Thấy gì trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc

07:00 | 06/03/2013

2,263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù hợp đồng chuyển nhượng điều hành cảng Gwadar của Pakistan giữa Cục cảng Sinhgapore (PSA) với Công ty Điều hành cảng hải ngoại Trung Quốc (OPHL) được ký từ ngày 18/2, nhưng tới nay những vấn đề liên quan đến vấn đề này vẫn đang là chủ đề bàn luận của giới chuyên môn bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó đáng quan tâm nhất là việc thông qua cảng Gwadar, Trung Quốc gấp rút triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai” được nước này đã và đang tiến hành. Hơn nữa, việc này diễn ra cùng thời điểm yêu sách về “đường lưỡi bò” vô căn cứ và phi lý của Trung Quốc đang thực sự khiến những bên hữu quan phải bận lòng.

Từ cảng Gwadar

Giới chuyên môn cho rằng, việc chính thức quản lý hải cảng chiến lược Gwadar của Pakistan được coi là bước ngoặt quan trọng để Trung Quốc triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai”. Cho dù Gwadar chỉ là một trong chuỗi hải cảng quan trọng mà Trung Quốc đầu tư nhưng vì tọa lạc ở tây nam Pakistan và ngay cửa ngõ của eo biển Hormuz, nên cảng Gwadar được coi là tuyến vận chuyển dầu cực kỳ quan trọng không những của Trung Quốc, mà cả thế giới. Giới chuyên gia ước tính, cảng Gwadar sẽ giúp giảm bớt hàng ngàn km khoảng cách nhập khẩu dầu khí từ châu Phi và Trung Đông vào Trung Quốc.

Theo giới chức Pakistan, cảng Gwadar chỉ phục vụ hoạt động kinh tế, đồng thời bác bỏ những tuyên bố quan ngại của nước láng giềng Ấn Độ về việc chuyển quyền quản lý cho Trung Quốc. Còn theo tờ The Dawn, vì quan hệ Pakistan - Trung Quốc đang nồng ấm nên Bắc Kinh sẽ được phép thực hiện ý định đối với cảng Gwadar, thậm chí biến nơi này thành căn cứ hải quân. Giới chuyên gia Pakistan nhận định, chính quyền Islamabad có thể còn ưu tiên cho Trung Quốc tiếp cận các cảng quân sự hiện có ở Karachi hay Qasim.

Ngày 30/1, nội các Pakistan phê chuẩn bàn giao quyền điều hành cảng Gwadar, từ tay PSA cho OPHL. Ngày 18-2, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari thông báo: Hợp đồng điều hành cảng Gwadar đã chính thức được trao cho Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc từng bỏ ra 3/4 tổng chi phí đầu tư 250 triệu USD cho dự án xây cảng Gwadar, nhưng đến năm 2007, PSA đã giành được quyền thuê các cơ sở của cảng này (40 năm).

"Chuỗi ngọc trai" của Hải quân Trung Quốc

Theo thỏa thuận được ký, cảng chiến lược nước sâu Gwadar thuộc quyền quản lý của OPHL và mọi lợi nhuận thu được từ mọi hoạt động tại đây sẽ được chia theo tỷ lệ quy ước. Giáo sư Hamayoun Khan, thuộc Đại học Quốc phòng Islamabad nhận định: Trung Quốc có thể thường xuyên sử dụng các cảng này và họ không cần phải xây thêm cảng quân sự mới vào thời điểm hiện nay.

Giới truyền thông cho rằng, Pakistan hiện coi Trung Quốc là một trong những đồng minh quan trọng nhất để làm đối trọng với Mỹ. Tháng 11/2012, hội nghị 3 bên Trung Quốc - Afghanistan - Pakistan là bằng chứng cho thấy, Bắc Kinh đang gia tăng can dự tại khu vực Nam Á. Hơn nữa, cách đây 2 năm (2011-2013), khi Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan công khai thúc giục Trung Quốc tiếp nhận cảng Gwadar, nhưng Bắc Kinh lại từ chối vì lo ngại các chiến binh của khu vực Baluch gây mất ổn định.

Đối với Trung Quốc và Pakistan, việc sử dụng đầy đủ cảng Gwadar vẫn cần có thời gian. Bởi những công việc cơ bản để xây dựng cảng Gwadar thành mạng lưới vận tải còn lâu mới hoàn thành. Ngoài ra, Bắc Kinh luôn phủ nhận thông tin nói rằng, hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng cảng Gwadar như một căn cứ quân sự, cho dù quốc gia hơn 1,34 tỉ người rất muốn để tàu chiến của họ được tiếp cận khu vực này.

Khi được hỏi về Gwadar, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho biết, Bắc Kinh ủng hộ việc "phối hợp thực hiện những kế hoạch có lợi cho mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan và sự phát triển, thịnh vượng của Pakistan". Giới kinh tế cho rằng, an ninh năng lượng là một vấn đề quan trọng trong chiến lược "Tây tiến" của Trung Quốc bởi không có sự hiện diện hải quân ở vùng vịnh, Bắc Kinh cảm thấy không có khả năng tự vệ chống lại sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại eo biển Hormuz.

Ngoài việc ngày càng phụ thuộc vào năng lượng tại Trung Đông, Trung Quốc cũng gia tăng can dự vào thương mại, phát triển và khai thác tài nguyên ở Trung Đông và châu Phi, còn Ấn Độ Dương là đường hướng trên biển Âu - Á trong thế kỷ XXI. Với ý nghĩa đó, các cảng biển như Gwadar, Hambantota có thể là trạm trung chuyển hàng hóa thương mại giữa Trung Đông và Đông Á. Về chiến lược, chúng đóng vai trò như “trạm cấp than trong thế kỷ XIX” đối với Trung Quốc.

Giới chuyên môn cho rằng, tuyến giao thông đường biển từ Hongkong đến Sudan đã trở thành một nguồn của cuộc xung đột đối với an ninh năng lượng trong tương lai của Trung Quốc bởi quốc gia này là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) và là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới. Được biết, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển hành lang thương mại nối Khu tự trị Tân Cương tới khu vực Trung Đông đi qua cảng Gwadar, nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa nước này với các quốc gia trong khu vực.

Mối quan tâm của Ấn Độ

Giới bình luận cho rằng, mặc dù phải mất ít nhất 1 năm để ký thỏa thuận khai thác, song Gwadar là cảng nằm ở cực tây trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc với mục tiêu bao vây Ấn Độ. Việc này diễn ra trùng với thời điểm Mỹ đẩy mạnh chiến lược tái cân bằng khu vực Đông Á, cũng như trở lại Châu Á - Thái Bình dương. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arakkaparambil Kurian Antony từng bày tỏ lo ngại trước việc cảng Gwadar được chuyển giao cho Trung Quốc. Bởi ngay từ năm 2007, quan hệ Ấn - Trung đã xuất hiện những căng thẳng xung quanh Gwadar sau khi Bắc Kinh bắt đầu việc xây dựng tại cảng này.

Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc sử dụng chiến lược “chuỗi ngọc trai” bao vây Ấn Độ và chiến lược này hầu như mở rộng tới tất cả các nước láng giềng như Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh, Maldives và Pakistan. Trước khi kiểm soát cảng Gwadar, tàu thuyền Trung Quốc chỉ có thể đi qua eo biển Malacca - vùng biển kề sát quần đảo Andaman và Nicobar nằm trong sự “quản lý” của Ấn Độ. Vấn đề càng trở nên cấp thiết khi đồng minh truyền thống của Ấn Độ là Bhutan tìm kiếm một vai trò độc lập tự chủ hơn trong vấn đề ngoại giao với New Delhi. Do đó, Ấn Độ đang tìm cách củng cố "bức màn sắt", khôi phục Tổ chức Hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (IOR-ARC) để chống lại "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc.

Theo quan điểm của Ấn Độ, như một phần của chiến lược “Tây tiến”, Trung Quốc quyết định tăng cường cái gọi là “con đường tơ lụa” mới kết nối phía tây của Trung Quốc với khu vực Trung và Nam Á. Khi ảnh hưởng của mình ở khu vực này gia tăng, cộng với việc tìm kiếm sự hiện diện chiến lược ở Ấn Độ Dương thì việc Trung Quốc quản lý cảng Gwadar càng khiến Ấn Độ quan ngại. Đang có nhiều lo ngại khi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại nhiều hải cảng chiến lược ở nước ngoài.

Giới truyền thông đưa tin, Bắc Kinh đang có ý định xây dựng cảng tiếp tế trên Ấn Độ Dương. Cuối năm 2011, Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét xây cảng tiếp tế ở đảo quốc Seychelles cho các tàu hải quân nước này khi tham gia chiến dịch chống hải tặc trên Ấn Độ Dương và khu vực Hormuz. Do đó, việc quản lý cảng Gwadar khiến Ấn Độ rất quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ xây căn cứ quân sự tại Seychelles.

Cách đây không lâu tờ The Pioneer của Ấn Độ có bài viết cho rằng, việc Bắc Kinh tiếp nhận quyền quản lý cảng Gwadar của Pakistan gây ra sự quan ngại cho New Delhi là điều có thể hiểu được. Trung Quốc có thể biến cảng Gwadar thành “hòn ngọc sáng nhất của chuỗi ngọc trai" ngăn chặn Ấn Độ, tránh bị Mỹ chi phối, từ đó tăng cường ưu thế quân sự của Trung Quốc ở biển Arab.

Quan chức Ấn Độ cho rằng, dựa vào đường bộ dọc “tuyến kiểm soát thực tế Trung - Ấn” (LAC) và các công trình hạ tầng cơ sở tốt như sân bay, khả năng vận chuyển binh lực quy mô lớn và nhanh chóng của Trung Quốc sẽ làm thay đổi cục diện giữa hai nước. Tờ Thời báo Ấn Độ còn cho rằng, việc kiểm soát cảng Gwadar có ý nghĩa rất lớn về mặt an ninh đối với Trung Quốc, bởi đây sẽ là bãi đáp lý tưởng cho tàu thuyền vận chuyển hàng.

Việc xây dựng cơ sở (cầu cảng thương mại) tại vịnh Bengal, Ấn Độ Dương và biển Arab được coi là một phần trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc đang tiến hành. Với chiến lược này, Trung Quốc không những muốn mở rộng ảnh hưởng từ Biển Đông xuyên qua những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, hướng tới vịnh Ba Tư, kiềm chế Ấn Độ,mà còn bảo đảm an ninh năng lượng và kiểm soát những tuyến hàng hải quan trọng khác.

Cách đây hơn 1 tháng (1/2), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết, New Delhi yêu cầu Bắc Kinh phải đảm bảo quyền lợi của các quốc gia ở hạ nguồn dòng sông sẽ không bị thiệt hại bởi các hoạt động trên khu vực thượng nguồn và Ấn Độ đang theo dõi hoạt động trên sông Brahmaputra/Yarlung Tsangpo. Tuyên bố kể trên xuất hiện sau khi giới truyền thông cho biết, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây 3 nhà máy thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng (khi chảy qua Ấn Độ gọi là Brahmaputra).

Cách đây 3 năm (2010-2013), Trung Quốc đã xây một đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra nhằm cung cấp nước cho 6 tổ máy phát điện với công suất 85 megawatt để giải quyết tình trạng thiếu điện ở Tây Tạng và lập tức con đập này trở thành đề tài gây tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc cho tới ngày hôm nay.

Hệ lụy quan ngại

Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể bố trí tại cảng Gwadar hệ thống sonar để kiểm soát hoạt động của Hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương, cũng như theo dõi các hành động trong khuôn khổ hợp tác trên biển giữa Ấn Độ và Mỹ. Về phần mình, Washington ủng hộ Bắc Kinh để kiềm chế sự nổi lên của New Delhi, đồng thời lợi dụng Ấn Độ để “hãm” Trung Quốc khi Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc muốn lấp những khoảng trống do Mỹ để lại sau khi Washington rút quân khỏi Tây Á và Trung Đông. Và điều này sẽ giúp Bắc Kinh gây ảnh hưởng quyết định đến các khu vực vừa thoát khỏi một trật tự an ninh do Mỹ thống trị hoặc một cơ chế hội nhập kinh tế tồn tại trước đó.

Cách đây khoảng nửa tháng (16/2), tạp chí “Chính trị Thế giới" (Mỹ) cho rằng, việc Pakistan quyết định cho phép một Công ty Trung Quốc quản lý các hoạt động của cảng Gwadar ở Baluchistan (Pakistan) đã gây lo lắng cho nhiều nước ở khu vực Nam Á. Sau đó, Đài Tiếng nói nước Nga lại đăng bài bình luận của chuyên viên Tatyana Shaumyan đến từ Viện Phương Đông học với tiêu đề "Binh sĩ Trung Quốc có nhúng gót giày vào Ấn Độ Dương?" khi đề cập tới việc Bắc Kinh nhận quyền quản lý cảng Gwadar của Pakistan.

Cảng nước sâu Gwadar có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng, việc gia tăng hoạt động ở Ấn Độ Dương của Trung Quốc khiến dư luận quan tâm bởi đây là khu vực chiến lược quan trọng - từ đây có thể kiểm soát tình hình ở Nam Á và Đông Nam Á, ở Trung Đông và trên bờ biển châu Phi. Theo AFP, Trung Quốc đang xây dựng một kho chứa container (còn gọi là cảng khô) tại Larcha, Nepal cùng 5 cảng khác và đang nâng cấp nhiều tuyến vận tải khác.

“Chuỗi ngọc trai” sẽ tạo cơ sở để Trung Quốc kiểm tra và giám sát tất cả những tuyến đường biển quan trọng nhất ở châu Á cũng như thế giới; kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời giành lợi thế tiếp cận trực tiếp các vị trí chiến lược quan trọng ở Thái Bình dương so với Mỹ và Nga. Để thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai”, đầu tiên, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, trong đó chú trọng thúc đẩy tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tiếp đó, Bắc Kinh khẳng định chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.

Giới bình luận cho rằng, thách thức chủ yếu hiện nay của Trung Quốc là biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh chính trị và quyền lực mềm. Để thực hiện ý đồ này, Bắc Kinh sẽ phân bổ các nguồn lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước trọng điểm trong khu vực thông qua các cam kết ngoại giao, trao đổi nhân lực, viện trợ nước ngoài và các dự án nghiên cứu khoa học.

Tờ báo mạng “Thế giới chân thực” Mỹ đăng bài viết của Robert S. Kaplan, nhà phân tích địa - chính trị hàng đầu của Công ty dự báo chiến lược Mỹ cho rằng, Trung Quốc có tham vọng đại dương và sẽ có lực lượng hải quân mạnh, nhưng Bắc Kinh không thể thống trị một đại dương nào, vì có Mỹ và các nước khác kiềm chế. Tác giả cho rằng, cảng Gwadar, cảng Hambantota và những cảng biển khác ở Ấn Độ Dương mà Trung Quốc tích cực xâm nhập có thể là những công trình đồng bộ phục vụ các hoạt động thương mại, chính trị, chiến lược và quân sự, không thiếu một nhân tố nào.

Cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng làm chuyên gia quân sự tại NATO và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân Mỹ, Giáo sư Patrick Mendis vừa có bài phát biểu tại một trường đại học của Sri Lanka cho rằng, do Sri Lanka có vị trí chiến lược nên nước này càng trở nên quan trọng hơn đối với cả Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Sri Lanka giống như “viên ngọc” trong chuỗi ngọc trên “vương miện”. Tháng 6/2012, Sri Lanka đưa vào hoạt động cảng nước sâu trị giá 450 triệu USD tại thị trấn Hambantota, được xây dựng bằng vốn đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Quốc. Đây là tuyến đường biển quan trọng với khoảng 300 tàu qua lại mỗi ngày.

Đông Ngàn - Từ Sơn