Những điểm nóng trên thế giới trong 24 giờ qua

00:02 | 17/08/2012

1,226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 16/8, hai tổ chức người Mỹ gốc Á có trụ sở tại California đã mở cuộc vận động dư luận biểu tình chống lại ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc và thế giới - Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC).

 

Hai tổ chức này xuất phát từ cộng đồng Philippines. Đó là Liên đoàn Quốc gia người Mỹ gốc Á (NAAC) và tổ chức "US Pinoys for Good Governance". ICBC là ngân hàng có tài sản lớn nhất thế giới, đang bung ra khắp nơi và trù tính sát nhập hai ngân hàng gốc Á tại Mỹ là East-West Bank và Cathay Bank có tổng tài sản là 33 tỷ USD và 175 chi nhánh.

NAAC nêu lý do là ICBC có chính sách kỳ thị và không tuyển dụng, tài trợ hay đầu tư với người Mỹ gốc Á, gốc Nam Mỹ, gốc châu Phi và vì vậy vi phạm luật lệ Mỹ. Họ vừa biểu tình phản đối vừa yêu cầu tiếp xúc với cơ quan hữu trách là Ngân hàng Trung ương Mỹ vào ngày 10/9 tới để chính thức yêu cầu điều tra và cấm ngân hàng ICBC không được mua thêm ngân hàng của Mỹ trong năn năm tới. Hai tổ chức này cũng tố cáo ICBC của Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp tài trợ hoạt động quân sự của Bắc Kinh tại vùng biển Đông Nam Á.

1. Khoảng 23.000 chiếc xe do Trung Quốc sản xuất vừa bị chính phủ Úc ra lệnh thu hồi sau khi chất độc hại asbestos được tìm thấy trong lòng máy và miếng đệm ống xả khói xe. Cơ quan bảo vệ người tiêu thụ của Úc (CCC) hôm 15/8 cho hay công ty nhập khẩu xe Ateco Automotive ra lệnh cho các đại lý ngưng bán các xe trong danh sách bị thu hồi, do công ty Great Wall Motor Co. và Chery Automobile sản xuất. Ateco cũng thu hồi các miếng đệm trong các tiệm bán đồ phụ tùng. Úc có lệnh cấm nhập cảng chất asbestos từ năm 2004 đến nay.

2. Mỹ đã đề nghị cung cấp thêm các máy bay chiến đấu F-16 cho Indonesia thông qua hình thức tài trợ, hãng thông tấn Antara của Indonesia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Purnomo Yusgiantoro cho biết hôm 15/8. Theo hãng thông tấn Antara, vào năm 2014, sẽ có khoảng 45 máy bay, cả máy bay chiến đấu lẫn vận tải, đến Indonesia.

3. Quốc hội Myanmar ngày 15.8 đã bổ nhiệm Tư lệnh Hải quân Nyan Tun vào một ghế phó tổng thống bị bỏ trống từ tháng trước. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Nyan Tun là ông Tin Aung Myint Oo - được cho là có lập trường bảo thủ và bất hòa với Tổng thống Thein Sein - đã từ chức vì lý do sức khỏe. Phó tổng thống còn lại là ông Sai Mauk Hkam, người dân tộc thiểu số Shan. Phó đô đốc Nyan Tun, 58 tuổi, được đề cử bởi nhóm nghị sĩ từ quân đội vốn chiếm 25% ghế trong Quốc hội cơ và có quyền chọn lựa người cho 1 trong 2 ghế phó tổng thống. Ông Nyan Tun, có lập trường ôn hòa, đã vượt qua 3 ứng viên khác trong cuộc bình chọn hôm qua và chính thức nhậm chức ngay trong ngày. Trước đó, Thủ hiến vùng Yangon Myint Swe đã được đề cử nhưng bị loại theo Hiến pháp năm 2008 vì có con rể là công dân Úc.

4. Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Israel Matan Vilnai cho biết, Israel không loại trừ khả năng tấn công quân sự đối với Iran. Tuy nhiên, Israel sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và sẽ phối hợp với Mỹ trong vấn đề này. Bộ trưởng Vilnai nói Israel sẵn sàng đối mặt với mọi hậu quả một khi đụng độ với Iran và tấn công chương trình hạt nhân của nước này. Giới chức Israel đã nhiều lần cảnh báo sẽ tấn công Iran nhằm ngăn chặn nước cộng hoà Hồi giáo này sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa tỏ ra ủng hộ Israel trong việc mở một cuộc tấn công quân sự chống Iran.

5. Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/8 hối thúc phái bộ giám sát Liên Hợp Quốc tiếp tục ở lại Syria, vì cho rằng việc phái bộ trên rút lui sẽ gây ra "hậu quả vô cùng nghiêm trọng" cho quốc gia Trung Đông này. Thông báo của Vụ Thông tin, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Liên Hợp Quốc có thể thay đổi hình thức hoạt động của phái bộ này cho phù hợp với tình hình thực tế, chứ không nên rút toàn bộ nhân viên giám sát khỏi Syria. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo sẽ không cho phép các cường quốc phương Tây phá hỏng thỏa thuận chuyển tiếp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột ngày càng leo thang tại Syria, vốn đạt được hồi cuối tháng 6 tại Geneva, Thụy Sĩ.

6. Không quân Mỹ ngày 15/8 cho biết chuyến bay thử nghiệm của máy bay siêu thanh không người lái mà họ tiến hành trên không phận Thái Bình Dương đã thất bại, khiến máy bay bị vỡ tung và rơi xuống biển. Chiếc máy bay X-51A Waverider không người lái được thiết kế có thể bay gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tương đương 5.800 km/giờ. Đây là thất bại mới nhất đối với Waverider. Một máy bay thử nghiệm trước đó cũng bị rơi ở Thái Bình Dương năm 2011, sau khi nó không thể khởi động lại động cơ. Nhưng trong chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2010, Waverider đã đạt tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh trong thời gian 3 phút.

7. Chiều 15/8, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã bắt giữ 14 người Hongkong với tội danh nhập cảnh trái phép vào Nhật Bản. 14 người này đã đi trên một chiếc tàu cá và xâm nhập vào lãnh hải của quần đảo Senkaku, hay còn gọi là Điếu Ngư, nơi đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. 5 người trong số đó đã tìm cách lên được đảo Uotsuri, một trong 4 đảo chính thuộc quần đảo này bất chấp nỗ lực ngăn cản bằng vòi rồng của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Phía Nhật Bản cho biết, sẽ đưa 14 người này cùng tàu cá về đảo Okinawa để tiến hành điều tra.

8. Tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở Iraq khi trong ngày 15/8 đã có 10 người thiệt mạng và 36 người bị thương trong ba vụ đánh bom và một tấn công bằng súng. Những vụ bạo lực mới nhất này đã đưa số người bị chết trong các vụ tấn công kể từ đầu tháng đến nay ở Iraq lên ít nhất 142 người, trong đó có 63 nhân viên an ninh.

9. Tổng giám đốc BBC, ông Mark Thompson sẽ chuyển sang làm Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành cho New York Times, một động thái cho thấy tờ báo này đang có tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh báo điện tử trên toàn thế giới. Ông Thompson (55 tuổi), bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình bằng vị trí tập sự sản xuất chương trình tại BBC năm 1979, sau đó chuyển sang Channel 4 của Anh, rồi quay về chịu trách nhiệm quản lý cả truyền hình, phát thanh và báo điện tử của BBC kể từ năm 2004. Ông là người có công biến website tin tức BBC trở thành một trong số những trang tin online lớn nhất thế giới.

10. Một tòa án liên bang Brazil vừa yêu cầu ngừng mọi hoạt động xây dựng đập thủy điện Belo Monte trong khu vực rừng Amazon. Theo phán quyết, dự án bị ngưng để chờ đại diện cư dân bản địa trình bày ý kiến trước Quốc hội. Tuy nhiên, đơn vị thi công có quyền kháng án ở tòa tối cao. Dự án Belo Monte có tổng vốn 17 tỉ USD và dự kiến hoàn tất vào năm 2019 với công suất khoảng 11.200 MW. Theo thiết kế, đây là đập thủy điện lớn thứ 3 thế giới, sau đập Tam Hiệp (Trung Quốc) và Itaipu (Brazil). Tuy nhiên, các cộng đồng người thiểu số ở khu vực Amazon cùng nhiều tổ chức môi trường, nhân quyền trên thế giới phản đối gay gắt vì quan ngại con đập sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và cuộc sống của hàng chục ngàn người.

11. Ngày 15/8, trong bài phát biểu trước toàn dân nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Ấn Độ tuyên bố độc lập, Thủ tướng Manmohan Singh thông báo nước này sẽ đưa tàu vũ trụ đến thăm dò sao Hỏa vào năm 2013. Đây sẽ là một bước tiến lớn của Ấn Độ về khoa học kỹ thuật. Dự kiến, chi phí của dự án này khoảng 70-90 triệu USD. Trước đó, Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc đều đưa tàu đến sao Hỏa nhưng Nhật và Trung Quốc đã phải hủy bỏ hành trình giữa chừng.

12. Bộ trưởng tài chính Ai Cập cho biết Cairo đang xúc tiến đàm phán với IMF nhằm có được khoản vay 4,8 tỷ USD để ổn định tình hình tài chính. Trong tháng này, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ dẫn đầu một phái đoàn tới Cairo để cùng Ai Cập bàn thảo về khoản cho vay mới. Đây cũng là khoản vay mà tổng thống vừa được bổ nhiệm Mohamed Morsi và nội các của mình rất trông đợi. Hiện tại, thâm hụt ngân sách của Ai Cập trong năm 2012-2013 đã tăng lên 12,5%. Thâm hụt ngân sách cũng khiến GDP của Ai Cập giảm 7,9%, mặc dù các nhà kinh tế dự đoán GDP của nước này sẽ tăng 4 tới 4,5% trong năm nay.

13. Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố cảnh sát sẽ bao vây và tiến vào Đại sứ quán Ecuador tại London để bắt nhà sáng lập Wikileaks - ông Julian Assange - nếu Chính phủ Ecuador không chịu giao nộp ông này. Phản ứng trước tuyên bố trên, Chính phủ Ecuador nói nếu hành động đó xảy ra, nó sẽ được xem là sự vi phạm chủ quyền, là “hành động mang tính thù địch và không thể chấp nhận”. Theo nguồn tin từ một quan chức thân cận với Chính phủ Anh cho biết, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã chấp nhận cho phép ông Assange được tị nạn tại Ecuador.

H.Phan (Tổng hợp)