Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Thỏa thuận Geneve phá sản

08:32 | 19/04/2014

2,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thỏa thuận giữa Nga, EU, Mỹ và Ukraina tại Geneve chưa kịp ráo mực đã xuất hiện những tín hiệu đổ vỡ.

Thỏa thuận Geneve phá sản

Binh sĩ Ukraina trước một nhà ga đường sắt ở Kramatorsk hôm 16/4

Thỏa thuận tạm thời này nói trước mắt phải giảm đối đầu bằng bạo lực giữa phe chính phủ Kiev và những người biểu tình thân Nga ở các tỉnh miền đông Ukraina.

Để làm được điều đó, hai phía phải tự kiềm chế. Phía chính phủ Kiev không được có những hành động đe dọa tới cộng đồng người nói tiếng Nga, còn những người biểu tình phải rút lui và trả lại các cơ quan công quyền mà họ chiếm giữ trong nhiều ngày qua.

Tuy nhiên, chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi đại diện của những thành phần liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraina ra về sau cuộc họp tại Geneve, Thụy Sĩ, quân đội chính phủ Ukraina và lực lượng biểu tình ở miền đông tiếp tục có những cuộc đối đầu.

Trước hết về phía chính phủ Kiev. Từ trưa ngày 17-4, chính phủ Ukraina ra thông báo cấm nam giới Nga từ 16 đến 60 tuổi nhập cảnh vào Ukraina. Trường hợp ngoại lệ chỉ dành cho những người đi dự tang lễ của người thân hoặc đi thăm bệnh nhân thập tử nhất sinh và phải xuất trình giấy chứng nhận tương ứng. Ukraina giải thích rằng phải làm điều đó để tránh hành động khiêu khích ở phía đông nam đất nước.

Động thái này cho thấy chính phủ Kiev không tin vào bản thỏa thuận và đương nhiên cũng gây nghi ngờ cho các đối tác khác như phe biểu tình hay Nga.

Cuối giờ chiều hôm qua, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina Andrei Deshchytsa tuyên bố Kiev hiện thời chưa có ý định đình chỉ chiến dịch “tiêu diệt khủng bố” ở miền đông Ukraina và cường độ của hoạt động này sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các thỏa thuận Geneve, trong đó có việc giải phóng các tòa nhà hành chính đã bị đánh chiếm và giao nộp vũ khí.

Ngày 17/4, hãng tin Interfax đưa tin lính nhảy dù của Ukraina đã xả súng vào một nhóm người biểu tình chặn đường ở Serhiyivka, vùng Donetsk. Chưa có báo cáo về số người thương vong.

Phương Tây không bình luận về những hành động trên của Kiev.

Chuyên gia chính trị Nga Sergei Markov nói: “Thỏa thuận Geneve tạo ra khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng Ukraina. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nó sẽ bị phá bỏ. Bởi vì hành động của chính quyền Kiev không gây ra sự tin tưởng. Một mặt, họ ký thỏa thuận giảm thiểu leo thang căng thẳng và giải giáp, nhưng mặt khác lại gửi quân đi và nói rằng sẽ không ngừng đàn áp dân chúng nổi dậy vũ trang ở phía Đông Nam đất nước. Hơn nữa, đồng thời với việc ký kết thỏa thuận quốc tế, ban lãnh đạo tạm quyền này lại cấm nam giới Nga đến Ukraina. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Về phía phe biểu tình thân Nga. Ngày 17-4, nhóm ly khai ủng hộ Nga ở Donetsk, miền đông Ukraina, nói sẽ không rời các tòa nhà công quyền ở đây. Alexander Gnezdilov, phát ngôn viên của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, nói với Reuters rằng họ chỉ rời khỏi tòa nhà chính phủ ở thành phố miền đông này khi chính quyền Kiev bất hợp pháp ra đi.

Một lãnh đạo biểu tình khác ở Donetsk nói các phần tử ly khai sẽ không rời đi nếu những người biểu tình ủng hộ châu Âu ở quảng trường Maidan, Kiev không gỡ bỏ lều trại trước.

Cả Nga và Mỹ đều nói rằng thỏa thuận ký trên giấy là một chuyện nhưng việc thực thi lại là chuyện khác, khó hơn nhiều. Phương Tây nói rằng nếu thỏa thuận này đổ vỡ họ sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Xem ra cuộc đối đầu Đông-Tây khó có thể được giải quyết một cách đơn giản bằng thỏa thuận Geneve hôm 17-4.

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc