Nhờ đâu Tổng thống Hugo Chavez tái đắc cử?

07:37 | 14/10/2012

904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất chấp ung thư, cộng với sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của phe đối lập trong tình hình đất nước bị bất ổn đe dọa nhưng Tổng thống Hugo Chavez vẫn được người dân Venezuela tin tưởng giao phó cho ông thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Vị chính khách này đã làm gì mà người dân Venezuela tin yêu đến vậy?

Tổng thống Hugo Chavez ngày 7/10/2012

Ngay sau chiến thắng ngày 7/10 của Tổng thống Chavez, tờ tuần san Nouvel Observateur của Pháp theo khuynh hướng bảo thủ trên phiên bản điện tử ngày 8/10 có bài viết tựa đề: Chavez gặt hái thành quả từ cuộc “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Tác giả của bài viết là hai nhà báo kỳ cựu Julie Pacorel và Sébastien Risso cho rằng sự tín nhiệm của người dân Venezuela với ông Chavez là nhờ vào việc ông cho thành lập các nhóm công tác gọi là Missión Bolivar với mục đích hỗ trợ người dân chống lại dịch bệnh, nạn mù chữ, tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo khổ, và những tệ nạn xã hội khác. Chính sách này thành công đến mức mà ứng viên đối lập Henrique Capriles cũng phải cam kết là nếu đắc cử, sẽ duy trì hoạt động của các nhóm công tác này.

Hai ký giả Julie Pacorel và Sébastien Risso dẫn chứng bài viết của mình: “Ông Chavez là người rất gần với dân, ông nói chuyện như người thuộc tầng lớp bình dân, nói chuyện với dân như với người thân. Ông là người cho họ có tiếng nói”. Một nhân tố nữa giúp ông Chavez vẫn được dân chúng ủng hộ đó là nhờ vào sản lượng dầu mỏ đứng nhất nhì thế giới với 3 triệu thùng mỗi ngày. Ông biết tiến hành chính sách an sinh xã hội, y tế, thuốc men, viện phí đều miễn phí cho dân nghèo, theo đúng tinh thần “xã hội chủ nghĩa”.

Tình hình kinh tế xã hội của Venezuela đã được cải thiện đáng kể kể từ khi ông Chavez lên nắm quyền vào năm 1999, chủ yếu nhờ giá dầu mỏ tăng cao. Giá dầu đã vọt từ mức 17 USD/thùng vào thời điểm ông nhậm chức lên tới 120 USD/thùng vào một số thời điểm. GDP của Venezuela là 91 tỉ USD năm 1999, năm cầm quyền đầu tiên của ông, và đã tăng lên 328 tỉ USD vào năm 2011. Tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tỷ lệ thất nghiệp giảm, trong khi tuổi thọ tăng lên dưới thời ông Chavez. Ủy ban Liên Hiệp Quốc kinh tế về Mỹ Latinh (ECLA) cho biết tỷ lệ nghèo đói giảm từ 49,4% năm 1999 xuống 27,8% năm 2010.

Theo Alberto Barrera Tyszka, đồng tác giả cuốn tiểu sử của ông Chavez, công lao của ông Chavez đối với đất nước là không thể đong đếm. Ông đã dành mối quan tâm đặc biệt cho vấn đề lớn nhất ở Mỹ Latinh là bất bình đẳng. Ông đã phân phối nguồn của cải có được từ dầu mỏ một cách công bằng và dân chủ hơn và đã cho những người bị kỳ thị trong xã hội có được tiếng nói của mình. Ông đã dùng tiền thu được từ dầu mỏ để quốc hữu hóa một loạt công ty trong các lĩnh vực dầu mỏ, điện, lương thực và ngân hàng.

Thành tựu của ông Chavez không chỉ gói gọn trong các vấn đề đối nội. Trên phương diện đối ngoại, Le Nouvel Observateur cũng có một bài viết cũng của hai tác giả Julie Pacorel và Sébastien Risso mang tựa đề “Những quan hệ bạn bè nặng ký của Hugo Chavez”. Bài viết này (được đăng ngày 4/10, tức là trước cuộc bầu cử tổng thống Venezuela), cho biết ông Hugo Chavez luôn được xem là biểu tượng của “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” ở vùng Nam Mỹ và vẫn tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của khuynh hướng chính trị này. Các nguyên thủ từ Evo Morales của Bolivia, Rafael Correa ở Ecuador hay Cristina Kirchner của Argentina, đều là những người ủng hộ tuyệt đối Hugo Chavez. Họ “mắc nợ” ông Chavez trong việc thành lập Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) và gần đây là Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC). Julie Pacorel và Sébastien Risso cho rằng, với việc CELAC được thành lập, một liên minh mới trong khu vực, trong đó không có Mỹ và Canada, đã hình thành. Tổ chức này được coi là cơ chế hội nhập mới thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) vốn thường bị ông Chavez chỉ trích là chịu sự thao túng của Mỹ. Nếu có phải tìm một tấm gương trong giới nguyên thủ Mỹ Latinh về sự vượt lên số phận thì có lẽ ông Hugo Chavez là xứng đáng hơn ai hết.

Nói về những thách thức trong nhiệm kỳ mới của ông Chavez, tuần san Pháp cho rằng, Venezuela của năm 2012 đang đứng trước nhiều khó khăn. Tỷ lệ lạm phát gần 20% là lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh. Venezuela trong vài năm qua luôn trong tình trạng thiếu lương thực, điện và các mặt hàng thiết yếu. Hệ thống hạ tầng cơ sở tại Venezuela đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực diễn ra thường xuyên. Thách thức lớn nhất đối với ông Chavez là phe đối lập ở Venezuela, được tiếp sức chủ yếu bởi lực lượng thanh niên, đã trở thành một phong trào có tổ chức muốn thúc đẩy Venezuela theo hướng hiện đại hóa như Brazil, Chile và Mexico. Mặt khác, sức khỏe bị suy yếu vì bệnh ung thư cũng là một thách thức với nhiệm kỳ tiếp theo của ông Chavez.

H. Phan  (tổng hợp)