Xung quanh việc Iran cảnh báo Thế chiến thứ ba nếu bị tấn công:

Thực chất vấn đề Israel và Iran đang ở đâu?

08:22 | 01/10/2012

2,676 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc Iran cảnh báo nguy cơ về một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba nếu bị Israel tấn công đang trở thành điểm nóng trong những ngày qua. Nhưng lâu nay hai bên vẫn thường xuyên đe dọa chiến tranh, vậy thì thực chất đằng sau những hăm dọa của hai bên là gì?

Lời đồn chiến tranh

Diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc đấu khẩu giữa Iran và Israel là việc Tehran ngày 23/9, tuyên bố Iran sẽ không khơi mào bất cứ cuộc chiến nào nhưng có thể ra đòn phủ đầu nếu biết chắc rằng, các kẻ thù đang chuẩn bị tấn công mình. Đó là tuyên bố của Thiếu tướng Amir Ali Hajizadeh, Chỉ huy Lực lượng tên lửa thuộc Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), trên mạng truyền hình Al-Alam. Ông Hajizadeh còn cảnh báo bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Iran sẽ khiến tình hình vượt tầm kiểm soát và nhiều khả năng dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Thực ra thì chỉ trong vòng vài tháng qua, 3 vòng đám phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và phương Tây đều thất bại, chưa kể vô số vòng đàm phán trước đó cũng chả đi đến đâu. Và cứ mỗi sau vòng, hai bên lại “đấu võ mồm” một thời gian, căng lên là giờ nắm đấm (dàn quân dọa nhau, cấm vận đủ kiểu…), nhưng rồi chuyện lại đâu vào đó. Nhưng xem ra lần này có khi có chiến tranh thật. Chuyện này bắt nguồn từ một tin đồn về chiến dịch tấn công Iran của Israel mang tên “Thác lũ”.

Chỉ huy Lực lượng tên lửa thuộc Vệ binh cách mạng Iran, Amir Ali Hajizadeh, tuyên bố thế giới sẽ phải hứng chịu một cuộc chiến thứ ba nếu nước này bị Israel tấn công

Chính quyền Israel sẽ tấn công Iran trước khi có bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6/11 tới đây? Tin đồn về một chiến dịch có tên là “Operation Cascade” (Thác lũ) đã xuất hiện từ đầu tháng này và càng dồn dập trong tuần qua khiến cổ phiếu và đồng bạc shekel của Israel tụt giá mạnh và giá dầu thô lại bắt đầu tăng.

Từ ba tháng nay, hầu như mỗi tháng lại có một đợt tin đồn như vậy. Nhưng lần này thì chuyện đồn đại có vẻ xác thực hơn khi người dân Do Thái tại Israel đã được phân phát mặt nạ chống hơi độc, như một biện pháp phòng thủ dân sự trước khi có chiến tranh, hoặc trước khi lãnh thổ bị Iran trả đũa.

Trước hết, xin nói về khung cảnh của cục diện chung rồi về tin đồn. Iran đã tăng cường sản xuất tên lửa tầm xa, được cải tiến với khả năng tấn công ngày càng rộng hơn và bao phủ lãnh thổ Israel. Và mới nhất là ngày 24/9, Tehran đã công bố bước tiến mới nhất trong công nghệ quân sự của mình khi trưng ra các máy bay do thám không người lái và các tên lửa mới đã qua thử nghiệm. Từ nhiều năm nay, Iran bị cho là xúc tiến việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Nếu tên lửa của Iran lại có đầu đạn hạt nhân, có sức công phá mạnh hơn nguyên tử, thì Israel lâm nguy.

Người Do Thái đánh giá rất cao mối nguy đó vì lãnh đạo Iran công khai nói đến nhu cầu đẩy dân Do Thái ra biển và xóa bản đồ Israel trong khu vực Trung Ðông. Israel trông chờ quốc tế, nhất là Mỹ, phải có biện pháp trừng phạt để can gián lãnh đạo Tehran. Nếu không, họ phải tự phòng thân.

Cho đến nay, vẫn Iran nói rằng họ chỉ muốn có năng lượng hạt nhân cho nhu cầu dân sự, nhưng việc thụ đắc vũ khí hạt nhân là quyền của họ. Thực tế thì họ bị thiệt hại một phần vì quyết định phong tỏa của Mỹ cùng các nước châu Âu và đành trông chờ vào sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác. Nhưng Israel vẫn e ngại là Iran chưa từ bỏ ý định này và muốn các nước phải tăng cường lệnh cấm vận, đặc biệt là muốn Mỹ phải có thái độ quyết liệt hơn.

Bây giờ đến chuyện tin đồn. Hôm 1/8, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Leon Panetta thăm Israel và gặp người đồng cấp Israel, Ehud Barak. Dịp này, ông Panetta nói rằng “gần hết kỳ hạn cho một giải pháp ôn hòa về kế hoạch hạt nhân của Iran”. Nếu hết khả năng ngoại giao thì liệu người ta có nghĩ đến giải pháp quân sự không? Ai sẽ tiến hành giải pháp đó? Mỹ hay Israel, hay cả hai? Giữa khung cảnh hồi hộp ấy, ngày 10/8, tờ Haasetz của Israel tiết lộ rằng Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Barak đang lên khung kế hoạch tấn công các căn cứ hạt nhân của Iran trước ngày bầu cử tại Mỹ (ngày 6/11/2012).

Xưa nay, lãnh đạo Isarel không che giấu ý định và khả năng đồng loạt tấn công các căn cứ quân sự và hạt nhân của Iran, như họ đã làm với Iraq năm 1981 và với Syria năm 2007. Từ ba tháng qua, mỗi tháng người ta lại thấy báo chí tiết lộ loại tin đồn như vậy. Khác với các lần trước, có thể do nhu cầu tác động vào các nước để gây thêm sức ép cho Iran, lần này, hình như sự thể lần này lại đặc biệt nghiêm trọng. Nhất là khi dư luận dân Do Thái cũng xoay chiều: thành phần phản đối việc tấn công đã giảm mạnh kể từ tháng 3 đến nay.

Nhưng vì sao trước bầu cử Mỹ? Chính quyền Barack Obama có thấy ra vấn đề Iran đối với cục diện tại Iraq khi Mỹ cần triệt thoái. Nói chung, với Mỹ thì Iran có liên hệ đến toàn khu vực từ Trung Ðông qua tới Afghanistan. Nhưng ông Obama vẫn phải tiếp tục chính sách cũ của chính quyền George W. Bush. Ðó là gây áp lực để lãnh đạo Tehran phải đàm phán nhằm giúp nước Mỹ khỏi phải dùng biện pháp quân sự.

Ưu tiên của Mỹ là rút khỏi Iraq và Afghanistan chứ không phải là bảo vệ Israel bằng mọi giá. Bên cạnh đó, ông Obama còn muốn gây sức ép với Israel về nhiều vấn đề khác, như chuyện hòa giải với dân Palestine trong vùng kiểm soát của Israel, hay việc định cư người Do Thái trong khu vực sinh hoạt của dân Palestine. Mục đích là để lấy lòng dân Hồi giáo và chứng minh tinh thần hiếu hòa của mình. Vì vậy, quan hệ giữa hai chính quyền Israel và Mỹ đã có lúc căng thẳng và Thủ tướng Netanyahu không che giấu sự thất vọng của mình về Tổng thống Obama.

Trở lại chuyện tin đồn, giới quan sát cho rằng nếu có phải tấn công Iran trong tinh thần phòng thủ tích cực trước khi nước này có được vũ khí tuyệt đối thì lúc thuận tiện nhất là sau lễ Lao động Mỹ và trước kỳ bầu cử. Lý do thì có rất nhiều. Mỹ ở vào lúc bất định vì lãnh đạo và dân chúng đang chú ý vào cuộc bầu cử nên khó có phản ứng khi Israel ra tay. Sau bầu cử và đến ngày nhậm chức Tổng thống (luôn là 20/1), cả Hành pháp và Lập pháp Mỹ đều bận việc chuyển giao quyền lực. Chính quyền mới sẽ mất vài tháng thành lập Nội các và bị đặt trước “sự đã rồi”, nên sẽ đành chấp nhận.

Nếu chiến tranh xảy ra…

Trước khi bàn đến việc này có một vấn đề đáng phải chú ý là chính sách mà Israel thực thi đối với Iran có dựa trên tính toán chiến lược xác thực và ý thức về một cuộc chiến tranh thực sự hay đơn thuần chỉ là sự đe dọa mà Chính quyền Netanyahu sử dụng như là một phương thức để đạt được những mục tiêu nhất định? Vậy trong trường hợp để đạt được những mục đích nhất định thì mục tiêu chính của việc đe dọa là gì? Phải chăng vấn đề hạt nhân của Iran là mối quan ngại đối với Israel và là nguyên nhân khiến Israel phải nỗ lực để thực hiện những thay đổi chiến lược trong khu vực hay đơn thuần chỉ là Israel muốn sử dụng sự việc này để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Theo quan điểm của giới phân tích, có thể nhìn nhận vấn đề này dưới năm khía cạnh.

Lời đồn về một cuộc chiến của Israel nhằm vào Iran đang lan rộng

Thứ nhất, đánh giá về tiềm năng quân sự của Israel và Iran. Liệu Iran có đủ khả năng kháng cự lại Israel nếu bị tấn công và nếu có thì ở mức độ nào. Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích quân sự phương Tây thì hành động của Israel là rất phi lý. Giả sử Iran sở hữu vũ khí, tên lửa, vũ khí hủy diệt tiềm tàng và một vành đai an ninh bao vây Israel thì bất kỳ hành vi mạo hiểm nào chống lại Iran cũng là sự tự sát đối với chính Israel. Israel không thể hành động trên cơ sở “tuột dốc không phanh” và không thể thành công ngay khi tấn công quân sự mà không vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Iran. Đồng thời, từ khi giới chức Israel đề cập công khai về khả năng chiến tranh thì vấn đề càng trở nên trầm trọng xét từ góc độ luật pháp quốc tế, chính trị và ngoại giao. Kết quả là, Iran sẽ được công khai thực hiện các hành vi đáp trả đối với hành động tấn công từ phía Israel. Mặt khác, nếu cuộc chiến xảy ra cũng làm thay đổi sự tương tác của Iran đối với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Bởi vậy, khả năng có thể đáp trả là vấn đề chính của cuộc chiến này. Điều này có nghĩa Iran sẽ không bao giờ để Israel thực hiện bất kỳ hành động quân sự hay thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu của mình.

Thứ hai, hậu quả và kết quả của một cuộc chiến tranh như vậy có nguy cơ sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và trở thành điểm bất ổn đối với khu vực. Sự đáp trả của Iran đối với Israel chắc chắn sẽ không đơn thuần mà sẽ bao gồm một loạt các phản ứng khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực. Các hành động khiêu khích và mạo hiểm của Chính quyền Benjamin Nentanyahu sẽ khiến họ phải trả một cái giá rất đắt ở khu vực và gây nên hiệu ứng thay đổi tương xứng từ “đe dọa đổi lấy bị đe dọa” thành “tấn công đổi lấy bị tấn công”. Và nếu như vậy theo chính tuyên bố của giới chức Israel, Tel-Aviv sẽ là tâm điểm bị chỉ trích vì để xảy ra tình trạng này.

Thứ ba, cuộc chiến sẽ tác động nhanh chóng đến giá năng lượng trên thị trường thế giới và đây là điều chẳng tốt lành đối với các nước châu Âu và Mỹ. Nước Mỹ đang sôi sục với chiến dịch bầu cử tổng thống cùng lúc với giá nhiên liệu tăng mạnh. Khi giá nhiên liệu tăng có thể sẽ tác động tiêu cực đến vị trí của đương kim Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử sắp tới. Đây là lý do tại sao chính phủ Israel đang nỗ lực để tạo dựng trong chính sách của Washington có vị trí của mình.

Kế đến, liệu Tel-Aviv có đủ khả năng đạt được mục đích của mình thông qua cuộc tấn công này và áp đặt ý chí của mình lên Iran. Vấn đề này cần được đánh giá gắn với cuộc chiến kích động chống Iran. Nếu Chính phủ Israel chỉ muốn thay đổi sức mạnh răn đe của Iran thông qua thổi phồng mối đe dọa và khuyếch trương trên truyền thông thì đó quả là một chiến lược sai lầm. Theo đánh giá của giới phân tích, hành động tấn công của Israel không chỉ thất bại trong làm giảm tiềm lực quân sự của Iran mà ngược lại sẽ càng củng cố thêm cho Iran những lý lẽ mạnh mẽ để thiết lập những mục tiêu mới. Vì vậy, chính Israel và đồng minh của mình mới là những người bị đổ lỗi vì đã khiến Iran phải thiết lập những mục tiêu mới và thay đổi mức độ can dự của mình.

Cuối cùng, liệu nội bộ Israel đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công như vậy. Sự ủng hộ của người dân luôn là nhân tố chính cần phải chú ý khi quyết định thực hiện các động thái quân sự mới. Những bằng chứng trên mạng, trong nội bộ Israel, thậm chí cả trong giới an ninh và chính trị chứng tỏ rõ ràng rằng người dân Israel muốn kiểm soát hành vi của chính phủ Netanyahu. Ông Netanyahu không có nhiều chỗ đứng trong lòng dân chúng cũng như các đảng phái chính trị Israel. Vì vậy, để tiếp tục nắm giữ quyền lực của mình, ông đã phải viện đến các giáo sĩ Do Thái là thành viên của đảng cực đoan chính thống giáo Shas. Kết quả là, theo đánh giá của các đảng phái chính trị Israel cũng như dư luận trong dân chúng thì mối quan tâm chính của người dân Do Thái không phải là sự tồn tại của Israel mà chính là sự tiếp tục nắm giữ quyền lực của Chính quyền cực đoan Netanyahu. Chính phủ Mỹ ý thức được rằng quan điểm tấn công Iran của Tổng thống Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak chỉ chiếm thiểu số trong nội các Israel.

Tóm lại, nếu Israel thực sự quyết định tấn công Iran thì đây chính là hành động tự sát chính trị đối với Chính quyền Netanyahu. Mặt khác, có một khoảng cách giữa Mỹ và Israel trong nắm bắt tình hình khu vực và khoảng cách này ngày càng tăng lên. Để kiểm soát sự mạo hiểm của Israel, Mỹ cần thực thi các biện pháp thiết thực khi mà Chính quyền Netanyahu đã vì quá tự ái mà bỏ ngoài tai mọi lời khuyên.

H. Phan - S. Phương

(Năng lượng Mới số 159, ra thứ Sáu ngày 25/9/2012)