Toàn cảnh thế giới 7 ngày qua

08:55 | 16/09/2012

1,228 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một tuần đầy biến động với các sự kiện quốc tế đáng chú ý vừa trôi qua...

Làn sóng tấn công phản đối bộ phim phản đối đạo Hồi tiếp tục gia tăng, cộng đồng quốc tế lo ngại

Sau vụ biểu tình quy mô lớn ở Ai cập, và tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Lybia khiến Đại sứ Mỹ tại Lybia - ông Stevens thiệt mạng, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim bị cho là có nội dung phỉ báng Nhà Tiên tri Mohammed tiếp tục lan rộng ở nhiều quốc gia. Tại thủ đô Khartoum của Sudan, ngày 14/9, khoảng 500 người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Anh và Đức đốt phá một phần các tòa nhà và gây thiệt hại nặng nề.

Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại thủ đô Amman của Jordan và khu vực ngoại ô thủ đô Tunis của Tunisia. Làn sóng biểu tình phản đối bộ phim tiếp tục lan sang các nước có nhiều người Hồi giáo sinh sống tại châu Á như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia.

Tại thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ, hàng trăm người biểu tình đã ném đá, đập phá cổng lãnh sự quán của Mỹ. Tại Bangladesh, khoảng 5.000 người Hồi giáo đã tuần hành khắp thủ đô Dhaka đốt cờ Mỹ và Israel, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ phải xét xử nhà làm phim nói trên. Tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, khoảng 200 người đã biểu tình hòa bình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Jakarta yêu cầu Mỹ trừng phạt những người làm phim. Những người biểu tình bày tỏ sẵn sàng được chết để bảo vệ danh dự cho Nhà Tiên tri Mohammed.

Cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về các cuộc biểu tình trên. Liên minh châu Âu (EU) đã cực lực phản đối các vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Đức và Anh ở Sudan. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso lên án những kẻ lợi dụng các cuộc biểu tình để phá hoại sự ổn định của các quốc gia,  đồng thời thúc giục giới lãnh đạo tại các nước Arập và cộng đồng người Hồi giáo thúc đẩy đối thoại để kêu gọi hòa bình và kiềm chế bạo lực ngay lập tức.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực tại Trung Đông và kêu gọi các tín đồ Hồi giáo kiềm chế các hành động bạo lực. Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei đã yêu cầu Mỹ trừng phạt những người đứng đằng sau bộ phim phỉ báng đạo Hồi trên. Lebanon, Arập Xêút cũng lên án bộ phim này và các vụ tấn công vào các phái bộ của Mỹ ở Trung Đông.

          Người Yemen đập phá Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sana'a trong cuộc biểu tình phản đối bộ phim Mỹ.

Căng thẳng Trung - Nhật chưa “hạ nhiệt”.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Trung quốc-Nhật bản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi sáng 14/9, 6 tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin Chính phủ Nhật Bản đã thành lập phòng đặc nhiệm tại Trung tâm Giải quyết khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng và lực lượng đặc nhiệm tại Cơ quan cảnh sát quốc gia để giải quyết vấn đề trên. Trong một động thái cứng rắn, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố Tokyo "sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể" để đảm bảo an ninh xung quanh quần đảo Nhật Bản khẳng định chủ quyền.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố sẽ quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Báo chí Nhật Bản cho biết chính phủ đã đạt được thỏa thuận TRỊ GIÁ 2,05 tỷ Yên với một gia đình người Nhật Bản về sở hữu phần lớn quần đảo này.

Trong động thái mới nhất, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông đã trình Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun văn bản của Chính phủ Trung Quốc xác định ranh giới quần đảo Điếu Ngư mà Bắc Kinh nhận chủ quyền. Theo điều 16 trong Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tất cả các quốc gia ven biển phải trình TTK LHQ bản đồ ranh giới vùng biển và quần đảo nhận chủ quyền, bao gồm các tọa độ địa lý xác định các ranh giới.

Tàu tuần duyên Nhật (trên) bám theo tàu hải giám 51 của Trung Quốc trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 14/9 - Ảnh: Reuters

Mỹ, Israel bất đồng về "giới hạn đỏ" đối với vấn đề hạt nhân Iran

Ngày 10/9 giới chức Mỹ đã đưa ra các phát biểu được cho là khước từ nỗ lực của Israel thuyết phục đặt ra "giới hạn đỏ" đối với Tehran. Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đặt ra "giới hạn đỏ rõ ràng" đối với Iran, cho rằng "Iran sẽ không chấm dứt chương trình hạt nhân nếu không thấy rõ quyết tâm của thế giới ngăn chặn chương trình đó".

Tuy nhiên, quan điểm của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng mọi giải pháp vẫn để ngỏ để thực hiện cam kết của Washington ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và Mỹ "cần tiếp tục xem xét kỹ vấn đề này".

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/9, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA thông qua nghị quyết về vấn đề hạt nhân Iran. Nghị quyết được thông qua với 31 phiếu thuận, đại diện của Cuba đã bỏ phiếu chống và có ba nước thành viên bỏ phiếu trắng, trong đó có Ai Cập sau cuộc họp kín tại trụ sở của IAEA ở thủ đô Vienna của Áo.

         

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp nội các ở Jerusalem hôm 9/9 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Obama nới rộng khoảng cách dẫn điểm trước đối thủ đảng Cộng hòa.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất tại Mỹ do Reuters/Ipsos tiến hành cho thấy đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nới rộng khoảng cách dẫn điểm với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà Mitt Romney lên tới 7 điểm. Đã có 48% tuyên bố bỏ phiếu cho tổng thống đương nhiệm Obama so với 41% chọn cựu Thống đốc Mitt Romney. Trong số các cử tri độc lập (không ủng hộ đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà), ông Romney được 35% số cử tri đánh giá là ứng cử viên có kế hoạch cụ thể hơn để giải quyết các vấn đề kinh tế của nước Mỹ, trong khi chỉ có 26% nhìn nhận tương tự về ông Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà Mitt Romney (ảnh: breitbart.com)

Cuộc khủng hoảng nợ công  tại Eurozone diễn biến tích cực

Cuộc khủng hoảng nợ ở các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), có chiều hướng thay đổi tích cực. Đây là kết luận của Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker đưa ra ngày sau hội nghị không chính thức của nhóm này tại thủ đô Nicosia của CH Síp ngày 14/9.

Ông Jean-Claude Juncker nhấn mạnh rằng mặc dù đang phải đối mặt với thời kỳ hết sức khó khăn, song đang có sự điều chỉnh kinh tế tại Eurozone theo chiều hướng tốt lên và có thể coi đây là tín hiệu tốt để tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Liên quan đến số phận của Hy Lạp, EU đã bác bỏ mọi kịch bản loại xứ sở "Thần thoại" ra khỏi Eurozone và bày tỏ tin tưởng rằng Athens sẽ có thể thực hiện được các cam kết về bình ổn tài chính. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Pháp thông báo Hy Lạp có thể sẽ được nới rộng thêm thời gian để thực thi chương trình "thắt lưng buộc bụng" như đã từng cam kết nhằm đổi lấy gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro từ các định chế tài chính quốc tế.

         

Khủng hoảng Eurozone ảnh hưởng thị trường chứng khoán Đông Á

ECCC hoãn phóng thích "Đệ nhất phu nhân" của Khơme Đỏ

Tòa án xét xử tội ác Khơme Đỏ tại Campuchia (ECCC) ngày 14/9 đã hoãn phóng thích Ieng Thirith, người được coi như "Đệ nhất phu nhân" trong chế độ Khơme Đỏ, sau khi các ủy viên công tố yêu cầu phải áp dụng các điều kiện đi kèm nếu phóng thích tên tội phạm diệt chủng này.

Các ủy viên công tố đề nghị 6 điều kiện kèm theo để phóng thích Ieng Thirith, trong đó yêu cầu nữ tù nhân này phải trình diện chính quyền hàng tuần và nộp lại hộ chiếu. Ieng Thirith, 80 tuổi, là em vợ Pol Pot, và là Bộ trưởng Các vấn đề xã hội của chế độ Khơme Đỏ, vốn bị cáo buộc đã thảm sát 2 triệu người dân Campuchia. Thị bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và các tội ác chống lại loài người.

                  

Gần 300 người thiệt mạng trong vụ cháy xưởng may ở Karachi, Pakistan

Đã có 289 người thiệt mạng và 65 công nhân bị thương trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy may mặc ở thành phố Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan, chiều 11/9.

Một nhân chứng thoát chết trong vụ hỏa hoạn cho biết vào thời điểm xảy ra vụ cháy có khoảng 1.500 công nhân đang làm việc trong tòa nhà 4 tầng này. Nguyên nhân hoả hoạn là do thiếu nguồn cung cấp điện nên nhiều nhà máy dệt thường sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng hoặc dầu diezen để phòng khi mất điện và đây có thể là nguyên nhân gây ra thảm họa kinh hoàng nói trên. Đây là vụ hỏa hoạn lớn nhất ở thành phố cảng Karachi trong nhiều thập kỷ qua.

          

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại Karachi  (ảnh: AFP)

Hàn Quốc- 8 năm liền giữ vị trí "quán quân" về tỷ lệ người tự tử trong khối OECD.

Một con số thống kê công bố tuần qua cho thấy năm 2010 cho thấy mỗi ngày Hàn Quốc có có khoảng 42,6 người tự tử, tức khoảng 15.566 người trong cả năm. Điều này có nghĩa cứ 100.000 người Hàn Quốc lại có 31,2 người tự tử, gấp 2,4 lần so với mức trung bình 12,8 người tại 32 nước thành viên OECD (Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế). Với những con số này, Hàn Quốc 8 năm liên tục giữ vị trí "quán quân" trong khối OECD về tỷ lệ người tự tử, bỏ xa nước thứ hai là Hungari với 23,3 người và Nhật Bản là 21,2 người.


Hồ Điệp