Châu Á trước những thách thức an ninh năng lượng và lương thực

19:00 | 11/12/2012

951 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự phát triển quá nóng tại các quốc gia châu Á đi kèm với nhu cầu về năng lượng và lương thực tăng cao. Theo dự báo nhu cầu này sắp tới còn tăng nữa. Giải quyết bài toán này cần nỗ lực chung của toàn khu vực, mọi hành động đơn phương đều bị coi là nguy hiểm.

 

Theo công ty dầu khí Shell, trong thập kỷ này, nhu cầu năng lượng của châu Á có thể tăng khoảng 40%, so với mức tăng chưa đến 5% của Bắc Mỹ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tính toán rằng mức tăng nhu cầu năng lượng ở châu Á nói trên có thể dẫn tới khoản đầu tư hơn 10.000 tỷ USD vào ngành năng lượng ở châu Á trong 10 năm tới.

Mặc dù nhiều quốc gia châu Á đang tích cực theo đuổi chính sách tự túc năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của họ, nhưng các nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh sẽ cần nhập khẩu thêm các nguồn năng lượng. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất than lớn nhất thế giới, nhưng trong 5 năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu ròng sang nhập khẩu ròng than. Bất chấp việc sở hữu các nguồn khí đốt phi truyền thống lớn nhất thế giới, khả năng lượng khí đốt tiêu thụ tại Trung Quốc tăng gấp 4 lần trong 2 thập kỷ tới sẽ khiến Bắc Kinh phải tăng đáng kể việc nhập khẩu khí đốt qua các đường ống, cũng như khí đốt hóa lỏng (LNG). Theo IEA, sự phụ thuộc ròng về khí đốt của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, trong khi sự phụ thuộc về dầu mỏ được dự báo sẽ tăng từ mức 50% hiện nay lên hơn 80%. Xu hướng tăng cường nhập khẩu năng lượng tương tự cũng được dự báo xảy ra với Ấn Độ.

Úc là một trong những quốc gia có khả năng tăng cường xuất khẩu năng lượng - gồm than đá, khí đốt và urani - sang các nước châu Á. Úc hiện là quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới, nước sản xuất urani lớn thứ ba thế giới và đến cuối thập kỷ này có thể trở thành quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các chính sách về biến đổi khí hậu có thể hạn chế mức tăng nhu cầu đối với than sau năm 2020. Khi Úc ngày càng trở thành một nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho châu Á, một số quốc gia trong khu vực có thể mong muốn đa dạng hóa nguồn cung của họ và trực tiếp đầu tư năng lượng vào các nơi khác.

An ninh năng lượng sẽ đòi hỏi sự đầu tư cơ động vào các nguồn cung cấp qua nhiều nguồn khác nhau, việc khuyến khích các nguồn năng lượng tái chế trong nước. Mặc dù mỗi nước có thể theo đuổi chính sách an ninh năng lượng riêng của họ, nhưng tất cả các nước sẽ được lợi từ sự hợp tác khu vực trong các vấn đề năng lượng để làm tăng nguồn cung và giảm các rủi ro gián đoạn nguồn cung.

Việc dân số tăng mạnh tại một số nền kinh tế châu Á đang nổi lớn như Ấn Độ là một thách thức an ninh lương thực tương lai, nhất là đối với những người nghèo. Theo FAO, thay vì việc hạn chế xuất khẩu lương thực, các nước cần khuyến khích các nguồn cung bổ sung và thúc đẩy thương mại. Hai cách hiệu quả nhất để đối phó với an ninh lương thực là hỗ trợ các chính sách xóa đói giảm nghèo và đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển để làm tăng năng suất lương thực, dẫn tới tăng các nguồn cung cấp lương thực.

Để đảm bảo việc giải quyết những thách thức an ninh năng lượng và lương thực trong những thập kỷ tới, các chuyên gia khuyên rằng châu Á cần tăng cường hợp tác khu vực. Sự đơn phương trong giải quyết những thách thức an ninh năng lượng và lương thực là nguy hiểm cho tất cả các nước. Châu Á đang cần những khung cấu trúc nhằm khuyến khích đầu tư và thương mại, chuyển giao tri thức, các thị trường cạnh tranh và các tín hiệu giá cả, phản ánh chi phí kinh tế của việc sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

S.Phương (Theo AFP, AP)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps