Thế giới 24 giờ qua

09:30 | 19/09/2012

728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thế giới trong 24h qua đã xảy ra nhiều sự kiện, tác động không nhỏ đến sự phát triển của nhiều quốc gia.

Mâu thuẫn Trung Quốc - Nhật Bản "căng như dây đàn"

Tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trong ngày 18/9 vẫn là những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Song song với các hoạt động kỷ niệm 81 năm "sự biến 18/9", hàng ngàn người xuống đường biểu tình trên khắp Trung Quốc bày tỏ sự tức giận đối với quá khứ bị Nhật chiếm đóng và tranh chấp hiện tại đối với quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Trong một diễn biến mới nhất, chiều 18/9, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Fukuoka, miền Trung Nhật Bản đã bị tấn công bằng hai quả bom xăng. Đây là lần đầu tiên, một vụ bạo lực nhằm vào Trung Quốc xảy ra tại Nhật Bản kể từ khi căng thẳng leo thang giữa hai nước xung quanh quần đảo tranh chấp (phía Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Cũng trong sáng kỷ niệm 81 năm ngày Nhật Bản xâm lược Trung Quốc (18/9/1931 - 18/9/2012), hai người Nhật đã đổ bộ lên đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku. Ngoài ra, phía Nhật bản cũng đã cáo buộc 11 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản. Những động thái vừa nêu dự báo căng thẳng giữa hai nước sẽ tiếp tục gia tăng.

Người biểu tình chống Nhật ở trước sứ quán Nhật tại Bắc Kinh ngày 18/9

Trong khi đó, Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản tại Trung Quốc trước làn sóng biểu tình bài Nhật đang lan rộng thành các hành động bạo lực nhằm vào công dân và doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 18/9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Fujimura nói: “Thông qua con đường ngoại giao, chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm tránh gây hại cho công dân và doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật Bản đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế và tạo công ăn việc làm của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc cần xử lý bình tĩnh dựa trên đại cục.”

Phía Trung Quốc ngay lập tức đã phản đối hành động này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp trước sự việc này. Đây được xem là lời cảnh báo về các biện pháp trả đũa mới của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh khả năng kiểm soát thực tế đối với quần đảo tranh chấp. Báo chí Trung Quốc cũng đưa tin khoảng 1.000 tàu đánh cá của nước này sẽ đến đánh bắt cá tại vùng biển của quần đảo tranh chấp.

Trong một diễn biến mới nhất, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản thông báo 11 chiếc tàu của Trung Quốc đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Theo giới phân tích, hành động này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, tiếp theo sau hàng loạt vụ biểu tình nhuốm màu bạo lực trên nhiều thành phố Trung Quốc nhằm vào các lợi ích của Nhật Bản. Trong diễn biến khác liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu tại buổi họp báo chiều qua cho biết Cục Ngư nghiệp nước này sẽ quản lý và cung cấp các dịch vụ cho hoạt động đánh bắt cá tại các vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Làn sóng bài Mỹ lan rộng trong thế giới Hồi giáo

Làn sóng bài Mỹ hôm nay đã lan sang châu Á. Tại Afghanistan, biểu tình bên ngoài căn cứ quân sự Mỹ tại Kabul đã biến thành bạo lực. Khoảng 800 người biểu tình tại đây đã đốt ô tô và ném đá vào căn cứ này.

Tại Indonesia, nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực khi khoảng 700 người biểu tình ném bom xăng và xung đột với lực lượng cảnh sát bảo vệ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Jakarta. Còn tại thành phố Marauy, miền Nam Philippines, khoảng 3000 người Hồi giáo tập trung tại quảng trường ở trung tâm thành phố để biểu tình phản đối bộ phim được cho là phỉ báng đấng Tiên tri Mohammed.

Giới phân tích cho rằng nếu không có cách hóa giải, mâu thuẫn giữa Mỹ, phương Tây và thế giới Hồi giáo sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây ra những tác động xấu đối với sự ổn định và hòa bình của thế giới.

Người biểu tình chống Mỹ ở thành phố Marawi, Philippines. Ảnh: AFP

Đối thủ của ông Obama gặp "hạn"

Một động thái đáng chú ý khác trong ngày là những “lùm xùm” liên quan tới chiến dịch tranh cử của ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ Mitt Romney. Vụ việc xảy ra sau khi một đoạn video bí mật ghi cảnh ông Romney nói với các nhà tài trợ giàu có rằng gần nửa người Mỹ là các "nạn nhân" phụ thuộc vào chính phủ và thường trốn thuế, bị báo chí tung hê.

Đoạn video bị phát tán này là bước lùi mới nhất của ứng cử viên Romney, khi ứng cử viên này đang cố gắng chống lại những chỉ trích về năng lực và chiến lược tranh cử Tổng thống của ông. Nhiều ý kiến cho rằng đoạn video này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh một ứng cử viên Tổng thống Mỹ, nhất là khi kỳ bầu cử đang tới gần.

Ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Mitt Romney

Trung Quốc xét xử cánh tay phải của Bạc Hy Lai

Sáng nay, Tòa án thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã tiến hành phiên tòa xét xử công khai cựu Phó Thị trưởng, cựu Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân, với các cáo buộc nhận hối lộ và “bẻ cong” các quy định pháp luật nhằm đạt mục đích cá nhân.

Theo Tân Hoa xã, một ngày trước đó, Tòa án Thành Đô đã tiến hành phiên xét xử kín bị cáo Vương Lập Quân đối với hai tội danh khác là đào tẩu và lạm dụng chức vụ và quyền hạn. Các hãng tin AFP và AP dẫn lời luật sư của Vương Lập Quân nói rằng bị cáo Vương Lập Quân đối mặt với các tội danh đào tẩu, lạm quyền, nhận hối lộ và những cáo buộc liên quan tới bí mật quốc gia.

Đây được coi là sự kiện đáng chú ý nhất tại Trung Quốc khi nó liên quan đến 1 quan chức cấp cao, trong bối cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Trung quốc làn thứ 18 đang đến rất gần.

Cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân

Vượt ngục ở Mexico

Hơn 130 tù nhân tại một nhà tù ở bang Coahuila của Mexico vừa vượt ngục thông qua một đường hầm dẫn tới khu vực biên giới với Mỹ. Đây là một trong những vụ vượt ngục tồi tệ nhất mà hệ thống nhà tù của Mexico phải hứng chịu trong những năm gần đây. Chính quyền bang Côahuila Mexico đã treo giải thưởng 200 nghìn pêxô (15 nghìn 700 USD) cho những người cung cấp thông tin giúp bắt giữ những tù nhân này.

Bức tường rào phân cách biên giới Mexico-Mỹ - Ảnh: Reuters

Giá dầu đột ngột giảm mạnh

Một thông tin khác đáng chú ý trong ngày là giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đảo chiều giảm mạnh.

Diễn biến này diễn ra trước thông tin về việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ bơm dầu dự trữ chiến lược ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá xăng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11 tới. Giá dầu giảm mạnh đã kéo theo giá vàng đi xuống.

Trên sàn New York - Mỹ, giá vàng giao tháng 12 giảm 2,1 USD xuống còn 1.770 USD/ounce. Khối lượng giao dịch thấp hơn 40% so với trung bình 250 ngày qua.

Nguyệt Minh