Taliban trỗi dậy

08:20 | 30/09/2014

1,555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 1.000 phần tử khủng bố Taliban đã tấn công tỉnh Ghazni và sát hại hàng trăm người trong mấy ngày qua. Đây là hoạt động bạo lực bùng phát dữ dội nhất tại Afghanistan sau nhiều ngày yên ắng. Việc chia chác quyền lực ở Kabul liệu có tác động gì tới phản ứng của Taliban tại Afghansitan?

Năng lượng Mới số 361

Dân làng Afghanistan hôm 27-9 đã treo cổ 4 tay súng Taliban bị bắt, trong lúc quân chính phủ giao tranh với phiến quân tại một quận thuộc tỉnh Ghazni, tây nam Kabul.

Vụ treo cổ này xảy ra sau khi phía Taliban hạ sát hơn 100 người trong vùng này tuần qua. Theo Phó tỉnh trưởng Mohammad Ali Ahmadi, giao tranh tại quận Ajrestan thuộc tỉnh Ghazni, nằm trong kế hoạch gia tăng các cuộc tấn công của Taliban trên cả nước để lợi dụng cơ hội quân đội ngoại quốc đang rút đi khiến việc yểm trợ bằng không quân cũng giảm sút.

Cuộc tấn công của khoảng 700 tay súng Taliban khởi sự 6 ngày trước đây. Tuy nhiên, các đơn vị biệt kích Chính phủ Afghanistan được gửi đến tăng viện và cùng với sự trợ giúp của không quân Mỹ đã giúp quận này không bị thất thủ trong thời gian qua.

Các nhà quan sát cho rằng, do thiếu sự che chở của không lực Mỹ đã khích lệ các phần tử nổi dậy tấn công các tiền đồn của quân đội Afghanistan, nhất là tại các vùng nơi Taliban thường được sự hậu thuẫn và nổi tiếng là trồng thuốc phiện. Tỉnh Kunduz miền Bắc mới đây đã chứng kiến những vụ giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh và các phần tử nổi dậy.

Taliban trỗi dậy

Các phần tử Taliban tấn công tỉnh Ghazni

Cuộc tấn công ở Ajrestan cho thấy những thách thức to lớn mà tân Tổng thống Ghani và các lực lượng an ninh Afghanistan phải đối phó trong nhiệm vụ tự bảo vệ lãnh thổ khi các lực lượng quân sự nước ngoài chuẩn bị rút khỏi nước này vào cuối năm nay.

Cũng có ý kiến cho rằng, một tiến trình bầu cử kéo dài và cuộc tranh cãi chính trị giữa Tổng thống tân cử Ghani với người về nhì là ông Abdullah Abdullah đã khuyến khích phe Taliban tăng cường các vụ tấn công với lợi dụng sự xuống tinh thần trong nội bộ lực lượng an ninh.

Cường độ chiến cuộc tại Afghanistan gia tăng đúng vào dịp chính quyền Kabul thông báo hoàn tất việc thỏa thuận chia chác quyền lực sau nhiều ngày tranh cãi. Các cuộc bầu cử của Afghanistan bắt đầu từ tháng 4, vòng cuối diễn ra vào tháng 6 và nhiều tháng sau đó ở trong tình trạng lấp lửng khi có những cáo buộc về gian lận bầu cử  và Liên Hiệp Quốc đã phải điều tra.

Bế tắc chấm dứt ngày 23-9 với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Mỹ làm trung gian. Thỏa thuận đưa ông Ashraf Ghani lên làm tổng thống và đối thủ Abdullah Abdullah vào vị trí mới được tạo ra là “trưởng ngành hành pháp” đã gặp nhiều chỉ trích từ những người nghi ngờ, liệu sắp xếp này có đủ mạnh để giải quyết nhiều thách thức của đất nước vào lúc các binh sĩ quốc tế chuẩn bị rời khỏi nước này. Ủy ban bầu cử cũng quyết định không tiết lộ số phiếu của mỗi ứng cử viên nhận được trong vòng cuối của cuộc bầu cử, một yêu cầu chính của ông Abdullah đưa ra trước khí ký thỏa thuận với ông Ghani.

Mặc dù thỏa thuận, cho tới nay đã chấm dứt được bế tắc mà nhiều người cho là gây bất ổn cho Afghanistan, nhiều nhà phê bình nói đây là một trở ngại cho nền dân chủ còn non trẻ của đất nước.

Naeem Ayubzada, người đứng đầu Tổ chức Bầu cử Minh bạch của Afghanistan có trụ sở tại Kabul, nói: “Thỏa thuận chính trị đã giải quyết tình trạng hiện nay nhưng làm xói mòn sự tín nhiệm và làm hỏng các nguyên tắc bầu cử”.

Trong diễn văn chiến thắng, Tổng thống đắc cử Ghani cam kết sẽ cùng với ông Abdullah thiết lập một chính phủ thống nhất và bác bỏ những chỉ trích về việc trở thành thủ tướng của một “chính phủ hai đầu”. Ông Ayubzada nghi ngờ về những tuyên bố đó và cho rằng tranh cãi chính trị của các ứng cử viên có thể ảnh hưởng đến các hành động trong tương lai của họ: “Chúng tôi quan ngại về khủng hoảng chính trị của Afghanistan vì việc có hai ông chủ. Họ sẽ bận rộn với những việc riêng của riêng mình và sẽ không tập trung vào người dân và vào những việc phát triển khác”.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực quy định hai người sẽ tham gia quyết định ai là người đứng đầu trong các vị trí chủ chốt trong các định chế tài chính và an ninh. Cả hai sẽ cùng ở trong Hội đồng An ninh Quốc gia của đất nước, nhưng tổng thống sẽ giữ quyền kiểm soát các lực lượng quân đội Afghanistan. Thỏa thuận cũng nói mặc dù người đứng đầu điều hành sẽ nghe lệnh của tổng thống, nhưng vị trí này cũng chịu trách nhiệm về việc thực thi các chính sách của chính phủ.

Kate Clark, quan sát viên về các vấn đề Afghanistan, nghi ngờ về các tuyên bố của ông Ghani rằng thỏa thuận sẽ bảo đảm việc điều hành hiệu quả và khôi phục hòa bình lâu dài cho đất nước. Bà nói: “Căng thẳng đã giảm khi cuộc khủng hoảng kết thúc hiện nay nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Không có cảm giác lạc quan nhiều lắm là nó sẽ hoạt động hiệu quả. Có cảm giác ở Afghanistan là những người có trách nhiệm, các chính trị gia thực ra quan tâm nhiều hơn đến việc giành lấy ghế, thực hiện được những ước mơ riêng rồi mới đến tương lai của đất nước”.

Bà Clark nói thỏa thuận bí mật chia sẻ quyền lực làm xói mòn một tiến trình quan trọng: “Hàng triệu người đã đi bầu và trong một số trường hợp là mạo hiểm mạng sống để đi bầu, nhưng lại có một thỏa thuận được thực hiện phía sau cánh gà mà mọi người không được thông báo”.

Chuyên gia này cho rằng kết quả của cuộc bầu cử đã thực sự khiến Taliban giận dữ và đưa họ vào thế phòng thủ. Việc đạt được sự tín nhiệm chung là quan trọng trong việc đánh bại phe nổi dậy lâu năm ở nước này. Bà nói cách thức mà tiến trình chính trị đã thực hiện ít có khả năng làm cho Taliban sẵn lòng thương lượng một thỏa thuận ngừng chiến. “Tất cả những thiện chí, sự tươi mới, động lực đã mất đi.

Việc khiến Taliban ngừng giao tranh vào hồi đầu năm là do có tín hiệu cho thấy nhà nước Afghanistan sẽ nổi lên một cách mạnh mẽ, đoàn kết với sự ủng hộ dân chủ rộng rãi, nhưng những gì đã xảy ra hiện nay là nhà nước yếu đi rất nhiều, nhiều tranh cãi hơn và nếu bạn là một người Taliban và bạn làm một tính toán chính trị nào thích hợp với bạn nhất thì hồi trước bạn có thể sẽ nghĩ đến đàm phán, nhưng bây giờ tôi chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến việc giao chiến”.

S.Phương (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc