Thủ tướng Ý nói gì về khủng hoảng nợ công?

21:40 | 10/09/2012

909 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong một tuyên bố đưa ra hôm 9/9, Thủ tướng Italia Mario Monti khẳng định, cuộc khủng hoảng hiện nay tại châu Âu không chỉ còn đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn đang làm lung lay các nền tảng của Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế EU đang suy thoái và nhiều nước từ chối thông qua một gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp, đây quả là một thông tin đáng buồn.

Thủ tướng Italia Mario Monti

Phát biểu tại Hội nghị “Gặp gỡ thế giới hàng năm vì hoà bình” diễn ra tại thủ đô Saraievo của Bosnia& Hesgovina, Thủ tướng Monti hối thúc các quốc gia châu Âu tăng cường gắn kết các giá trị thống nhất và đoàn kết, đồng thời thiết lập một nền tảng chung mà dường như đã bị đánh mất. Thủ tướng Italia Monti nhấn mạnh: “Thời kỳ mà chúng ta đang trải là thời kỳ của khủng hoảng. Và đó không chỉ là cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thuần tuý nữa. Đó là cuộc khủng hoảng sâu hơn nhiều so với điều chúng ta có thể mường tượng. Cuộc khủng hoảng này đang làm xói mòn các nền tảng của chủ nghĩa nhân văn mà dựa trên đó châu Âu được sinh ra và phát triển. Chúng ta cần quay trở lại với khoảnh khắc rất xa trong lịch sử, khi mà chúng ta chứng kiến tầm quan trọng của sự hợp nhất hơn là sự tan rã, sự hài hoà hơn là xung đột và sự khoan dung hơn là sự bất khoan dung”.

Ông Monti cũng đề xuất tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Italia trong thời gian tới nhằm thảo luận về ảnh hưởng của các biện pháp khắc khổ đối với sự hình thành của những phong trào chống châu Âu, sự chia rẽ giữa các khu vực miền Bắc và miền Nam cũng như những tư tưởng chủ nghĩa dân tộc đang lên.

Trong khi đó, về phía Hy Lạp, tâm điểm nợ công châu Âu, cuộc họp giữa Thủ tướng Antonis Samaras và các nhà lãnh đạo hai đảng trong liên minh cầm quyền Hy Lạp diễn ra hôm qua vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về gói biện pháp do chính phủ đề xuất. Lý do là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế chưa chấp nhận tất cả những đề xuất mà Hy Lạp đưa ra, đặc biệt là những đề xuất liên quan đến kế hoạch cắt giảm lương và phúc lợi xã hội. Phát biểu trước báo chí sau cuộc gặp, ông Evangelos Venizelos, lãnh đạo đảng Xã hội PASOK, cho biết: “Chúng tôi chưa hoàn tất được thỏa thuận vì nhóm Bộ ba gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế không đồng ý với các đề xuất. Vì thế, chúng tôi phải kiến nghị các biện pháp thay thế. Có một số vấn đề mà chúng tôi chưa tìm được tiếng nói chung như: phúc lợi cho những người tàn tật, việc cắt giảm lương….”

Trong vài ngày tới, Athens sẽ phải hoàn tất chương trình “thắt lưng buộc bụng” nhằm tiết kiệm 11 tỉ euro trong hai năm 2013-2014. Căn cứ vào thông báo của các kiểm toán viên, các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ quyết định là liệu có tiếp tục giải ngân thêm cho Hy Lạp hay không. Trong khi đó, hiện nay, nếu không có gói cứu trợ trị giá hơn 40 tỉ euro này thì Hy Lạp sẽ bị phá sản và phải rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Một thành viên "bộ ba" xác nhận các nhà kiểm toán EU và IMF đã làm việc suốt ngày đêm nhằm xác định Hy Lạp đã thực hiện đủ các cam kết để được giải ngân phần cứu trợ 31,5 tỉ euro (39,9 tỉ USD), trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro, vào mùa Thu tới hay không. Quan chức này cũng cho biết Aten đang đề nghị các chủ nợ tạo môi trường thuận lợi hơn với lý do quyết định cắt giảm chi tiêu quá mạnh và quá nhanh sẽ khiến kinh tế Hy Lạp chìm vào suy thoái sâu hơn. Các đại diện "bộ ba" sẽ ở lại Hy Lạp thêm một thời gian và sẽ có cuộc đàm phán với Thủ tướng nước này Antonis Samaras trong ngày hôm nay 10/9.

Theo kết quả cuộc thăm dò đăng trên nhật báo El Pais, của Tây Ban Nha, tranh cãi vẫn đang tiếp diễn tại khu vực đồng euro. Một số nhà kinh tế cho rằng, việc từ bỏ đồng tiền chung có thể giúp các quốc gia mắc nợ thúc đẩy tính cạnh tranh, các nước mắc nợ sớm sẽ trả được nợ. Một số nhà phân tích khác lại cảnh báo, việc từ bỏ đồng euro có thể phải trả giá đắt khi quyết định này gây ra sự sụp đổ trong hệ thống ngân hàng và lạm phát gia tăng lên mức không thể kiểm soát.

Nguyệt Minh