Thế giới “nóng lên” cùng kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên

11:03 | 06/12/2012

794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc Triều Tiên công bố chi tiết kế hoạch phóng tên lửa trong khoảng từ ngày 10-20/12 đang được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Từng bước chuẩn bị của Bình Nhưỡng đều được tường thuật và theo dõi sát sao.

 

 

Hình vệ tinh chụp cho thấy Triều Tiên đã dời giàn phóng tên lửa hôm 26/11/2012 để chuẩn bị cho vụ thử tên lửa mới

Ngày 1/12, Bình Nhưỡng tuyên bố đang chuẩn bị tiến hành vụ phóng tên lửa tầm xa lần thứ hai trong năm nay sau khi thất bại trong vụ phóng thử được tuyên truyền rầm rộ hồi tháng 4 vừa qua. Tuyên bố trên được đưa ra nhằm chống lại cảnh báo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vài ngày trước đó rằng việc tiếp tục phóng tên lửa sẽ là "một hành động cực kỳ thiếu khôn ngoan".

 

Theo thông tấn xã Triều Tiên, các nhà khoa học nước này đã chọn đường bay an toàn của tên lửa để bảo đảm các cơ phận của nó khi rơi xuống đất sẽ không ảnh hưởng tới các nước láng giềng.

Bình Nhưỡng khẳng định tên lửa này mang theo một vệ tinh viễn thông sẽ bay về hướng nam qua Philippines và Úc để vào quỹ đạo.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra đúng vào thời điểm chuyển giao quyền lực ở 4 trong 6 nước tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nhật Bản sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 16/12 tới còn Hàn Quốc sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 19/12. Trung Quốc cũng vừa mới hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới, và Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình.

 Thời điểm phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng đưa ra cũng trùng với lễ kỷ niệm 1 năm ngày nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền sau khi người cha là Kim Jong-il qua đời ngày 17/12.

 

 

Nhật Bản tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào bay vào không phận nước này

Theo giới quan sát, kế hoạch của Bình Nhưỡng có khả năng gây ảnh hưởng chính trị đặc biệt lớn đối với Hàn Quốc, bởi lẽ cả hai ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống nước này đều phát tín hiệu về sự cần thiết phải can dự mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng.

 

 Giới phân tích cho rằng ứng cử viên đảng bảo thủ cầm quyền Park Geun-Hye, con gái nhà lãnh đạo quân sự Park Chung-Hee, có vẻ được thuận lợi hơn vì vụ phóng tên lửa sẽ khiến cử tri Hàn Quốc mong muốn một đường lối cứng rắn hơn nữa với Triều Tiên. Baek Seung-Joo ở Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên của Hàn Quốc nói: "Vụ phóng tên lửa sẽ khiến người Hàn Quốc thấy thất vọng và tỉnh ngộ về Triều Tiên... và điều đó rốt cục sẽ lợi cho bà Park".

 Mặc dù bà Park bày tỏ sẵn sàng xây dựng cầu nối với Bình Nhưỡng, nhưng đảng của bà xem ra nghiêng về chủ chiến hơn, đặc biệt là khi so sánh với Đảng Dân chủ Thống nhất đối lập của ứng cử viên Moon Jae-In.

 Paik Hak-Soon, nhà phân tích cấp cao thuộc nhóm cố vấn Viện Sejong, Hàn Quốc, nói: "Nếu bà Park thực sự muốn hòa giải với Triều Tiên, bà sẽ nhận được ít sự ủng hộ từ đảng của bà và các khu vực cử tri lớn. Bởi vậy bà đang đứng trước khó khăn thực sự trong vấn đề quan hệ giữa miền Triều Tiên trong 5 năm tới".

 Ông Moon được biết đến như là nhân vật thân cận hàng đầu của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người tiếp tục chính sách thân thiện và trợ giúp với Triều Tiên mà người tiền nhiệm Kim Dae-jung  đã khởi xướng.

Cộng đồng quốc tế hiện đang hết sức quan tâm động thái mới này của Bình Nhưỡng. Trong khi Mỹ và Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên bãi bỏ cuộc phóng thử này, thì Tokyo nói họ đang chuẩn bị bắn hạ tên lửa nếu nó bay ngang không phận và đe dọa lãnh thổ Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda phát biểu: “Không phải chỉ quốc gia chúng ta mà toàn thể cộng đồng quốc tế phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để đối phó với vấn đề này”.

Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan ngại về việc phóng thử tên lửa lần này của Triều Tiên. Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: “Trung Quốc bày tỏ quan ngại về kế hoạch phóng tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan sẽ hành động để đưa tới tình trạng ổn định tại bán đảo Triều Tiên”.

Tân Hoa Xã ngày 2/11 loan tin ông Lý Kiến Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, sau khi hội kiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng mới đây cho biết Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh quan hệ với Bình Nhưỡng để “cùng nhau phát triển hòa bình và ổn định trong vùng Đông Bắc Á”.

Qua bản tin trên của Tân Hoa Xã, giới quan sát thấy rằng ông Lý Kiến Quốc có thể đã kêu gọi ông Kim đừng thực hiện các hành động có thể bị các nước khác coi như khiêu khích.

 

Tin Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tên lửa khiến nhiều nước quan ngại

Theo giới phân tích, các kế hoạch phóng tên lửa mới của Triều Tiên là một động thái khiêu khích mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc tế và là một thách thức lớn đối với người sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Hàn Quốc.

 

Ngoại trưởng Úc Bob Carr đã lên án kế hoạch phóng tên lửa khi ông nói nó là “hành động khiêu khích không cần thiết”. Theo ông Carr, cuộc phóng thử sẽ đe dọa cho tình trạng an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Carr nói rằng “Triều Tiên phải từ bỏ việc phóng thử và thay vào đó phải mở các cuộc đối thoại xây dựng với cộng đồng quốc tế”.

Mỹ và các đồng minh quân sự châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản khẳng định rằng vụ phóng thử này là sự ngụy trang thử nghiệm tên lửa đạn đạo, và vi phạm nghị quyết mà LHQ đã đưa ra sau 2 vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vào năm 2006 và 2009.

 Giáo sư Yang Moo-Jin thuộc trường Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul cảnh báo rằng Triều Tiên và lãnh đạo Kim Jong Un đang lao vào cuộc chơi "bên miệng hố chiến tranh" đầy tính rủi ro cao với cộng đồng quốc tế. Việc phóng tên lửa, và nhất là nếu nó thành công, chắc chắn sẽ đem lại những lệnh trừng phạt hoặc là từ các nước riêng biệt hoặc từ một khối các nước liên quan. Giáo sư Yang nói: "Triều Tiên lúc đó sẽ phản ứng mạnh, chắc chắn là sẽ gia tăng hoạt động hạt nhân của mình và có khả năng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ ba. Lúc đó chúng ta sẽ bước vào vòng xoay căng thẳng leo thang".

H.Phan (Tổng hợp)