Thay đổi lãnh đạo ở châu Á và bài toán khó cho tân chủ nhân Nhà Trắng

08:34 | 29/10/2012

1,273 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Một châu Á luôn biến đổi và sự thay đổi lãnh đạo sắp tới ở một loạt nền kinh tế chi phối khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ leo thang sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Tân Tổng thống Mỹ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 là cuộc đấu cam go giữa Tổng thống đương nhiệm Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney

Bất cứ ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11 tới cũng sẽ phải đối phó với những vấn đề này và tìm cách kiềm chế những căng thẳng không bùng phát thành xung đột.

Chỉ 2 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Trung Quốc sẽ tiến hành một kỳ Đại hội Đảng được đánh giá là cực kỳ quan trọng, không chỉ đánh dấu bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo 10 năm một lần, mà còn diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực xây dựng mộtxã hội hài hòa, cải cách sâu rộng hơn, đẩy nhanh sự phát triển và chuyển đổi kinh tế. Không lâu sau, dự kiến ở Nhật Bản sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu ra vị Thủ tướng thứ 7 của đất nước mặt trời mọc trong 7 năm qua. Trong khi đó, vào tháng 12, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống mà người thắng cuộc dự kiến có khả năng sẽ giúp hòa giải mối quan hệ 2 miền liên Triều.

Việc Mỹ sẽ cư xử thế nào với một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Nhiều nước châu Á đã và đang tìm đến Trung Quốc như là một đối tác thương mại chính của họ, nhưng họ lại coi sự hiện diện quân sự, an ninh của Mỹ từ lâu trong khu vực nhưng là một sự bảo vệ chống lại sự phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người được dự kiến sẽ lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất trong Đảng ngay sau kỳ Đại hội sắp tới và kế nhiệm vị trí Chủ tịch nước vào tháng 3 năm 2012, vẫn là một ẩn số lớn. Nhưng một lãnh đạo có nền tảng giáo dục thuộc nhóm tinh hoa nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, kín đáo, tự tin, có thể báo trước một bàn tay quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại, so với Chủ tịch đương nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết bà hy vọng ông Tập sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ với Mỹ. Và ngay cả khi Washington luôn thúc giục Bắc Kinh tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, bà cũng không mong đợi chính quyền mới sẽ chọn cách khiêu chiến với lãnh đạo mới của Trung Quốc trong khi họ (Trung Quốc - PV) tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định trong nước.

“Hoa Kỳ có thể sẽ có một số phản ứng mức độ. Nếu Trung Quốc được xem là quyết đoán hơn, thách thức lợi ích của Mỹ ở bất cứ nơi đâu, chính sách của Hoa Kỳ sẽ “rắn” hơn”, bà Glaser nhận định.

Mặc dù ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney cáo buộc đương kim Tổng thống Obama về chuyện đã “nhẹ nhàng” với những vi phạm luật lệ thương mại của Trung Quốc và ông Obama thì khơi chuyện ông Romney vì lợi nhuận mà đầu tư vào những công ty đã đưa công ăn việc làm của nước Mỹ sang Trung Quốc, nhưng cả 2 ứng cử viên đều đồng ý rằng Hoa Kỳ cần kết đối tác với Bắc Kinh và làm cho sự hiện diện của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương – một khu vực phát triển kinh tế quan trọng, trở nên sâu sắc hơn.

Thực tế thì trong nhiệm kỳ của ông Obama, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã sâu sắc hơn nhưng cũng có nảy sinh những căng thẳng mới. Đó là việc Bắc Kinh cáo buộc Washington “khắt khe” với các công ty lớn của Trung Quốc, đặc biệt là những người khổng lồ công nghệ đang tìm kiếm một chỗ đứng ở Mỹ. Ngoài ra, sự quan tâm của Mỹ đến tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông cũng làm phiền Bắc Kinh.

Một căn cứ hải quân do Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một ví dụ về những hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của các nước trên Biển Đông của Bắc Kinh

Trong khi đó, tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Nhật Bản, Philippines,… cũng khiến Washington phải “chạy tới chạy lui”, kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết hòa bình, đồng thời, gia tăng sự hiện diện của mình hơn nữa để trấn an các đồng minh và thực hiện chiến lược “xoay trục sang châu Á” mà chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama đã cam kết. Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Biển Đông nhưng Mỹ cam kết bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực này bởi đó cũng là lợi ích chiến lược của Mỹ.

Đặc biệt, trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Bắc Kinh và Tokyo ở biển Hoa Đông, Mỹ cũng có liên quan, ràng buộc bởi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, mà theo đó, Mỹ có trách nhiệm giúp đỡ Nhật Bản nếu các đảo tranh chấp này bị tấn công.

Trong khi đó, Bắc Kinh thời gian gần đây liên tục điều hết tàu Hải giám đến tàu Hải quân và có những động thái thể hiện quan điểm hết sức cứng rắn về chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Về phía Nhật Bản, giới quan sát lại không thấy có dấu hiệu của sự nhượng bộ ngoại giao. Nếu lãnh đạo đối lập Nhật Bản Shinzo Abe giành phần thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng mới của Nhật thì căng thẳng 2 nước dự báo sẽ trở nên khốc liệt hơn. Bởi cựu Thủ tướng Abe vốn là người theo chủ nghĩa dân tộc và có thái độ cứng rắn với Trung Quốc.

Tiếp theo đó, chính quyền Mỹ cũng sẽ phải “đau đầu” với sự thay đổi lãnh đạo của Hàn Quốc và ảnh hưởng của sự thay đổi này trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên – một điểm nóng lâu năm trong khu vực.

Tổng thống Obama đã từng chỉ trích lập trường cứng rắn của Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak nhưng tân lãnh đạo của Hàn Quốc, dự kiến sẽ theo đuổi một cách tiếp cận hòa giải hơn với CHDCND Triều Tiên, cũng có thể khiến việc phối hợp chính sách giữa 2 đồng minh Mỹ - Hàn Quốc khó khăn hơn.

Theo giới phân tích, Washington giờ cũng chẳng “mặn mà” cố gắng cho một thỏa thuận mới nhằm “động viên” CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Bởi một hiệp ước hồi tháng 2 về việc viện trợ lương thực đổi lấy nhượng bộ hạt nhân của Triều Tiên đã sụp đổ khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa tầm xa. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng còn úp mở khả năng sẽ loại bỏ các cam kết của mình hồi năm 2005 về phi hạt nhân hóa và tự thừa nhận là một quốc gia hạt nhân – điều mà Washington không thể chấp nhận được.

Đánh giá từ ý kiến của các chuyên gia chính sách cho thấy Tổng thống Obama sẽ vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều trên cơ sở xem xét Bình Nhưỡng có thực hiện các bước đi cụ thể tiến tới giải giáp hạt nhân hay không hay lại thi thoảng bất ngờ đem tên lửa ra “nghịch”. Trong khi đó, nếu người cư ngụ tiếp theo của Nhà Trắng là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney thì khả năng ông này sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Triều Tiên - dù sao cũng không phải là một vấn đề chính được đề cập trong chiến dịch tranh cử. Các chính sách liên quan đến châu Á thu hút chủ yếu sự chú ý là lời thề sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng chỉ tệ và sẽ có các biện pháp cứng rắn với nước này của ứng cử viên Romney bởi điều này có thể sẽ làm căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung.

Mà lịch sử thì cho thấy mối quan hệ Washington – Bắc Kinh khá thăng trầm và dễ bị kích động.

Trong vòng 3 tháng kể từ khi nhậm chức vào năm 2001, Tổng thống George W.Bush đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng quan hệ với Trung Quốc sau vụ một máy bay do thám Mỹ va chạm với một máy bay chiến đấu Trung Quốc. Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời người kế nhiệm ông Bush, Tổng thống Bill Clinton đầu tiên cũng xấu, sau đó được cải thiện, rồi lại xấu đi rõ rệt sau vụ đánh bom nhầm của tòa đại sứ Trung Quốc tại Belgrade năm 199 trong cuộc chiến Nam Tư và châm ngòi cho một làn sóng biểu tình chống Mỹ ở Trung Quốc hồi đó.

Tựu chung lại, sự thay đổi lãnh đạo ở các nền kinh tế chủ chốt của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ là một bài toán khó với tân chủ nhân Nhà Trắng, cho dù đó là ai: Tổng thống đương nhiệm Barack Obama hay ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney!

Linh Phương