Tại sao Bộ trưởng Tư pháp Mỹ từ chức?

07:00 | 27/09/2014

926 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận đang bàn luận sau tuyên bố từ chức tại Nhà Trắng hôm 25-9 của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bởi ông Eric Holder khẳng định, sẽ rời Bộ Tư pháp, nhưng không bao giờ rời bỏ công việc.

Nguyên nhân từ chức của ông Eric Holder không được tiết lộ, nhưng có lẽ xuất phát từ những bất đồng sâu sắc với đảng Cộng hòa và Quốc hội Mỹ. Sở dĩ nói như vậy vì ông Eric Holder là đồng minh lâu năm và là một trong 3 thành viên còn sót lại (cùng với Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan và Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack) từ nội các nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Barack Obama.

Tuy đã xác nhận và thông qua quyết định từ chức của ông Eric Holder, nhưng Tổng thống Barack Obama vẫn yêu cầu người đồng minh lâu năm đảm trách cương vị Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho tới khi tìm được người thay thế. Một quan chức giấu tên tại Bộ Tư pháp cho biết, ông Eric Holder, người từng biện hộ về vấn đề đóng cửa nhà tù tại Guantanamo, chưa có kế hoạch sau khi từ chức.

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder.

Trong khi Tổng thống Barack Obama ca ngợi những đóng góp của Bộ trưởng Tư pháp trong lĩnh vực quyền dân sự, chống khủng bố và tham nhũng - đã làm một công việc tuyệt vời, thì đảng Cộng hòa lại coi như không biết tới sự tồn tại của ông Eric Holder trong nội các. Mặc dù là người da màu đầu tiên và là Bộ trưởng Tư pháp phục vụ lâu thứ tư trong lịch sử nước Mỹ, nhưng kể từ khi nhậm chức tới nay, ông Eric Holder không được đảng Cộng hòa ủng hộ.

Trong gần 6 năm nắm quyền điều hành Bộ Tư pháp, ông Eric Holder đã đưa ra một số quyết sách gây tranh cãi sâu sắc với đảng Cộng hòa khi siết chặt buôn bán và sở hữu súng đạn, chỉ trích hệ thống nhà tù Mỹ, đề xuất xét xử những nghi can khủng bố tại tòa dân sự thay vì tòa án quân sự, mở cuộc điều tra những trường hợp cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức và kiện chính quyền bang Arizona về đạo luật chống di dân; kiện bang Bắc Carolina và Texas về những hạn chế bỏ phiếu xâm phạm quyền của các sắc tộc thiểu số. Đảng Cộng hòa thực sự tức giận sau khi bị ông Eric Holder từ chối chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra những cáo buộc về việc thực thi thuế tại Sở Thuế Vụ.

Đảng Cộng hòa đang hy vọng đưa người của mình thay thế vị trí của ông Eric Holder trước khi phiên họp Quốc hội mới diễn ra vào tháng 1-2015. Giới chuyên môn cho rằng, dù ai tiếp quản chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp cũng đều phải đối mặt với những thách thức như chống lại kế hoạch khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cân bằng giữa quyền riêng tư của người dân với nỗ lực giám sát của chính phủ, hay có quyết định truy tố cựu nhân viên CIA Edward Snowden…

Hiện có một số ứng cử viên tiềm năng có thể được cân nhắc thay thế ông Eric Holder như ông Preet Bharara, thẩm phán liên bang tại quận Manhattan, thành phố New York; Tổng thanh tra Don Verrilli; cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Tom Perrelli và Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick.

Tổng thống Obama và Eric Holder.

Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder từng bị cáo buộc khinh thường Quốc hội khi từ chối cung cấp thông tin về sự thất bại của chiến dịch triệt phá buôn bán súng đạn và bài trừ ma túy “Fast and Furious”. Hơn 2 năm trước (28-6-2012), với 255 phiếu thuận và 67 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa nắm đa số đã bỏ phiếu luận tội khinh thường Quốc hội đối với ông Eric Holder sau khi Bộ trưởng Tư pháp từ chối chuyển giao hồ sơ về chiến dịch “Fast and Furious”.

Do đó, ông Eric Holder là Bộ trưởng Tư pháp đương nhiệm đầu tiên bị quy tội khinh thường Quốc hội. Trong khi đó, Giáo sư Luật của trường Đại học George Washington Stephen Saltzburg lại cho rằng, ông Eric Holder sẽ được nhớ đến vì đã tập trung vào việc bảo vệ mở rộng các quyền dân sự. Giáo sư Stephen Saltzburg cũng khẳng định những đóng góp của ông Eric Holder đối với Bộ Tư pháp.

Nhà Trắng từng từ chối giao nộp các tài liệu liên quan đến chiến dịch "Fast and Furious” do Cục quản lý rượu, thuốc lá và vũ khí thực hiện trong giai đoạn từ 2009 đến 2011 sau khi xuất hiện cáo buộc: mật vụ Mỹ đã để mất hàng trăm khẩu súng được bán trái phép ở Arizona và sau đó chúng bị tuồn vào Mexico. Hai khẩu súng trong số vũ khí kể trên đã xuất hiện tại hiện trường vụ giết hại nhân viên tuần tra biên giới Brian Terry năm 2010.

Và việc này được đề cập ngày 4-2-2011, khi Bộ Tư pháp gửi các nhà lập pháp lá thư phủ nhận việc họ biết về những khẩu súng được tuồn lậu vào Mexico. Nhưng sau đó Bộ Tư pháp đã rút lại lá thư này (10 tháng sau) và thừa nhận hoạt động kể trên. Khi đó, Nghị sỹ của đảng Cộng hòa Darrell Issa, thuộc Ủy ban giám sát tại Hạ viện, đã yêu cầu ông Eric Holder trao các tài liệu liên quan, nhưng đã bị Bộ Tư pháp từ chối với lý do “có thể ảnh hưởng đến các cuộc điều tra hình sự đang được thực hiện”. Đảng Cộng hòa khẳng định, ông Eric Holder đã lừa dối Quốc hội khi phủ nhận sự hiểu biết về chiến dịch "Fast and Furious” và không tuân theo trát đòi chuyển giao hồ sơ liên quan đến vụ việc này.

 

Khi đề cập tới vụ tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden (2-5-2011), Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder khẳng định, đây không phải là một cuộc ám sát vì cho rằng, vụ đột kích là sứ mệnh tiêu diệt hoặc bắt giữ. Đồng thời nhấn mạnh, việc bảo vệ các thành viên đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ, những người thực hiện vụ đột kích là quan tâm lớn nhất của họ. Ông Eric Holder cũng khẳng định, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã hành động phù hợp (hợp pháp và luật pháp quốc tế cho phép nhắm bắn các thủ lĩnh kẻ thù) - bắn hạ mục tiêu bởi không có dấu hiệu cho thấy Osama bin Laden định đầu hàng./. 

 

Đông Ngàn -Từ Sơn

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc