Trung Quốc xây dựng đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong:

Cướp “nước” trên thượng nguồn

08:35 | 10/10/2012

1,191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung Quốc đã âm thầm cho xây dựng đập thủy điện Nọa Trác Độ (Nuozhadu) và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 9/2012, con đập thứ 5 trên thượng nguồn sông Mekong được Trung Quốc thi công. Hành động này đã bị giới nghiên cứu đả kích và xem đấy là nguy cơ mới đe dọa hệ sinh thái của dòng sông chung chảy qua 6 quốc gia trong khu vực. Hành động trên của Trung Quốc nằm trong truyền thống “cướp nước” của họ đã có từ rất lâu rồi!

Cạn nguồn sống nơi thượng nguồn

Các nước châu Á mới nổi đều cần năng lượng cho công cuộc công nghiệp hóa. Nhưng nước cũng là loại năng lượng cần thiết không kém gì dầu thô, khí đốt hay than đá. Trong cuộc đua kinh tế, nhu cầu làm chủ nguồn dự trữ năng lượng dẫn đến tranh chấp về chủ quyền lãnh hải và mở ra cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á như mâu thuẫn Trung - Nhật đã cho thấy từ mấy tuần qua. Tuy nhiên, quốc tế lại ít chú ý đến sự kiện nhiều quốc gia châu Á đã thi nhau xây đập trên những nguồn nước tiếp cận nhiều quốc gia. Châu Á hiện là nơi xây đập nhiều hơn tổng số còn lại của thế giới. Việc thực hiện quá nhiều công trình thủy lợi và thủy điện gây tranh chấp, hiềm khích và nghi ngờ giữa các nước cùng chia sẻ một dòng sông trên thượng nguồn và dưới hạ nguồn. Mối nguy xung đột vì xây đập có ý nghĩa chiến lược không kém gì cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á.

Đập thủy điện Nọa Trác Độ đã được Trung Quốc âm thầm xây dựng và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 9/2012

Nước là nguồn sống không thể thiếu, nhưng nhiều khi con người lại chẳng nghĩ như vậy mà vẫn cho rằng, đấy là kho trời vô tận. Về thực tế, nước không phải là một nguồn sống hoàn toàn có khả năng tái tạo. Ðấy là nguồn sống có giới hạn và nước này tận dụng hoặc tiêu hủy nguồn nước thì các nước kia có thể bị thiệt hại. Giới kinh tế gọi đó là “zero-sum game”, đại để người này uống nhiều thì người kia bị khát.

Giữa các nước với nhau thì chuyện giành giật là một hình thái chiến tranh, dù âm thầm không gây tiếng nổ thì vẫn là chiến tranh. Người ta nên nhìn ra thực tế lạnh lùng ấy qua các kế hoạch xây đập hoặc chiếm lĩnh nguồn nước khiến các quốc gia cùng sống nhờ một dòng sông phải ứng xử theo lối đấu tranh. Giải pháp lý tưởng là các nước nên hợp tác trong tinh thần trách nhiệm thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình mà gây hại cho các quốc gia khác. Nhưng đấy là chuyện lý tưởng và các nước độc tài hoặc thiếu dân chủ thường bất chấp lý tưởng và khơi dậy tinh thần ích kỷ của người dân hoặc gọi đó là chủ nghĩa dân tộc.

Trên thế giới, lục địa châu Á là nơi đông dân nhất, nhưng lãnh thổ quá rộng, lại có “diện tích nước” rất giới hạn. “Diện tích nước” gồm có sông ngòi, ao hồ để nuôi sống người dân ở ven bờ. Châu Á cũng là nơi có nhiều công trình thủy lợi nhất (70% của thế giới) chính là để giành lấy nguồn sống quý báu này.

Trong các quốc gia có diện tích nước thuộc loại ít nhất trái đất chính là Trung Quốc, dù có hai con sông lớn của châu Á như Hoàng Hà hay Dương Tử hoặc các mặt hồ nổi tiếng trong văn chương hay lịch sử. Khan hiếm nước là vấn đề sinh tử của Trung Quốc, có lẽ còn chiến lược hơn năng lượng. Một khía cạnh khác của nguồn sống là đỉnh trời Himalaya.

Sau năm 1959, Trung Quốc kiểm soát được một phần lớn rặng Himalaya và các đỉnh núi tuyết - mái trời của thế giới - là nơi xuất phát các con sông lớn nhất của lục địa. Việc khai thác vô trách nhiệm trong khu vực Himalaya này gây lũ lụt và hạn hán dưới chân núi và làm tuyết tan núi lở, giảm dần lượng nước chảy xuống các dòng sông lớn của châu Á.

Thế giới phương Tây luôn báo động về hiệu ứng nhà kính do công nghiệp hóa gây ra cho trái đất và đe dọa môi sinh của con người. Nhưng họ lại câm nín trước hiện tượng có thật và đếm được là Trung Quốc tiêu hủy nguồn nước trên thượng nguồn Himalaya.

Trung Quốc còn phá hoại nguồn sống dưới hạ nguồn qua việc xây dựng kênh đào để lấy nước tưới tiêu cho các khu vực khô cằn của họ, như lấy nước Dương Tử và cả thượng lưu Mekong chảy lên Hoàng Hà, bất kể đến tai họa cho cư dân ở dưới. Việc thiết kế các đập nước cũng nằm trong chiều hướng đó. Nhưng Trung Quốc không phải là nước duy nhất trong kế hoạch này tại châu Á. Nhiều quốc gia khác cũng đã gây mâu thuẫn với lân bang vì xây đập trên thượng nguồn mà không quan tâm đến quyền lợi và đời sống của các nước khác. Loại chủ nghĩa dân tộc bằng đập nước là một hiện tượng mới và rất đáng ngại tại châu Á.

Đa số các đập nước đều đã được thực hiện trong khoảng 50 năm cuối của thế kỷ XX, từ năm 1950 đến năm 2000. Tự thân thì đập nước là phát minh rất cổ và có đem lại lợi ích cho con người nếu được nghiên cứu và thiết kế một cách hợp lý. Nhưng lợi ích trên thượng nguồn của một dòng sông có thể gây vấn đề cho nước khác và nếu không được thiết kế hợp lý thì đã có thể gieo họa cho chính quốc gia đã thực hiện đập nước.

Các nước phương Tây thừa hiểu ra cái lẽ tương đối của lợi và hại nên không còn xây đập nữa. Trong khi ấy những năm tới, các nước đang phát triển đều có kế hoạch và nhịp độ xây đập như trong những năm qua và sẽ tiến đến mức bão hòa, hết còn đất hay nước xây đập. Trung Quốc đi sau nên muốn qua mặt các nước tiên tiến vì nghĩ đến lợi ích trước mắt của sức nước. Nếu lại nhìn vào một tấm bản đồ về vị trí của các đập nước Trung Quốc, người ta còn thấy ra ba trung tâm đáng ngại nhất: Tại miền Tây trên Himalaya và cao nguyên Tây Tạng, với việc hút nước từ nơi khác đổ ngược vào sông Hoàng Hà để tưới tiêu miền Bắc khô cằn. Tại miền Ðông là thủy lộ nối liền Bắc Kinh với Nam Kinh. Tại Trung Nguyên thì đấy là con đường nước ngọt từ Ðập Tam Hiệp với Bắc Kinh. Ðấy là những nơi có thể gây ra tai họa vĩ đại về môi sinh cho chính người dân Trung Quốc. Chuyện ấy chưa xảy ra thì các nước lân bang dưới hạ nguồn, từ Ấn Ðộ qua Bangladesh, Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam và cả Thái Lan đều có thể bị thiệt hại, môi trường sinh sống bị thay đổi. Cụ thể là 3 vựa lúa nước truyền thống của châu Á và thế giới là Thái Lan, Việt Nam và cả Myanmar sẽ bị ảnh hưởng vì bị Trung Quốc “cướp nước” ở trên đỉnh.

Khi lãnh đạo Bắc Kinh nói tới “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc và nhắc đến Tây Tạng, người ta cũng nên nhớ rằng, nguồn nước Himalaya và cao nguyên Tây Tạng là chuyện chiến lược của Trung Quốc mà cũng là mối nguy sinh tử cho các lân bang.

Ðáng ngại hơn, châu Á có 57 dòng sông “quốc tế” (những con sông chảy qua nhiều quốc gia) mà chỉ có 4 dòng sông là có hiệp ước hợp tác giữa các nước liên quan cùng khai thác theo thỏa thuận chung. Còn lại, 53 dòng sông kia vẫn được “thả nổi”.

Và cường quốc mới nổi của châu Á là Trung Quốc thì thường tự cho mình đặc quyền khai thác nguồn tài nguyên chung mà bất kể tới thiên hạ. Những gì xảy ra ngoài Biển Ðông của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ là một mặt của truyền thống ăn cướp đó. Nhưng Trung Quốc vẫn không qua khỏi định luật của tạo hóa.

Châu Á sẽ chết vì thiếu nước!

Hơn nửa thế kỷ vừa qua, dân số châu Á từ một tỉ rưỡi nay đã lên tới hơn 4 tỉ người và cần nước ngọt nhiều hơn xưa. Nếu xưa kia, người ta cần nước cho canh tác và vận chuyển, ngày nay, các quốc gia cần nước còn nhiều hơn cho công nghiệp hóa. Vì thế, lục địa khô cằn nhất trái đất là châu Á nay đang là lục địa khát nước nhất thế giới, với lượng nước ngọt tính cho một đầu người chỉ bằng phân nửa trung bình của thế giới. Nhưng một nghịch lý có ý nghĩa toàn cầu là châu Á hiện đang là một đầu máy kinh tế của thế giới nên lại còn cần nước hơn xưa.

Nếu nhìn vào tương lai của 2-3 thập niên tới, chuyện các nước ráo riết tìm nước, giữ nước và hủy diệt nước sẽ còn tiếp tục. Cho nên người ta không thể quên rằng, ngoài khủng hoảng vì dầu khí - và cả chiến tranh - chúng ta còn nguy cơ khủng hoảng vì (thiếu) nước. Cũng chính nguy cơ ấy lại khiến các quốc gia xây đập ráo riết, tạo ra sự đã rồi với những dự án đầy rủi ro cho cả khu vực.

Các nước châu Á đang đua nhau vì nước. Nếu dầu thô hay khí đốt hoặc than đá là những sản phẩm chiến lược cho công cuộc công nghiệp hóa của mọi quốc gia thì nước mới là sản phẩm sinh tử, vì ảnh hưởng đến lương thực và nguồn sống của mọi người.

Khi các nước ích kỷ hoặc hung bạo lại “quốc hữu hóa” nguồn sống của người dân nước khác thì vai trò của các chính quyền và tổ chức quốc tế trở thành một vấn đề rất đáng quan tâm. Cho đến nay, người ta chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.

Trong bối cảnh chung của nạn thiếu nước, việc xây đập và lạm thác (khai thác với sự lạm dụng trên thượng nguồn) từ đầu nguồn là một nguyên nhân gây xung đột sau này. Trung Quốc là nước đứng đầu về hiện tượng lạm thác ấy.

Khi huy động dư luận quốc tế hậu thuẫn các nước cho một giải pháp đa phương ngoài Biển Ðông, người ta không nên quên yếu tố nước ngọt tại các quốc gia chẳng liên hệ gì đến Biển Ðông mà cũng là nạn nhân của Trung Quốc. Họ có thể vì quyền lợi riêng mà quan tâm nhiều hơn đến động thái của Bắc Kinh.

Sau cùng, các nước phương Tây đã tiến qua một giai đoạn phát triển khác nên rất quan tâm đến môi trường sống. Chính là yếu tố môi trường đó, hơn là chuyện nhân quyền hay tôn giáo cũng có thể thuyết phục được nhiều quốc gia hay nhiều tổ chức phi chính phủ tham gia vào cuộc đấu tranh của các quốc gia là nạn nhân của Trung Quốc.

H. Phan - Th. Long

(Năng lượng Mới số 162, ra thứ Ba ngày 9/10/2012)