Liberia trước nguy cơ diệt vong vì Ebola

07:00 | 14/09/2014

1,248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dịch Ebola đang đe dọa sự tồn vong của đất nước Liberia khi nó lan rộng “như đám cháy rừng, thiêu hủy tất cả mọi thứ trên đường đi”. Trước tình hình nguy ngập này, Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn bị phát động một sách lược mới để tìm cách khống chế dịch bệnh Ebola ở Tây Phi.

Năng lượng Mới số 356

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 10-9, Bộ trưởng Quốc phòng Liberia Browni Samukai nói, bệnh dịch Ebola đang hoành hành tại 9 trong số 15 khu vực hành chính của đất nước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém của Liberia “đang quá tải” bệnh nhân, còn nhà nước thì ở trong tình trạng thiếu cán bộ y tế cũng như kinh phí để chống lại dịch bệnh này. Với tốc độ lây lan 200 ca mỗi ngày, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chỉ trong một thời ngắn nữa, Liberia sẽ bị diệt vong.

Dịch bệnh Ebola đã trở thành mối đe dọa lớn nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 14 năm, vốn đã cướp đi sinh mạng của 250.000 người tại Liberia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Ebola đã làm 2.296 bệnh nhân thiệt mạng ở Liberia. Tổng số các ca lây nhiễm ở Tây Phi đã lên đến 4.293 người. Bệnh dịch bùng phát ở Guinea và lây lan nhanh chóng sang Liberia, Sierra Leone, Nigeria và Congo.

Trước tình trạng này, WHO sắp phát động một sách lược mới gồm 2 bước để tìm cách khống chế dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Mặc dù cả 5 nước bị tác động của Ebola đều bị hoành hành bởi cùng một thứ virus, nhưng cách thức và tiến độ căn bệnh chết người lây truyền khác nhau. Vì thế, WHO lập luận rằng, cần có các sách lược khác nhau để phòng chống Ebola ở các nước có mức lây lan chậm so với các nước lây lan nhanh. WHO nói trọng điểm của họ sẽ là chấm dứt các dây chuyền lan bệnh ở Nigeria và Senegal, các nước có tương đối ít ca bệnh Ebola. Nhưng sách lược sẽ phức tạp hơn ở Liberia, Sierra Leone và Guinea. Đa số các điểm nóng ở các nước có mức lây truyền cao này là ở các vùng rừng rậm nơi vụ bột phát bắt đầu. Từ đó virus lây truyền nhanh đến các nơi khác trong nước.

Liberia trước nguy cơ diệt vong vì Ebola

Nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại một bệnh xá ở Monrovia, Liberia, ngày 8/9/2014

Theo WHO, điều cấp thiết là nhập viện và cô lập những người bị nhiễm virus càng nhanh càng tốt, để họ đừng làm lây nhiễm sang người khác. Nhưng ở những nơi như thủ đô Monrovia của Liberia, căn bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Có quá ít giường nằm cho bệnh nhân và quá ít nhân viên y tế để giúp đỡ họ. Giám đốc về các bệnh dịch và bệnh lây nhiễm của WHO, bà Sylvie Briand giải thích sách lược mới sẽ là để cho các cộng đồng huấn luyện chăm sóc những người bệnh một cách an toàn. Bà nói: “Mọi người thích nằm viện gần nhà và vẫn còn tiếp xúc với gia đình và bạn bè hơn là bị cô lập ở nơi rất xa nơi họ sống. Vì thế, kế hoạch là chúng tôi dự định dành cho những người này một nơi an toàn, nơi họ có thể được chăm sóc cơ bản, giữ cho khỏi mất nước trong người, chống bệnh sốt rét và được sự chăm sóc hỗ trợ”.

Bà Briand nói sẽ không dễ dàng làm được, nhưng cần phải có những biện pháp triệt để. WHO ước tính sẽ cần đến 12 ngàn nhân viên y tế được huấn luyện và bảo vệ để ngăn chặn Ebola bột phát. Con số thực sự có được còn lâu mới đạt được số đó. Cho mỗi 100 nghìn người, Liberia chỉ có 1 bác sĩ, Guinea và Sierra Leone thì có 2 bác sĩ. “Chúng tôi đang tìm cách bảo đảm là tại các trung tâm điều trị Ebola có ít nhất một bác sĩ được đào tạo đầy đủ để họ có thể chăm sóc người bệnh, mà không bị lây nhiễm” - bà Briand nói. WHO cảnh báo rằng, virus Ebola có thể làm lây nhiễm tới 20.000 người trong vòng 6 đến 9 tháng tới.

Ngoài các biện pháp trên, WHO thông báo sẽ đẩy mạnh triển khai các cách chữa trị thí nghiệm đối với virus Ebola. Các nghiên cứu cho thấy việc truyền máu lấy từ những người sống sót sau khi nhiễm Ebola cho các bệnh nhân giúp chống lại được virus này. WHO cũng cho hay, 2 loại vắc-xin ngừa Ebola có nhiều hứa hẹn sẽ được ưu tiên triển khai lâm sàng và có thể có được để sử dụng trước cuối năm nay.

Hiện chưa có cách chữa trị nào được công nhận đối với căn bệnh gây chết người này, mặc dù huyết thanh Zmapp của một công ty Mỹ đang trong quá trình thí nghiệm đã được truyền thử cho một vài bệnh nhân, trong đó có 2 nhân viên cứu trợ người Mỹ đã sống sót.

Bên cạnh đó, WHO cũng kêu gọi sự trợ giúp quốc tế với các nước đang bị bệnh dịch Ebola hoành hành. 2 ngày sau khi Liên minh châu Âu tháo khoán 140 triệu euro, đến lượt Tổng thống Mỹ Obama thông báo sẽ huy động “phương tiện quân sự” để trợ giúp khống chế dịch bệnh “đang thoát khỏi vòng kiểm soát”. Mỹ sẽ triển khai một bệnh viện dã chiến 25 giường có chi phí 22 triệu USD đến Liberia. Còn quân đội Anh cho biết, họ sẽ xây một trung tâm điều trị 50 giường bệnh ở gần Freetown, thủ đô Sierra Leone.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 10/9, Tổng thư ký Ban Ki-moon nói rằng, Liên Hiệp Quốc đang thiết lập một trung tâm khủng hoảng Ebola với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của virus này ở các quốc gia bị ảnh hưởng trong vòng 6-9 tháng và đồng thời ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra quốc tế. Mặc dù Ebola là một “thách thức lớn và nghiêm trọng”, nhưng ông Ban cho là sẽ thành công, miễn là có đủ sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Ông Ban nói Liên Hiệp Quốc đang gửi đi một “lời cứu nguy” quốc tế, kêu gọi hỗ trợ 600 triệu USD dưới dạng những trang thiết bị y tế cần thiết cho Tây Phi.

S.Phương (tổng hợp)