là nước phụ thuộc tới hơn 30%, trong khi quan hệ thương mại Nga - Đức cũng đã đạt hơn 75 tỉ USD mỗi năm. Hơn 50% khí đốt của Nga được vận chuyển bằng đường ống chạy qua Ukraine và hơn 50% kim ngạch thương mại của Nga là với các nước trong EU.

Nga cũng là quốc gia nhập khẩu lớn các mặt hàng tiêu dùng từ đối tác châu Âu, khiến Mỹ phải quan ngại về mối quan hệ này có thể tạo ra nguy cơ “độc lập” xa rời Mỹ của khu vực. Vì thế, khủng hoảng Ukraine là “dịp may” để Mỹ phá vỡ mối quan hệ Á - Âu này và thay bằng sự phụ lớn hơn của EU vào kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây lần này đã không đánh giá hết khả năng “chủ động tiến công” của Nga, trong việc nhanh chóng đưa Crimea trở thành một chủ thể trong thành phần của LB Nga với các bước đi rất bài bản và phù hợp với luật pháp quốc tế, khiến Mỹ và EU phản ứng rất quyết liệt, nhưng ngay từ đầu và cho đến nay họ vẫn phải tuyên bố loại trừ hành động quân sự.

Nhằm trả đũa đối với những hành động trừng phạt của phương Tây, mới đây ngày 1-8, ngay sau khi lệnh trừng phạt mới của EU đối với Nga có hiệu lực thì ngày 6-8 Nga đã trả đũa đối với EU và “cuộc chiến” thương mại EU - Nga đã thực sự bắt đầu.

Mặc dù mỗi bên đều lựa chọn mục tiêu nhằm làm thiệt hại cho đối phương nhiều hơn là thiệt hại cho chính bản thân mình, nhưng trên thực tế hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế toàn cầu đã hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là sự đan xen của hai thị trường EU - Nga về năng lượng và hàng nông sản thì việc cân đong, đo đếm thiệt hơn chỉ là tương đối.

Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép với Nga, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin hồi tháng 5 lại là dấu mốc quan trọng nữa trong quan hệ giữa hai cường quốc mới nổi, xu hướng hình thành khối “liên minh” đối trọng với tầm ảnh hưởng của Mỹ tại các khu vực và quốc tế. Giới phân tích cho rằng: “Liên minh” Nga - Trung nếu hình thành sẽ buộc Mỹ và đồng minh phải có những đối sách chiến lược và xác định lại tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: “Nga và Trung Quốc chủ trương thành lập một cấu trúc an ninh mới và phát triển bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực”, rằng: “Việc thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, người bạn tin cậy của Nga, là ưu tiên vô điều kiện trong chính sách đối ngoại của Nga”.

ă

Tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia”

Cân bằng chiến lược

Kể từ năm 2013, hai nước Nga - Trung đã nhận ra những lợi ích to lớn của quan hệ song phương, không chỉ về kinh tế thuần túy mà còn là lợi ích an ninh - quân sự trong thế cân bằng chiến lược toàn cầu và sự vận động trong cấu trúc an ninh quốc tế, trong bối cảnh Mỹ đang vượt trội về vũ khí thông thường, với dự án “Tấn công toàn cầu tức thì” và chiến lược “Đông tiến “ của NATO.

Để thực hiện hợp đồng xây dựng tuyến đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia”, Nga đầu tư 55 tỉ USD và Trung Quốc đầu tư 22 tỉ USD. Tuyến đường ống dẫn khí này sẽ nối từ tây Siberia đến cảng Thái Bình Dương Vladivostok, vào phía đông bắc của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, hiện nay 50% ngân sách quốc gia của Nga thu được từ việc xuất khẩu năng lượng. Trong bối cảnh đó, Nga buộc phải tìm những đối tác mới để xuất khẩu. Trung Quốc là nước có khả năng đáp ứng được nhu cầu của Nga và luôn “rộng mở vòng tay đón chào Nga”.

Nếu như trước đây việc Nga và Trung Quốc còn tính toán thiệt hơn thì hiện nay đã được thông qua một cách nhanh chóng. Hai bên đã ký một thỏa thuận có tổng giá trị hợp đồng lên đến 400 tỉ USD. Trong quan hệ “có đi có lại” này, Nga đã giải được cơn khát năng lượng cho Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng “cứu” nền kinh tế Nga trước các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Giới phân tích cũng cho rằng, thế giới có thể cùng một lúc sẽ được nghe hai bản hòa tấu Nga - Trung: “Phục hưng Liên Xô” dưới sự điều khiển của Tổng thống Nga Putin; và “giấc mơ Trung Hoa” dưới sự điều khiển của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước sự song hành hai đại chiến lược của hai cường quốc Nga - Trung, khiến cho Mỹ khó bề yên tâm với những lời tuyên bố mạnh mẽ nhưng ít trọng lượng như những năm vừa qua.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Putin cho rằng: “Tuyến đường ống này sẽ không chỉ tăng cường xuất khẩu và mở rộng phạm vi địa lý cho hàng xuất khẩu nhiên liệu năng lượng của chúng ta, mà còn là một bước tiến quan trọng trong quá trình “khí hóa” đất nước, đặc biệt là đối với khu vực phía đông nước Nga”.

Đây là tuyến đường ống năng lượng thứ hai được xây dựng hướng về phía đông, được mệnh danh là “đường tới phương Đông”. Trước đó, Nga đã xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu “Đông Siberia - Thái Bình Dương” (ESPO) để bán năng lượng cho Trung Quốc Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác thông qua tàu chở dầu.

Với dự án khổng lồ này, tỷ trọng các nguồn năng lượng của Nga tại thị trường châu Á có thể chiếm tới 30%. Khối lượng khí đốt cũng chiếm khoảng 25% mức tiêu thụ hiện nay của Trung Quốc và khoảng 10% nhu cầu khí đốt của nước này vào năm 2020.

Theo chuyên gia an ninh năng lượng Alexei Turbin, dự án này bao hàm cả yếu tố năng lượng và chính trị. Tuyến đường ống này sẽ cung cấp khí đốt cho vùng Viễn Đông của Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc, mở đường cho những kế hoạch to lớn hơn của Nga ở châu Á, tới cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia… làm giảm đáng kể sức ép từ phương Tây.

Như vậy, với định hướng chiến lược “chim ưng hai đầu” và chính sách ngoại giao coi trọng lợi ích, Nga đã chuyển từ thế “thụ động” sang “chủ động tiến công” trên chính trường ngoại giao, với các bước đột phá ở Syria, Crimea và mở rộng quan hệ kinh tế năng lượng sang châu Á.

Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine là sự cọ xát quyết liệt nhất kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc giữa chiến lược “chim ưng hai đầu” của Nga và chiến lược “Đông tiến” của NATO. Tuy nhiên, trong cuộc “so găng” chiến lược này, nhất là về kinh tế, câu trả lời “ai thắng ai” vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc