Thấy gì từ chuyến thăm châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

10:32 | 24/09/2012

1,164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyến thăm kéo dài một tuần tới một số nước châu Á-Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã góp phần củng cố việc chuyển hướng chiến lược của quân đội Mỹ về châu Á, mặc dù nó phát đi thông điệp rằng Washington muốn đóng vai trò cân bằng nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

 

 

Phó Đô đốc hạm đội Bắc Hải Điền Trung đón Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đến thăm căn cứ hải quân tại Thanh Đảo ngày 20/9/2012

Trong chuyến công du vừa kết thúc ngày 22/9, Bộ trưởng Panetta đã tới thăm Nhật Bản, Trung Quốc và New Zeland. Ông đã công bố quyết định lắp đặt thêm một radar phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản để đối phó với các mối đe dọa từ phía Triều Tiên và cho biết Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm cập khẩu quân sự Mỹ đối với hải quân New Zeland. Cả hai động thái này tiếp tục thúc đẩy mục tiêu mở rộng khả năng quân sự của các đối tác trong khu vực - một phần trong kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á mà Mỹ công bố hồi đầu năm. Bộ trưởng Panetta cũng tái khẳng định quyết định cho phép triển khai các máy bay lên thẳng V-22 Osprey của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Nhật Bản - vấn đề từng gây căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ-Nhật và cản trở các nỗ lực của Washington trong việc tái bố trí sự hiện diện quân sự tại Nhật Bản.

Chuyến thăm lần này của ông Panetta diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh gia tăng liên quan tới một nhóm đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản, Bộ trưởng Panetta cho biết tranh cãi giữa hai nước khiến Washington lo ngại bởi Nhật Bản là một đồng minh (theo hiệp ước đã ký giữa Mỹ và Nhật) và Mỹ có thể sẽ bị lôi kéo vào xung đột nếu những tranh cãi này biến thành các cuộc đụng độ thực sự.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto tại Tokyo ngày 17/9

Ông tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với những nghĩa vụ được nêu trong hiệp ước (tức bảo vệ Nhật Bản bao gồm cả quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc), song hối thúc Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết các bất đồng bằng con đường ngoại giao và hòa bình. Bộ trưởng Panetta cho rằng giới lãnh đạo có trách nhiệm của cả hai phía cần tránh các động thái gia tăng căng thẳng. Phát biểu trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt, ông nói: "Không có nước nào được lợi nếu vấn đề leo thang thành một cuộc xung đột thực sự, sự kiện có thể làm xói mòn nền hòa bình và ổn định của khu vực vô cùng quan trọng này". Ông cũng thúc giục Trung Quốc chấp thuận một hệ thống nguyên tắc, tương tự như đề xuất của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), để giải quyết các tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác.

Tuy nhiên, không rõ liệu Trung Quốc có cởi mở với các đề xuất của Mỹ trong vấn đề này hay không. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh hoài nghi các mục đích của Mỹ cũng như việc Mỹ tích cực tăng cường quan hệ quân sự đối với các nước khác trong khu vực. Bonnie Glaser, một nhà phân tích tình hình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, có trụ sở tại Washington, nhận định: "Họ (Trung Quốc) cho rằng Mỹ 'khuyến khích' các quốc gia như Nhật Bản, Philippines… những nước đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh".

Trước việc cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đưa ra những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình, Bộ trưởng Panetta cho biết các cuộc thảo luận đã giúp ông tin rằng Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm một cơ chế để giải quyết các xung đột. Ông nói: "Tôi cho rằng bản thân Trung Quốc cũng đang tìm kiếm một cơ chế phù hợp để giúp giải quyết các vấn đề tương tự trong tương lai. Theo tôi, bản thân họ nhận thấy rằng các vấn đề này không thể được giải quyết trong 'một sớm một chiều' mà phải cần tới một quy trình cụ thể".

Mục đích chính của chuyến thăm cấp bộ trưởng quốc phòng lần này của Washington là nhằm thúc đẩy hơn nữa đối thoại quân sự song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, được khởi động cách đây gần hai năm sau thời kỳ rạn nứt do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Chuyến thăm lần này của ông Panetta còn bao gồm cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, người được cho là sẽ trở thành người đứng đầu nhà nước Trung Quốc vào năm 2013, cùng chuyến thăm tới căn cứ hải quân Thanh Đảo - căn cứ chính của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc. Theo nhà phân tích Glaser, chuyến thăm của ông Panetta tới Thanh Đảo cho thấy quân đội Trung Quốc đang nỗ lực "thể hiện sự minh bạch" (quân sự). Còn về cuộc gặp với Tập Cận Bình, bà Glaser nhận định đây là dấu hiệu cho thấy tầng lớp lãnh đạo hiện tại và tương lai ở Bắc Kinh luôn coi trọng mối quan hệ Mỹ-Trung. Trong chừng mực đó, chuyến đi đã đạt mục tiêu đề ra. Giới chức Trung Quốc có vẻ hứng thú với cuộc đối thoại này. Hầu hết các cuộc gặp đều kéo dài hơn dự kiến và hai bên đề cập tới nhiều vấn đề từ Triều Tiên tới không gian ảo.

Các quan chức quân sự Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc tham gia cuộc diễn tập hải quân đa phương Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ đăng cai hai năm một lần. Bộ trưởng Panetta đã gửi lời mời chính thức tới phía Trung Quốc và nhận được sự đồng ý từ phía các quan chức hải quân của nước này.    

Mặc dù không đưa ra tuyên bố quan trọng nào tại Trung Quốc, song Bộ trưởng Panetta cho biết ông cũng không trông đợi về điều này. Ông nói: "Tôi luôn tin tưởng rằng mối quan hệ Mỹ-Trung cần có tầm nhìn dài hạn. Mối quan hệ này không được đánh giá bởi các bước đột phá then chốt mà bằng tiến trình 'chậm mà chắc' nhằm xây dựng quan hệ và hợp tác trong các hoạt động có liên quan tới những lợi ích chung".

Nh.Thạch (Tổng hợp)