Những điểm "nóng" thế giới 7 ngày qua

09:44 | 07/10/2012

808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất ngờ Mitt Romney và “cái chết” của Cách mạng Hoa Hồng.

Ông Mitt Romney giành ưu thế trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên.

Ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Thống đốc Mitt Romney đã nổi lên là người chiến thắng trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình tối 3/10 trước đối thủ đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama.

Kết quả thăm dò ngay trong đêm 3/10 của CNN/ORC cho biết có tới 67% số cử tri trên khắp cả nước Mỹ được phỏng vấn ngẫu nhiên nói rằng ông Mitt Romney là người chủ động hơn, nổi bật hơn trong cuộc tranh luận. Vị chính khách này liên tục công kích đối thủ trong suốt 90 phút, do vậy đã dồn đẩy ông Obama vào thế bị động và phải quay sang giải trình chính sách của Nhà Trắng trong các vấn đề. Với sự thể hiện thành công này trong cuộc tranh luận đầu tiên, ông Mitt Romney được dự báo sẽ nhận được nhiều tiền hơn trong các cuộc vận động sắp tới, thậm chí cả sự ủng hộ của không ít những cử tri cho tới nay vẫn còn chưa biết chọn ai làm người đại diện cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, với uy tín bị sụt giảm nghiêm trọng trong hơn một tháng qua kể từ đại hội toàn quốc của hai đảng và trong bối cảnh chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới, các chuyên gia cho rằng là liệu có quá muộn để vị cựu Thống đốc 65 tuổi này bứt phá hẳn lên và giành thắng lợi chung cuộc trong cuộc bầu cử ngày 6/11 tới hay không.

Dù thắng lợi nghiêng về ông Mitt Romney, song cũng có khá nhiều người cho biết kết quả các cuộc tranh luận sẽ không tác động nhiều tới sự lựa chọn của họ. Theo thăm dò của Google, có 47,8% đánh giá tích cực sự thể hiện của ông Mitt Romney trong cuộc tranh luận so với 25,4% dành cho ông Obama và hơn 25% còn lại nói rằng hai ứng cử viên đã hòa nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá của Giáo sư khoa học chính trị Samuel Popkin đến từ Đại học California ở thành phố San Diego, sẽ có rất ít cử tri ngả từ bên này sang bên kia chỉ do kết quả cuộc tranh luận này. Nổi lên trở thành người chiến thắng sau cuộc tranh luận trực tiếp, nhưng với 35 bang, 6% số cử tri đã bỏ phiếu sớm và trong hoàn cảnh chỉ còn xấp xỉ một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu, giới phân tích nhận định ông Mitt Romney dường như không còn đủ thời gian để tranh thủ lợi thế vừa giành được để có thể "lội ngược dòng" trong cuộc đua tranh chức ông chủ Nhà Trắng.

Cựu Thống đốc Mitt Romney đang giành lợi thế sau cuộc tranh luận. (Nguồn: AP)

Nhật Bản kêu gọi tôn trọng UNCLOS trong tranh chấp tại Biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koji Tsuruoka đã kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải triệt để tôn trọng các công ước quốc tế, vì trật tự hàng hải là yếu tố hết sức quan trọng giúp duy trì sự phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong phát biểu tại Diễn đàn Hàng hải mở rộng (EAMF) lần thứ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Manila của Philippines, ông Koji Tsuruoka nêu rõ: "Các nước liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông nên tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), và tránh các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông".

Bình luận của ông Tsuruoka được đưa ra sau phát biểu gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), trong đó Thủ tướng Nođa cho rằng "mọi âm mưu hiện thực hóa tư tưởng hay tuyên bố chủ quyền của một nước thông qua việc đơn phương sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực là đi ngược lại tinh thần cơ bản trong Hiến chương LHQ cũng như lương tri nhân loại, do vậy hoàn toàn không thể chấp nhận".

EAMF là một sáng kiến của Nhật Bản, đưa ra tại Hội nghị Cấp cáo Đông Á tại Bali (Indonesia) năm 2011, nhằm cho phép Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và các đối tác đối thoại khác của ASEAN tham gia Diễn đàn Hàng hải ASEAN.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn Hàng hải mở rộng (Nguồn: AFP)

Philippines bắt cựu Tổng thống Arroyo

Cựu Tổng thống Philippines, bà Gloria Macapagal Arroyo đã bị bắt tại bệnh viện ngày 4/10 sau khi bị buộc tội tham nhũng trong thời gian cầm quyền.

Bà Gloria Macapagal Arroyo, 65 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ tại một quân y viện ở thủ đô Manila, nơi bà mới nhập viện để điều trị một căn bệnh mãn tính liên quan đến cột sống.

Phát biểu với các phóng viên sau vụ bắt giữ, một sĩ quan cảnh sát cấp cao cho biết bà Arroyo đang chịu sự giám sát và giam giữ của cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên, cũng có khả năng bà sẽ được đưa trở lại bệnh viện cho tới khi tòa án chống hối lộ đưa ra quyết định về việc có chuyển bà đi hay không.

Bà Arroyo bị bắt giữ chỉ một ngày sau khi một tòa án Philippines ra lệnh bắt giữ bà vì tội biển thủ 366 triệu peso (8,8 triệu USD) trong quỹ xổ số nhà nước dành cho các chương trình từ thiện để chi cho các chiến dịch vận động tranh cử. Ngoài ra, bà cũng bị cáo buộc nhận hối lộ trong một thỏa thuận truyền thông trị giá 329 triệu USD với công ty ZTE của Trung Quốc.

Ngoài bà Arroyo, tòa án trên cũng ra lệnh bắt giữ 10 cựu quan chức nhà nước có liên quan đến các cáo buộc sử dụng sai mục đích quỹ xổ số nhà nước. Bà Arroyo nắm quyền Tổng thống Philippines từ năm 2001-2010. Bà vừa kết thúc 7 tháng tạm giam tại một quân y viện sau khi nộp tiền bảo lãnh cho các tội danh gian lận bầu cử.

Cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo hiện bị chấn thương cột sống. Ảnh: AFP

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có nguy cơ vượt tầm kiểm soát và vượt ra khỏi biên giới

Ngày 4/10, các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã họp khẩn cấp để bỏ phiếu thông qua kiến nghị của chính phủ về việc triển khai quân qua biên giới, sau khi xảy ra vụ nã pháo từ phía Syria ngày 3/10 làm 5 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng lãnh thổ nước này "đã trở thành mục tiêu của các hành động gây hấn của các lực lượng vũ trang Syria, đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ".

Trước đó, sau khi xảy ra vụ nã pháo từ phía biên giới Syria vào thị trấn Akcakale thuộc tỉnh biên giới Sanliurfa ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/10, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đã đáp trả bằng đạn pháo vào các mục tiêu ở Syria. Theo báo Today's Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ, sáng sớm 4/10 quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục bắn pháo vào các mục tiêu ở huyện Tel Abyad gần biên giới Syria, làm một số binh sĩ Syria thiệt mạng.

TTK LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu duy trì mọi kênh liên lạc với chính quyền Syria nhằm giảm nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột, đồng thời kêu gọi Damacuss "tôn trọng đầy đủ sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng".  Trong một động thái liên quan, tối 3/10, NATO đã họp khẩn cấp và ra tuyên bố lên án vụ nã pháo của Syria gây ra "mối lo ngại lớn nhất" đối với nước thành viên NATO. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 4/10 cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình "đang xấu đi" giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi đó, tờ "Daily News" đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường sức mạnh ở Địa Trung Hải, với việc điều một số tàu chiến nổi và tàu ngầm đến các căn cứ của Hải quân tới khu vực trên. Tin cho hay các tàu trên được trang bị đầy đủ vũ khí trong trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh.

Trong bối cảnh dư luận thế giới lo ngại chiến sự Syria sẽ lan sang các quốc gia láng giềng, một loạt các nước Lebanon, Iran, Iraq, Jordania đã chuẩn bị các biện pháp đề phòng nguy cơ chiến sự lan rộng. Chính phủ Iraq đã huy động quân đội đến bảo vệ khu vực biên giới với Syria sau khi thừa nhận các tay súng thuộc dòng Hồi giáo Sunni tại quốc gia này đã vượt biên vào Syria để hỗ trợ cho lực lượng chống Tổng thống Bashar Al Assad.

Giới phân tích nhận định nếu Syria rơi vào tình trạng chia rẽ, toàn bộ khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào hỗn loạn.

Một bệ phóng tên lửa được bố trí tại tỉnh Sanliurfa, giáp giới với Syria, ngày 6/10.

Cái chết của Cách mạng Hoa Hồng

Ủy ban bầu cử Grudia tối 3/10 đã công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội nước này ngày 1/10. Theo đó, khối đối lập "Giấc mơ Grudia" (DG) do nhà tỉ phú Bidzina Ivanishvilli đứng đầu, đã giành thắng lợi với 54,9% số phiếu ủng hộ sau khi kiểm 99% số phiếu của các khu vực bầu cử.

Đảng "Phong trào Dân tộc Thống nhất" (UNM) cầm quyền thân Tổng thống Mikhael Saakashvili chỉ giành được 40,3% số phiếu bầu. Tổng cộng, DG có thể giành 80-81 ghế và UNM đoạt 69-70 ghế trong Quốc hội Grudia khóa mới gồm 150 ghế với nhiệm kỳ 4 năm.

Ngay trong đêm 2 rạng sáng 3/10, ông Ivanisvili đã kêu gọi Tổng thống Saacasvili từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống mới trước thời hạn. Tuy nhiên, sau đó ông lại cải chính rằng đó chỉ là nguyện vọng chứ không là yêu sách của khối đối lập DG gồm sáu chính đảng do ông đứng đầu.

Trưa 3/10, ông Ivanisvili cũng đã triệu tập phiên họp kín của lãnh đạo DG để thảo luận việc thành lập chính phủ mới. Một Nhóm công tác cũng được thành lập nhằm phối hợp với Tổng thống Mikhael Saakashvili để thành lập nội các mới. Ông Ivanisvili cho biết có thể sẽ nhận trọng trách Thủ tướng Grudia và chính phủ mới sẽ gồm các thành viên mới, giỏi chuyên môn nhằm đạt được mục tiêu của DG là lập lại trật tự hiến pháp, khôi phục và chấn hưng Grudia. Ông khẳng định ban lãnh đạo mới Grudia chủ trương cải thiện quan hệ với Nga trong khi vẫn tiếp tục thực hiện đường lối liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho biết trên cương vị người đứng đầu chính phủ mới, ông sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên tới Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, Tổng thống Mikhael Saakashvili cho biết ông không có ý định từ chức và sẽ tiếp tục đảm đương trọng trách nguyên thủ quốc gia Grudia cho đến tháng 10/2013. Theo Hiến pháp Grudia đã được sửa đổi, từ ngày 1/1/2013, Tổng thống Mikhael Saakashvili sẽ bị giảm bớt quyền hạn và các quyền này sẽ được chuyển cho quốc hội và chính phủ mới với thủ tướng mới sẽ có nhiều quyền hơn so với tổng thống.

Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Grudia được ví như “cái chết” của Cách mạng Hoa Hồng với sự ra đi sớm hay muộn của ông Mikhael Saakashvili.

Lãnh đạo liên minh đối lập Bidzina Ivanishvili sau khi biết kết quả ban đầu cuộc bầu cử. (Nguồn: AFP)

“Nóng” bầu cử Venezuela

Venezuela đã hoàn tất những công đoạn chuẩn bị cuối cùng cho cuộc bầu cử Tổng thống nước này diễn ra vào hôm nay(7/10). Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Tổng thống Chavez vẫn chiếm ưu thế trước đối thủ Henrique Capriles với khoảng cách từ 2 đến 15%. Gần 19 triệu cử tri Venezuela đủ tư cách sẽ tham gia bỏ phiếu trong ngày 7/10 để bầu tổng thống mới nhiệm kỳ 2013-2019.

Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, Tổng thống Chavez vẫn duy trì được thế thượng phong với cách biệt từ 10%-19%. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định khả năng đắc cử của hai ứng cử viên là khá ngang nhau dù có phần nghiêng về Tổng thống Chavez. Theo họ, cả hai ông đều có những lợi thế không thể phủ nhận. Vấn đề là ở vào giai đoạn nước rút của chiến dịch vận động tranh cử, họ có thuyết phục được bộ phận cử tri vẫn còn lưỡng lự hay không.

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Venezuela 2 nhiệm kỳ qua, Tổng thống Chavez đã thực hiện các chính sách xã hội cải thiện đời sống cho những người nghèo, góp phần giảm đáng kể số người nghèo và dưới mức nghèo khổ cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo mọi người dân tại quốc gia 29 triệu dân này được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế và cung cấp lương thực đầy đủ. Đây cũng là những nhân tố làm nên một Tổng thống Chavez được lòng dân khi hướng tới cộng đồng người nghèo.

Trong khi đó, đại diện cho liên minh đối lập, chính khách Henrique Capriles, 40 tuổi, sinh ra trong một gia đình giàu có tại thủ đô  Caracas. Ông tự nhận mình là một chính khách mang tư tưởng cấp tiến,theo đuổi một đường lối phát triển kinh tế toàn diện, ủng hộ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và một chính sách đối ngoại cân bằng. Ông tham gia vũ đài chính trị từ khá sớm và nhanh chóng thành công với những tố chất của một chính trị gia bẩm sinh; đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trên chính trường như Chủ tịch trẻ nhất của Hạ viện và tiếp đó là Phó Chủ tịch Thượng việnVenezuela. Đó chính là những vũ khí của ông trong cuộc đua này.

Venezuela đang rất cần thấy một vị Tổng thống mạnh mẽ và nhiệt huyết như Hugo Chavez đã từng thể hiện trước kia.

Chìm phà ở Hồng Kông, ít nhất 23 người chết và mất tích

Tối 1/10, 1 chiếc phà đã bị chìm ở khu vực ngoài khơi đảo Lamma, phía Tây Nam đảo Hồng Kong làm ít nhất 38 người thiệt mạng và 45 người bị thương.

Nguyên nhân vụ tai nạn là do một tàu kéo đã va chạm với một phà chở 124 người. Dã có 101 người được giải cứu, hàng chục người trong số này đã được chuyển tới bốn bệnh viện địa phương, trong khi vẫn còn nhiều người mất tích. Một quan chức Hồng Kông cho biết con tàu kéo đã đâm vào chính giữa chiếc phà khiến chiếc phà nhanh chóng bị chìm xuống. Cảnh sát cho hay vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn này.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận chiếc tàu được cho là chở hơn 120 hành khách chìm ở Hồng Kông vào tối 1.10 - Ảnh: Reuters

Công bố bản đồ gen hoàn chỉnh của cây lúa

Một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc và Nhật Bản vừa công bố một bản đồ hoàn chỉnh về các biến thể gen của cây lúa, nguồn cung cấp lương thực cho một nửa dân cư trên hành tinh. Nghiên cứu cho thấy giống lúa chủ yếu hiện nay có nguồn gốc từ vùng châu thổ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc.

Nghiên cứu trên, được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 3/10, là kết quả của quá trình phân tích tỉ mỉ mã di truyền ADN của hơn 1.000 giống lúa (bao gồm hai tiểu nhóm indica và japonica) và gần 500 giống lúa hoang (thuộc nhóm Oryza rufipogon), tổ tiên của các giống lúa đang trồng hiện nay.

Nghiên cứu này được đánh giá sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển các giống lúa mới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Hồ Điệp (Tổng hợp)