11 năm sau vụ 11/9/2001:

Người dân Mỹ không còn muốn chính phủ can thiệp vào thế giới

15:06 | 12/09/2012

742 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố nhân kỷ niệm 11 năm ngày tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ, số người dân Mỹ muốn chính phủ nước này bớt tích cực hơn trong các vấn đề toàn cầu hiện ở mức cao nhất.

11 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, người dân Mỹ giờ đây muốn chính phủ nước họ bớt tích cực hơn trong các vấn đề toàn cầu

Theo kết quả một cuộc thăm dò do Hội đồng Các vấn đề Đối ngoại Chicago tiến hành và được công bố nhân kỷ niệm 11 năm ngày tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ, số người Mỹ muốn nước này bớt tích cực hơn trong các vấn đề toàn cầu hiện ở mức cao nhất và lần đầu tiên họ coi trọng châu Á hơn châu Âu.

Kết quả thăm dò cho biết 67% số người Mỹ cho rằng đất nước họ không nên tiến hành cuộc chiến tại Iraq, trong khi chỉ 30% cho rằng việc Mỹ can thiệp vào Afghanistan giúp nước Mỹ an toàn hơn; 61% cho rằng Mỹ nên đóng vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu, trong khi 38% không đồng ý vai trò tích cực của Mỹ - mức tăng cao nhất trong các kết quả thăm dò của Hội đồng Chicago hoặc trong các cuộc thăm dò khác được tiến hành kể từ năm 1947. Tuy nhiên, 70% số người Mỹ vẫn cho rằng Mỹ vẫn là nước hùng mạnh nhất trên thế giới.

Marshall Bouton, Chủ tịch Hội đồng Chicago nói: "Người Mỹ vẫn có cảm giác mạnh mẽ về vị thế của mình và đây là tư tưởng mang tính thế hệ và đảng phái". Ông Bouton cho rằng tại Mỹ, tỉ lệ ủng hộ dành cho các cuộc chiến tranh ở nước ngoài giảm "không phải là dấu hiệu bi quan về danh tiếng của đất nước, mà chỉ là sự đánh giá rằng Mỹ cần phải giảm bớt vai trò của mình trong những vấn đề nhất định".

Cuộc khảo sát cũng cho thấy dân chúng ủng hộ đường lối ngoại giao, ủng hộ việc cắt giảm chi phí quân sự và hoạt động viện trợ, nhất là cho châu Phi. Các nhóm tuổi cũng có quan điểm khác nhau về những vấn đề quan trọng: Chỉ 23% người Mỹ từ 18-29 tuổi cho rằng trào lưu chính thống Hồi giáo sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng trong vòng 10 năm tới, trong khi tỉ lệ ủng hộ như vậy ở nhóm tuổi 60 là 50%. Ông Bouton nói: "Nhìn chung, thế hệ trẻ cho rằng thế giới ít bị đe dọa hơn".

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua, cuộc thăm dò cho thấy 52% người Mỹ coi trọng châu Á hơn châu Âu - mức cao nhất lần đầu tiên. Mặc dù Trung Quốc bị các chính khách Mỹ chỉ trích mạnh mẽ, nhưng kết quả khảo sát cho thấy người Mỹ không lo ngại cường quốc châu Á này, vì chỉ có 27% số người được hỏi cho rằng Mỹ nên kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, 70% người Mỹ cho rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với lợi ích của Mỹ hơn so với Nhật Bản - một đồng minh lâu đời của Mỹ, chỉ 27% cho rằng Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Jajaluddin Haqqani - người lập ra mạng lưới Haqqani, vừa bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố

* Theo một tài liệu mật được công bố ngày 11/9, trong một cuộc gặp với các nhà ngoại giao Mỹ năm 1999 - hai năm trước khi xảy ra các vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, người sáng lập ra mạng lưới khủng bố Haqqani của Afghanistan đã bày tỏ hy vọng được hợp tác với Mỹ.

Tuần trước, Mỹ đã quyết định đưa mạng lưới Haqqani có quan hệ với Pakistan vào danh sách các tổ chức khủng bố sau làn sóng tấn công khủng bố tại Afghanistan. Nhóm du kích này từng nhận được sự hỗ trợ của Mỹ khi tiến hành giao tranh với các lực lượng của Liên Xô trước đây tại Afghanistan.

Trong một tài liệu được công bố vào đúng ngày kỷ niệm 11 năm các vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tháng 5/1999, các quan chức Mỹ đã gặp Jajaluddin Haqqani - người lập ra mạng lưới Haqqani và cũng là đại diện không chính thức của chế độ Taliban. Trong cuộc gặp này, một nhà ngoại giao thuộc Đại sứ Mỹ tại Islamabad đã kêu gọi Taliban trục xuất Osama bin Laden - nhân vật bị Mỹ truy nã vì là kẻ "chủ mưu" các vụ đánh bom vào đại sứ quán Mỹ tại Kenia và Tandania 3 năm trước khi xảy ra các vụ tấn công 11/9. Bức điện tín cho biết trong cuộc gặp này, Haqqani khẳng định với các quan chức Mỹ rằng Taliban đã thiết lập "sự kiểm soát chặt chẽ" đối với Bin Laden và rằng giải pháp tốt nhất đối với Mỹ là để cho thủ lĩnh Al-Qaeda này ở lại Afghanistan. Haqqani đã kêu gọi đối thoại với Mỹ và bày tỏ sự tức giận trước việc Mỹ gây áp lực đối với Arập Xêút và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất vì hai nước đồng minh này của Mỹ, cùng với Pakistan, là những nước duy nhất công nhận chính quyền Taliban. Bức điện tín dẫn lời Haqqani nói: "Iran, Trung Quốc và Nga muốn tiếp quản Afghanistan và chạy đua để thực hiện mục tiêu này. Mỹ và Arập Xêút có thể giúp Afghanistan duy trì nền độc lập của mình. Đừng có lánh xa chúng tôi nữa mà hãy hợp tác với chúng tôi".

Bức điện tín năm 1999 cho biết Haqqani đã đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ đối với tổ chức này trong cuộc chiến đấu chống lại lực lượng Liên Xô trước đây tại Afghanistan, nhưng đồng thời cũng chỉ trích cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình mà Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh sau các vụ đánh bom khủng bố vào đại sứ quán Mỹ.

Mở màn buổi nói chuyện, ông Haqqani nói hài hước chua cay rằng: "Thật tốt khi gặp một số người từ nước đã phá hủy căn cứ, cơ sở của chúng tôi và tiêu diệt 25 người của chúng tôi" - ý nói tới các trường học và các chiến binh. Mặc dù bức điện tín không nói cụ thể nơi diễn ra cuộc gặp, nhưng xem ra được tổ chức tại một nơi nào đó ở Pakistan vì giới chức Mỹ thường tổ chức các cuộc gặp với Taliban tại đại sứ quán Mỹ ở Islamabad trước khi xảy ra các vụ tấn công 11/9/2001.

Dưới sức ép của Quốc hội, tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đồng ý tuyên bố mạng lưới Haqqani là tổ chức khủng bố trong bối cảnh Mỹ tức giận trước một loạt vụ tấn công được cho là do tổ chức này thực hiện, trong đó có một vụ tấn công vào khách sạn hồi tháng 6/2012 làm 18 người thiệt mạng và một vụ phong tỏa tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul hồi năm ngoái.

Ngoài ra, giới chức Mỹ còn lo ngại về tác động của mối quan hệ với Pakistan. Phát biểu trước khi mãn nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen nói rằng mạng lưới Haqqani đã trở thành "cánh tay thực sự" của cơ quan Tình báo liên ngành Pakistan. Tài liệu mật tiết lộ anh trai của Haqqani là Khalil và con trai là Nasiruddin đều có mối quan hệ với Al-Qaeda. Đây là một trong những cáo buộc khiến Mỹ áp đặt trừng phạt đối với các thành viên gia đình của ông này.

Theo một tài liệu mật khác, Haqqani là một nhà chiến lược quân sự và khá "cởi mở" về mặt xã hội, bởi bộ lạc Zadran của ông (của người Pashtun) đối xử với phụ nữ phóng khoáng hơn so với người Pashtun ở Kandahar - căn cứ của Taliban, chế độ đã áp đặt sự kiểm soát khắt khe đối với phụ nữ. T

rong cuộc gặp các nhà ngoại giao Mỹ, ông Haqqani đã phản ứng việc Mỹ chỉ trích Taliban khi nói rằng: "Arập Xêút, người bạn của nước Mỹ và châu Âu, cũng đối xử với phụ nữ giống như cách của Taliban". Jajaluddin Haqqani - hiện ở độ tuổi 70 - đã nhường chiếc ghế của mình trong Hội đồng lãnh đạo Taliban cho con trai là Sirajuddin Haqqani - người chỉ huy lực lượng chiến đấu gồm ít nhất 2.000 người.

Nh.Thạch (Theo AFP, AP)