Tại sao Scotland muốn tách khỏi xứ sở sương mù?

09:32 | 18/09/2014

3,331 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Scotland độc lập sẽ làm suy yếu sức mạnh của UK tồn tại hơn 300 năm đã từng thống trị 1/3 thế giới. Chính quyền Scotland cho biết, có tới 97% cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, một con số kỷ lục cho cuộc trưng cầu mang tính chất lịch sử. Có 2.608 điểm bỏ phiếu trên toàn Scotland hoạt động tới 22 giờ ngày 18-9. Nếu đa số người dân Scotland bỏ phiếu cho sự độc lập, khu vực này sẽ ly khai khỏi Vương quốc Anh vào ngày 24/3/2016.

Hôm nay (18/9), không chỉ hơn 5 triệu người Scotland dõi theo kết quả cuộc trưng cầu ý dân, mà nhiều nước trên thế giới cũng quan tâm tới vấn đề này. Bởi nếu cử tri Scotland bỏ phiếu ủng hộ độc lập, và khi đó, Edinburgh và London sẽ phải thỏa thuận về điều kiện phân tách khối Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK) ở dạng như hiện nay sau Hiệp ước hợp nhất năm 1707. Scotland độc lập sẽ làm suy yếu sức mạnh của UK tồn tại hơn 300 năm đã từng thống trị 1/3 thế giới. Chính quyền Scotland cho biết, có tới 97% cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, một con số kỷ lục cho cuộc trưng cầu mang tính chất lịch sử. Có 2.608 điểm bỏ phiếu trên toàn Scotland hoạt động tới 22 giờ ngày 18-9. Nếu đa số người dân Scotland bỏ phiếu cho sự độc lập, khu vực này sẽ ly khai khỏi Vương quốc Anh vào ngày 24/3/2016.

Đi hay ở?

Hơn 300 năm trước, Scotland là một nước độc lập cho đến ngày 1-5-1707, khi đạo luật thống nhất ra đời tạo nên một liên hiệp chính trị với Vương quốc Anh và Scotland nằm trong UK bao gồm: Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Việc phân chia quyền lợi giữa Anh và Scotland sẽ rất phức tạp, chưa kể quá trình di chuyển các kho vũ khí hạt nhân của Anh khỏi Scotland vừa tốn kém (khoảng 3,5 tỷ bảng Anh) vừa tốn nhiều thời gian. Hạm đội hải quân Anh đang tập trung tại căn cứ hải quân Faslane, Scotland. Nếu Scotland độc lập và tuyên bố phi hạt nhân, Anh sẽ phải di chuyển 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược ra khỏi khu vực này. Và điều này có thể phá hủy hoàn toàn những nỗ lực quốc phòng tập thể và khả năng răn đe của các đồng minh NATO. Nếu không còn Scotland, ảnh hưởng của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) và NATO sẽ bị suy yếu. Giới chuyên môn lo ngại, việc Scotland độc lập sẽ tạo ra 'cơn lốc ly khai' cho nhiều vùng đất, từ Catalonia ở Tây Ban Nha đến khu vực nói tiếng Hà Lan Flemish của Bỉ.

Người Scotland biểu tình ủng hộ và chống độc lập.

Giới truyền thông cho rằng, bên cạnh niềm tự hào dân tộc, điều mà cử tri Scotland mong muốn là chất lượng sống được cải thiện và hệ thống an sinh xã hội được bảo đảm. Được biết, 97% trữ lượng dầu lửa và 58% trữ lượng khí đốt của Anh tập trung trên lãnh thổ Scotland. Sau khi giành độc lập, Scotland có thể sử dụng nguồn lợi nhuận từ dầu mỏ để xây dựng một xã hội thịnh vượng và công bằng hơn. Người Scotland cho rằng, họ đang phải chia sẻ gánh nặng kinh tế với Anh. Mỗi giây người Scotland phải trả 127 bảng cho nợ công nhưng không được công bố. Scotland đang định hướng tới mô hình phát triển như Na Uy với nền kinh tế tăng trưởng đều, nguồn dầu mỏ biển Bắc dồi dào và thu nhập cao.

Theo hãng BBC, thu nhập của người Scotland có thể tăng lên, nhưng để duy trì các vấn đề an sinh xã hội, các loại thuế sẽ phải tăng thêm 3%, nếu không sẽ phải cắt giảm 11% chi tiêu cho dịch vụ công. Bởi tách khỏi UK, Scotland sẽ không dính líu đến bất kỳ định chế quốc tế nào và sẽ làm ứng viên nếu muốn gia nhập UN, EU hay NATO. Dư luận do rằng, kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 18/9 của cử tri Scotland sẽ trả lời nhiều thắc mắc của dư luận.

Theo kết quả thăm dò của các hãng ICM, Opinium và Survation cho thấy, có tới 48% số phiếu ủng hộ độc lập, lực lượng phản đối vượt trội với 52% phiếu. Trước đó, kết quả thăm dò của tờ Nhà quan sát cho thấy, phe nói "Không" với độc lập đang dẫn trước với tỷ lệ 53% so với 47%. Còn theo cuộc thăm dò của Panelbase cho tờ Thời báo Chủ nhật, chênh lệch giữa hai phe "Không" và "Có" là 51% và 49%. Tỷ lệ chênh lệch rất sít sao giữa phe ủng hộ và từ chối độc lập khiến cho cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland đang trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết. Nhưng vẫn còn 8% - 14% trong tổng số 4,3 triệu cử tri Scotland vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Theo quy định tiến hành trưng cầu ý dân, Scotland sẽ chỉ độc lập nếu có hơn 50% phiếu thuận.

Theo giới truyền thông, mọi việc thay đổi sau khi Đảng Dân tộc Scotland (SNP) bất ngờ giành chiến thắng trước Công Đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007. Kết quả này đồng nghĩa với việc thủ lĩnh Alex Salmond của SNP, người có khuynh hướng đưa Scotland tách khỏi Anh, trở thành Thủ hiến đầu tiên của Scotland. Ngày 25/5/2012, những người ủng hộ nền độc lập Scotland đã tiến hành chiến dịch lớn nhằm yêu cầu chấm dứt Liên hiệp Anh tồn tại hơn 300 năm qua. Tháng 11/2013, Scotland ra "Sách Trắng về độc lập" với quân đội và ngoại giao độc lập với Anh. Nếu Scotland độc lập, Vương quốc Anh sẽ mất 1/3 diện tích đất, 8% dân số, 10% doanh thu thuế, cùng với những thiệt hại không thể đo đếm về văn hóa, chính trị, cũng như quân sự.

Mối quan tâm của phương Tây

Mặc dù từng tuyên bố nhiều lần rằng London tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân nhưng đứng trước nguy cơ có thể mất Scotland mãi mãi, các nhà lãnh đạo Anh đã dốc sức để bảo vệ sự vẹn toàn của Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland.
48 giờ trước cuộc trưng cầu ý dân, lãnh đạo cả ba chính đảng lớn ở Anh là Thủ tướng Cameron (đảng Bảo thủ), thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband và Phó Thủ tướng Nick Clegg thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LibDem) đã cùng ký vào một lá thư trao quyền tối đa cho Nghị viện Scotland cũng như cam kết thực hiện những chính sách để đảm bảo việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi công bằng hơn giữa 4 xứ làm nên Vương quốc thống nhất (UK) gồm England, Wales, Scotland và Bắc Ireland.

Thủ tướng Anh David Cameron trong một cuộc gặp với Thủ hiến.

Thủ tướng David Cameron cảnh báo, việc bỏ phiếu ủng hộ độc lập sẽ dẫn tới một sự chia cắt không thể đảo ngược đối với Anh. Ông David Cameron nhấn mạnh, Scotland không thể đạt được sự thay đổi bằng cách 'xé nát đất nước', phá hoại nền kinh tế và làm suy yếu vị thế của mình trên thế giới. Và trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn cản Scotland ly khai, ông David Cameron còn tuyên bố: "nếu các bạn không thích, tôi sẽ không ở lại".

Nếu Scotland độc lập, Thủ tướng David Cameron sẽ từ chức. Bộ trưởng Tài chính George Osborne từng cam kết (ngày 7/9), Chính phủ Anh sẽ dành nhiều quyền độc lập về tài chính hơn cho Scotland. Ngày 14/9, trong một động thái can thiệp hiếm hoi của Hoàng gia Anh vào đời sống chính trị của xứ sở sương mù, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã bày tỏ hy vọng, cử tri Scotland suy nghĩ kỹ lưỡng về tương lai trước cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland vào ngày 18/9.

Thủ tướng Anh David Cameron.

Nhiều nhà lãnh đạo NATO đã bày tỏ quan ngại trước việc Scotland tách khỏi Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ngày 15/9, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh. Mỹ tôn trọng quyền tự quyết của người dân Scotland, song hy vọng Vương quốc Anh duy trì sự vững mạnh, năng động và thống nhất. Ngày 16/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã cảnh báo, Scotland sẽ khó có thể trở thành thành viên EU nếu tuyên bố độc lập và tách khỏi Vương quốc Anh. Ngày 27/11/2013, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rahoi cảnh báo Scotland về những hậu quả mà cả châu Âu sẽ phải gánh chịu nếu Scotland tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc có nên tách ra khỏi Vương quốc Anh, trở thành một quốc gia độc lập hay không. Ngày 14/8/2013, NATO đã cảnh báo, trong trường hợp tuyên bố độc lập, Scotland có thể không được kết nạp vào liên minh quân sự này nếu tranh chấp căn cứ Clyde…

Theo giới phân tích, gần 2 năm trước (15/10/2012), khi cùng Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond đặt bút ký thỏa thuận Edinburgh, cho phép Nghị viện Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng đất này, Thủ tướng Anh David Cameron không nghĩ tới nguy cơ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đứng trước thảm họa chia tách. Và các cuộc thăm dò dư luận tại Scotland khi đó cho thấy, tỉ lệ ủng hộ xứ này độc lập khỏi Anh chỉ ở mức 30% - 35% một thời gian dài có thể là nguyên nhân khiến London có phần chủ quan về vấn đề này.

Đông Ngàn-Bắc Ninh

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc