Trung Quốc gia tăng chống tham nhũng: Già néo đứt dây?

Những số phận khác nhau (Kỳ II)

07:05 | 31/10/2014

1,636 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15-9, Uỷ ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương thông báo, ông Tôn Triệu Học, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đang bị điều tra do vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Trước đó (14-9), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Thông tin thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, ông Đổng Học Cương đã nhảy lầu tự sát tại khu nhà ở của mình. Tối 8-9, nguyên Chủ tịch Chính hiệp thành phố Hohhot, khu tự trị Nội Mông Trương Bành Tuệ được phát hiện đã tự sát bằng hình thức cắt cổ tay tại nơi làm việc.

Ngày 4-9, Viện Kiểm sát Nhân dân Khu tự trị Nội Mông đã ra quyết định, lập án điều tra đối với nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng thành phố Hohhot, ông Thang Ái Quân vì nhận hối lộ. Cũng trong ngày 4-9-2013, nhiều tờ báo của người Hoa hải ngoại đưa tin, Thiếu tướng Khương Trung Hoa, Cục trưởng Cục Trang bị thuộc Hạm đội Nam Hải đã nhảy lầu tự vẫn (tại khách sạn East Joy Kelly trên đường Giải Phóng, khu Định Hải, thành phố Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang). Khương Trung Hoa từng giữ chức Tư lệnh căn cứ hậu cần Du Lâm.

Những số phận khác nhau (Kỳ II)

Ông Tập Cận Bình

Ngày 2-9, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm Vương Nho Lâm đã thay ông Viên Thuần Thanh làm Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây. Mặc dù ông Viên Thuần Thanh không vướng vào cáo buộc tham nhũng, nhưng do cấp dưới phạm tội nên lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Theo giới truyền thông, từ vụ trộm tại nhà Chủ tịch công ty mỏ quốc doanh tỉnh Sơn Tây, một số quan chức của tỉnh này đã bị cách chức như Phó bí thư Kim Đạo Minh.

Ngày 28-8, Ban Tổ chức trung ương thông báo, tước bỏ mọi chức vụ đối với ông Trần Xuyên Bình, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây và Nhiếp Xuân Ngọc, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Tây do bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật đảng. 

Ngày 22-8, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định điều tra đối với nguyên Phó Chánh văn phòng tỉnh Hồ Nam Lưu Nhạc Huy do liên quan đến hành vi nhận hối lộ. 3 quan chức tỉnh Hắc Long Giang là Vương Quân, nguyên cố vấn chính trị của thành phố Tuy Hóa, Lý Quốc Quân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỹ thuật cơ khí nông nghiệp và Trương Hậu, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng quốc doanh Hắc Long Giang cũng bị cáo buộc nhận hối lộ. Phó chủ tịch chính hiệp tỉnh Liêu Ninh Trần Thiết Tân được coi là “con hổ” thứ 19 bị điều tra về những cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, kể từ khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”.

Ngày 6-8, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương đã thẩm tra nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Thiểm Tây Chúc Tác Lợi vì bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để trục lợi và trực tiếp hoặc thông qua con cái nhận hối lộ. Trước đó, Tân Hoa xã đưa tin, ông Tô Vinh, Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc khoá 12 đã bị đình chỉ chức vụ và bị điều tra do có những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. 

Trước khi được bầu là Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc (tháng 3-2013), ông Tô Vinh từng là Phó hiệu trưởng trường Đảng Trung ương, Bí thư tỉnh uỷ các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc và  Giang Tây. Cùng ngày 6-8, cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Thẩm Bồi Bình cũng bị cách chức và khai trừ khỏi đảng vì đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ lớn và thông dâm. Trước đó (5-8), Tòa án Nhân dân Tối cao thông báo, ông Diêu Mộc Căn, cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây, là đối tượng liên quan tới cáo buộc nhận hối lộ.

Ngày 17-8, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật tỉnh Hà Nam cho biết, nguyên Thư ký trưởng Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam Liên Tử Hằng và Bí thư Ủy ban Chính pháp kiêm Giám đốc Công an thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam Mạnh Cương đang bị điều tra do các cáo buộc liên quan đến vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Gần 1 tháng trước (20-7), Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật trung ương tuyên bố điều tra đối với Phó chủ tịch Chính hiệp thành phố Thiên Tân, Giám đốc Công an thành phố Thiên Tân Ngô Xương Thuận vì vi phạm "kỷ luật và luật pháp nghiêm trọng". Ngô Xương Thuận bị nghi có liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng của ông Tống Bình Thuận, nguyên Chủ tịch Chính hiệp thành phố Thiên Tân, người tự tử năm 2007 sau khi bị điều tra tham nhũng.

3 tháng trước (30-7), Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương thông báo quyết định cách chức ông Đàm Lực, Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam. Ngày 12-7, Ban Tổ chức trung ương đã cách chức Bí thư Thành ủy Côn Minh, ủy viên thường vụ tỉnh ủy Vân Nam của ông Trương Điền Hân. Trước đó (9-6), ông Từ Mẫn Kiệt, Phó tổng giám đốc Công ty vận tải Viễn dương Trung Quốc (được bổ nhiệm tháng 2-2011) bị điều tra với cáo buộc lợi dụng chức vụ, vi phạm quy định về các khoản tiêu dùng cá nhân. Ngày 6-6, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên đã quyết định điều tra đối với ông Văn Gia Bích, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội chữ thập Đỏ của tỉnh Tứ Xuyên do liên quan đến nhận hối lộ và tham nhũng.

Những số phận khác nhau (Kỳ II)

Cựu phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam, ông Đàm Lực

Hơn 1 năm trước (3-9-2013), Tân Hoa xã đưa tin, ông Tưởng Khiết Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban quản lý, giám sát tài sản nhà nước (được bổ nhiệm tháng 3-2013) bị sa thải do bị tình nghi tham nhũng. Ông Tưởng Khiết Mẫn là Ủy viên trung ương khoá 18 đầu tiên bị điều tra. Theo giới truyền thông Hongkong và Đài Loan, sự thăng tiến của ông Tưởng Khiết Mẫn là nhờ vào việc bảo trợ của nguyên Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người từng là Tổng giám đốc CNPC.

Ngày 26-8-2013, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Trung Quốc kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH mỏ dầu Đại Khánh Vương Vĩnh Xuân bị điều tra. Cách đây hơn 5 năm (15-7-2009), nguyên Chủ tịch Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc Trần Đồng Hải bị Tòa án Nhân dân số 2 thành phố Bắc Kinh tuyên án tử hình, cho hoãn thi hành án 2 năm vì phạm tội nhận hối lộ với tổng số tiền lên tới 195,7 triệu NDT (khoảng 28,8 triệu USD).

 

Những số phận khác nhau (Kỳ II)

Ông Tưởng Khiết Mẫn.

Dư luận cho rằng, thông qua chiến dịch “đả hổ, đập ruồi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ trung ương Tập Cận Bình đã đạt được mục tiêu chủ chốt trong chiến dịch chống tham nhũng, đó là tăng cường uy tín cá nhân và giành được sự ủng hộ của công chúng. Bên cạnh đó, nhiều quan tham “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng đã tạo cơ hội để cải tổ đội ngũ lãnh đạo các cấp. Kể từ khi ông Tập Cận Bình tuyên bố đấu tranh chống tham nhũng, chính quyền các cấp đã cách chức và xét xử nhiều quan chức.

 

Tuấn Quỳnh