Thiện ác bất phân

06:54 | 29/08/2014

2,297 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria, còn tàn ác hơn Al-Qaeda, cực đoan hơn Taliban, đang buộc Mỹ phải bắt tay với những kẻ thù lịch sử là Iran và Syria

Năng lượng Mới số 352 + 353

Tổ chức Hồi giáo cực đoan, có nguồn gốc từ Nhà nước Hồi giáo Iraq (tuyên bố thành lập năm 2006) và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Ðông (vào năm 2013), rồi thành Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi cuối tháng 6-2014, hiện kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq.

Theo đánh giá của giới quân sự Mỹ, IS không phải một nhóm những chiến binh Hồi giáo ô hợp, mà thật sự là một lực lượng vũ trang chiến đấu chuyên nghiệp, có trật tự, tinh thần cao, tuy nhiên áp dụng những hình thức khủng bố rất tàn bạo. So với những nhóm chống đối mà Mỹ đã phải đương đầu trước đây ở Iraq như các nhóm nổi dậy Hồi giáo Sunni hay Shiite và cả Al-Qaeda, thì IS là một tổ chức chặt chẽ hơn nhiều. Họ có cơ sở tài chính, kế hoạch tuyển mộ, khả năng chiến đấu và chiến lược quân sự hẳn hoi tùy theo trong từng tình huống tại mặt trận.

Khi IS đánh chiếm nhiều thành phố ở miền Bắc Iraq đầu năm nay, Mỹ đã làm ngơ! Chỉ đến khi IS đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh của Washington trong khu vực, Mỹ mới buộc phải ra tay, mặc dù không muốn. Chủ trương của Tổng thống Obama từ nhiều năm qua là chỉ can thiệp khi mạng sống của các công dân Mỹ bị đe dọa. Ban đầu, Mỹ định chỉ giúp Chính phủ Iraq đánh quân IS ở nước họ vì lo an ninh của người Mỹ đang ở đó, chứ không đánh IS giúp Chính quyền Tổng thống Syria Al-Assad.

Nhưng từ đầu tháng 8-2014, Nghị sĩ John McCain đã thúc giục Chính phủ Mỹ phải tấn công quân IS tại Syria vì đây là một mối đe dọa cho chính nước Mỹ! Một cách cụ thể hơn: IS không chỉ đe dọa Iraq và Syria, chúng đe dọa cả vùng này. Nghĩa là nếu không tiêu diệt được các đạo quân IS, nền an ninh của Israel, Arập Xêút, Leban, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, các vương quốc Arập vùng vịnh, các đồng minh của Mỹ trong vùng đều bị đe dọa.

Thiện ác bất phân

Để tiêu diệt IS, Mỹ buộc phải bắt tay với Syria

Những mục tiêu mà Mỹ đã oanh kích trong 3 tuần lễ vừa qua bao gồm đủ loại nhưng đa số là xe chở chiến binh IS. Theo Lầu Năm Góc, ít nhất đã có 85 xe có vũ trang của IS bị hủy diệt. Ngoài ra là những mục tiêu không hoặc ít di động trong đó có trọng pháo, súng cối, súng phòng không. Hai phần ba những phi vụ oanh tạc ở vùng đập Mosul phiến quân đã đánh chiếm và sau đó phải rút lui khi bị Mỹ oanh tạc và quân đội Iraq cùng với dân quân Kurds phản công.

Nhưng để thực hiện quyết tâm diệt trừ lực lượng Nhà nước Hồi giáo, mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là một khối “ung thư”, Mỹ cần phải mở rộng sang tới Syria, đánh vào căn cứ địa của IS trong miền Ðông - Bắc Syria. Muốn làm được điều này, Mỹ phải hỏi ý kiến chính quyền Al-Assad. Cách nay một năm, phương Tây dồn dập chuẩn bị tấn công quân sự vào Syria nhằm trừng phạt chế độ của Tổng thống Bachar al Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học giết hại thường dân. Thế nhưng, vào giờ phút chót, Mỹ thay đổi thái độ. Từ lúc nhà báo James Foley bị hành quyết gây kinh hoàng tại phương Tây, sức ép ngày càng tăng lên Tổng thống Barack Obama để ông ra lệnh mở rộng chiến dịch oanh kích sang Syria, đánh vào Raqqa, nơi quân IS đặt tổng hành dinh.

Ngày 27-8, Mỹ bắt đầu các chuyến bay do thám trên không phận Syria để xác định các vị trí của các nhóm quân IS. Các hoạt động theo dõi này có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tấn công phe Hồi giáo cực đoan trong những ngày tới, tương tự như những gì diễn ra tại Iraq hồi đầu tháng 8. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Obama chưa có quyết định tiếp tục chiến dịch quân sự ở Syria nhưng chưa thể nói ông có được đề nghị về một kế hoạch như vậy hay không. Lầu Năm Góc đã sẵn sàng một loạt các kế hoạch và giải pháp để trình Tổng thống nếu cần. Tuy nhiên, theo nhận định của Greg Miller, một cộng tác viên quân sự của tờ Washington Post, thì việc bay thám sát trên lãnh thổ Syria có nhiều khó khăn vì cả hai phía - chính quyền và quân nổi dậy - đều xem đây là hành động do thám họ. Những máy bay không người lái kiểu Predators, Reapers hay cả loại bay cao như Global Hawk có thể dễ dàng bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không SA-22 Greyhound hoặc máy bay chiến đấu MiG-23 do Syria mua từ Nga.

Hôm 26-8, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cảnh báo Mỹ không được mở rộng chiến dịch không quân sang Syria và coi đó là một cuộc xâm lăng vào chủ quyền lãnh thổ của họ. Nhưng Syria đã bày tỏ dấu hiệu rõ ràng là họ sẵn sàng chấp thuận và hợp tác nếu như đó không phải là quyết định đơn phương của Washington chưa có sự đồng ý trước của Damascus. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem nói rằng, chống khủng bố phải được làm với sự hợp tác của chính quyền Syria “chứ không phải bằng sự vi phạm chủ quyền quốc gia khác”.

Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo loại trừ mọi hợp tác với chế độ Assad trong vấn đề này. Người phát ngôn Nhà Trắng, Josh Earnest, nói: “Không có bất cứ một dự án hợp tác nào với chế độ Damascus, vào thời điểm chúng ta đang phải đối đầu với đe dọa khủng bố”. Giới phân tích cho rằng, Mỹ đang tính toán các giải pháp an toàn. Nếu từng bước công khai hóa việc hợp tác với chính quyền Al-Assad qua các quyết định giải tỏa lệnh cấm vận, thậm chí yểm trợ vũ khí để cùng phối hợp việc tấn công tổ chức IS, Mỹ sẽ nói sao với các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và các vương quốc Hồi giáo trong vùng vịnh Arập?

Nếu không thể đi vào hướng toàn diện mà tráo trở ấy, Mỹ chỉ còn giải pháp tạm bợ, ít ra cho qua kỳ bầu cử, là hỗ trợ các lực lượng vũ trang của dân Kurds tại Syria y như lực lượng người Kurds tại Iraq. Lợi thế của giải pháp này là chứng tỏ rằng, chính quyền Obama đang làm cái gì đó tại Iraq và Syria. Có lẽ, Tổng thống Obama đang theo hướng ấy. Nhưng nếu quan tâm và muốn góp phần giải quyết “khối ung thư” IS, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ sẽ phải hợp tác với các chế độ mà trước giờ họ coi là thù địch. Quan niệm thiện và ác như hai thế đối lập chỉ có trong kinh sách, chứ thực tế lại rắc rối và bẽ bàng gấp bội.

S.Phương (tổng hợp)