Mỹ xóa tên Triều Tiên khỏi “trục ma quỷ”

13:13 | 02/08/2012

1,822 lượt xem
|
(Petrotimes) - Sự thay đổi người đứng đầu nhà nước kèm theo đó là những tín hiệu về một sự mở cửa chưa từng có tại CHDCND Triều Tiên có lẽ là lý do sâu xa khiến Mỹ loại Bình Nhưỡng khỏi danh sách mà họ gọi là trục ma quỷ hay liên minh ma quỷ.

 

 

"Trục ma quỷ" theo lời Bush bao gồm Iran, Iraq, và Triều Tiên (màu đỏ đậm).

"Trục ma quỷ kề cận" bao gồm Cuba, Libya, và Syria (màu cam).

Liên minh ma quỷ

Washington đã xóa tên Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các quốc gia tiến hành tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. "CHDCND Triều Tiên đã được loại bỏ khỏi danh sách này" - như nêu trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình khủng bố trên thế giới năm 2011. "Không nhận thấy dấu vết CHDCND Triều Tiên trong các nguồn tài chính của bất kỳ cuộc khủng bố nào" - báo cáo viết. Đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ gọi Triều Tiên là đất nước chưa tham gia đủ vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

"Trục ma quỷ" ("Axis of evil") hay liên minh ma quỷ còn được gọi là danh sách "các quốc gia tài trợ cho khủng bố" là một thuật ngữ được đặt ra bởi Tổng thống Mỹ George W. Bush trong thông điệp Liên bang ngày 29/1/2002 nhằm miêu tả các chính phủ mà ông cáo buộc là giúp đỡ chủ nghĩa khủng bố và theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vào thời điểm đọc diễn văn này, có tất cả 6 nước thuộc trục ma quỷ là Iran, Iraq, CHDCND Triều Tiên, Cuba, Libya và Syria.

 

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Un và vợ Ri Sol-ju thăm Khu giải trí Nhân dân Rungna ở Bình Nhưỡng

Làn gió cải cách đang thổi trên đất nước Triều Tiên

Hàng loạt sự kiện đã và đang diễn ra dồn dập trong vòng một tháng qua trên đất nước Triều Tiên: từ việc Chủ tịch Kim Jong-un cưới vợ, đến những thay đổi lớn trong nhân sự chóp bu của quân đội và một đường hướng mới trong cải cách kinh tế đang hình thành. Tất cả tạo nên một cái nhìn mới về đất nước Triều Tiên, vốn được xem là khép kín nhất thế giới hiện nay.

Chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới tại Triều Tiên hiện nay là việc lãnh tụ nước này, Kim Jong-un lập gia đình. Hãng tin AFP của Pháp trích nguồn tin từ đài truyền hình CHDCND Triều Tiên (KCNA), được Bộ Thống nhất Hàn Quốc dẫn lại hôm 25/7/2012, cho biết lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã kết hôn, vợ ông có tên là Ri Sol-Ju, chính là người phụ nữ bí ấn liên tục ở bên cạnh Kim Jong-un trong các cuộc xuất hiện trước công chúng gần đây. Lời loan báo chấm dứt lời đồn đoán kéo dài nhiều tuần lễ về một phụ nữ trẻ vẫn tháp tùng ông trong những dịp lễ chính thức.

Theo phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đài truyền hình CHDCND Triều Tiên đã đưa tin là Kim Jong-un và vợ, bà Ri đã tham dự buổi lễ khánh thành một công viên giải trí tại Bình Nhưỡng. Lời bình của đài truyền hình CHDCND Triều Tiên khi đưa thông tin trên nói rõ: “Nguyên soái Kim Jong-un đã tham dự lễ khánh thành công viên nhân dân Nungra cùng với phu nhân là đồng chí Ri Sol-Ju”. Truyền hình nhà nước không cho biết thông tin về thời điểm họ cưới nhau.

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, truyền hình Triều Tiên đã nhiều lần đưa tin về các hoạt động của Kim Jong-un, bên cạnh ông luôn có mặt một phụ nữ trẻ, khoảng từ 20 đến 30 tuổi, tóc ngắn trong bộ âu phục sang trọng, khác hẳn với trang phục khuôn mẫu của phụ nữ CHDCND Triều Tiên. Sự việc này đã thu hút sự chú ý của giới quan sát nước ngoài và gây ra nhiều đồn đoán thắc mắc về vai trò của người phụ nữ bên cạnh lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Nhiều chuyên gia về CHDCND Triều Tiên cũng như cơ quan tình báo Hàn Quốc mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu nhưng cũng chưa đưa ra được giải đáp khả tín về nguồn gốc xuất thân của người phụ nữ trẻ này cũng như quan hệ của cô với Kim Jong-un. Một số báo chí khẳng định cô gái đó là ca sĩ nổi tiếng trong một nhóm nhạc ở CHDCND Triều Tiên. Có nguồn tin còn nói cố lãnh đạo Kim Jong-Il đã từng ngăn cản, không cho Kim Jong-un quan hệ với cô gái này trong suốt 10 năm. Tất cả các thông tin này đều không được kiểm chứng, vẫn chỉ dừng lại là những tin đồn, cho đến trước khi có bản tin của đài truyền hình CHDCND Triều Tiên hôm 25/7.

Từ trước tới nay, đời tư của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên vẫn được giữ kín như một bí mật quốc gia. Ngay cả tuổi của Kim Jong-un khi lên nắm quyền thay cha cũng không được công bố rõ ràng. Nhưng nay tất cả đã thay đổi. Yang Moo-Jin thuộc khoa Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hán Thành phát biểu: “Thật là ‘bất thường’ khi Triều Tiên cho chiếu hình lãnh tụ của họ với vợ. Điều này cho thấy chế độ cầm quyền đang thay đổi, kể cả hình ảnh về lãnh tụ nước này”.

Trước đó, làn sóng thay đổi cũng đã được ghi nhận ở Triều Tiên. Ngày 23/7, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đã có động thái “rất bất bình thường”: dành nhiều không gian của báo để đăng những thông tin kinh tế. Các chuyên gia thông thạo trong vấn đề Triều Tiên nói Rodong Sinmun đã cho đăng với số lượng ngày càng tăng những câu chuyện kinh tế kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm ngoái.

      Ông Cho Bong-hyun, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế IBK, cho biết báo Rodong Sinmun từ trước tới nay thường chỉ tập hợp những câu chuyện về các nhà lãnh đạo Triều Tiên hay những chính sách của Đảng, đã đăng tới 132 bài báo liên quan đến nền kinh tế trong tháng 1 và 141 bài trong tháng 2/2012. Con số này tăng vọt lên 233 bài trong tháng 3. Theo ông Cho, số lượng các bài báo về kinh tế xuất hiện trên báo Đảng này trong ba tháng đầu năm nay lên tới 506 bài, so với 439 trong cùng thời gian này năm ngoái, khi Triều Tiên vẫn còn nằm dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il. Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng sự gia tăng các bài báo này có nghĩa là một sự thay đổi cụ thể trong lập trường của báo, mà vẫn được sử dụng để phục vụ chủ yếu là các tin tức mới nhất về các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-Il hay những quyết định được đưa ra trong đảng cầm quyền. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng thay đổi lập trường trong cách biên tập cũng có thể báo trước một cuộc cải cách kinh tế tiềm tàng được phát động bởi nhà lãnh đạo trẻ tiếp thu sự giáo dục tại Thụy Sĩ. Theo các nhà phân tích, việc báo gia tăng tập trung các bài viết về kinh tế giữa lúc có những dự đoán về một cuộc cải cách đang lờ mờ hiện ra tại quốc gia nghèo đói này cho thấy các nỗ lực của Triều Tiên nhằm tạo lập tư tưởng cho một sự thúc đẩy kinh tế cũng như các nỗ lực của đất nước này để bày tỏ thiện ý của mình cho một sự thay đổi với thế giới bên ngoài.

Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu ở Viện Sejong nói: "Việc Thủ tướng Choe Yong-rim  thường xuyên tới thăm các cơ sở công nghiệp và Chủ tịch ủy ban đầu tư liên doanh Ri Kwang-gun tháp tùng Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam trong chuyến thăm Singapore của ông cũng biểu lộ một động thái có ý nghĩa hướng tới thúc đẩy kinh tế”.  Theo phân tích của Cheong, Thủ tướng Choe đã có 47 chuyến thăm kiểm tra các cơ sở công nghiệp trong nửa đầu năm 2012, so với chỉ có 20 lần một năm trước đó. Các kỳ vọng cho một cuộc cải cách kinh tế đã được phát triển kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền sau sự ra đi đột ngột của cha ông, Kim Jong-Il, hồi cuối tháng 12/2011. Các chuyên gia đang dự báo rằng quốc gia nghèo khó, bí hiểm này có thể sớm tiếp cận một kế hoạch cải cách thứ hai về kinh tế sau khi nỗ lực cải cách đầu tiên bất thành hồi năm 2002 do sự phản đối mạnh mẽ từ phía quân đội.

Sự cải cách đang thấy ở Triều Tiên không chỉ trong chính trị, kinh tế mà còn cả trong bộ máy quân sự cấp cao. Hãng thông tấn KCNA ngày 16/7 đưa tin Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Yong-Ho đã bị tước bỏ tất cả các chức vụ do tình trạng bệnh tật của ông này. Nguồn tin cho biết cuộc họp của Bộ chính trị đảng cầm quyền Triều Tiên ngày 15/7 đã "quyết định rút ông Ri Yong-Ho khỏi tất cả các chức vụ... do tình trạng đau ốm của ông”. Theo KCNA, ông Ri Yong-Ho không còn nằm trong bộ chính trị và cũng không còn đảm trách chức vụ phó chủ tịch quân ủy trung ương của Đảng Lao Động Triều Tiên. Giáo sư Yang Moo-Jin thuộc trường Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul, nhận định: "Việc ông Ri Yong-Ho bị tước mọi chức vụ chắc chắn sẽ khiến quá trình thay đổi thế hệ trong quân đội diễn ra nhanh hơn. Đây là một thông điệp cho thấy nguyên tắc của đảng - đang bao trùm lên quân đội - sẽ càng trở nên vững chắc hơn”. Giới phân tích cho rằng việc bãi nhiệm ông Ri cho thấy có sự thay đổi trong đường lối nhằm chuyển quyền lực từ tay quân đội vốn giữ quá nhiều sức mạnh nhờ nền chính trị “tiên quân” sang quyền chỉ đạo của Đảng Lao động Triều Tiên. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đăng bài viết của Giáo sư Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trương Liễn Khôi, cho biết “việc bãi nhiệm ông Ri sẽ giúp cho chính sách ngoại giao của Triều Tiên ổn định và rõ ràng hơn” và biến cố này “đã không nằm ngoài dự tính” của giới quan sát, đồng thời ông Trương cho rằng “từ nay có thể sẽ có thêm nhiều thay đổi lớn về nhân sự ở Triều Tiên”. Vị giáo sư này còn khẳng định: “Nếu Triều Tiên có thể thực hiện thay đổi nhân sự một cách ổn định, điều đó cũng sẽ chứng tỏ sự trưởng thành về chính trị của ông Kim Jong-un. Đây là một quá trình nhằm củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên”.

Vài ngày sau khi ông Ri Yong-Ho bị bãi nhiệm, ngày 18/7, tân lãnh đạo Kim Jong-un đã được phong lên chức nguyên soái, chỉ huy tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên. Như vậy lãnh tụ 29 tuổi này đã có hàng loạt các danh vị và cùng lúc nắm giữ tất cả các chức vụ lãnh đạo.

Trong một diễn biến mới nhất, nhật báo Dong-A của Hàn Quốc ngày 25/7 đưa tin Tướng Ri Yong Ho của CHDCND Triều Tiên, người tuần trước bất ngờ bị tước bỏ mọi chức vụ, đã bị bắt khi đang chỉ trích chính sách mở cửa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un qua điện thoại bị nghe trộm. Báo trên dẫn lời một quan chức cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên nói: "Ông Ri Yong Ho đã bị bắt khi đang nói chuyện qua điện thoại, trong đó bày tỏ sự bất mãn đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người cho rằng CHDCND Triều Tiên không thể tồn tại nếu phớt lờ xu thế toàn cầu".

Ông Kim đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách mở cửa khi nói với các phụ tá thân cận của mình rằng "CHDCND Triều Tiên nằm trong thế giới chứ không phải thế giới nằm trong Triều Tiên".

Tất cả những điều trên cho thấy rõ ràng rằng Triều Tiên đang thay da đổi thịt trên mọi phương diện. Kết quả của những thay đổi này với Triều Tiên nói riêng và với nhận thức của thế giới nói chung phải chờ một thời gian nữa mới biết được. Dư luận thế giới hiện đánh giá rất cao những thay đổi nội tại của Bình Những.

G.K (Tổng hợp)