Sức mạnh quân sự Nga bị đe dọa?

07:00 | 23/12/2014

27,066 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự trữ quốc gia của Nga đã giảm từ hơn 509 tỉ USD vào đầu năm nay xuống còn khoảng 416 tỉ USD bởi đồng rúp mất giá và giá dầu thế giới liên tục giảm. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng kế hoạch 10 năm hiện đại hóa quân đội của Tổng thống Vladimir Putin, được thiết kế với ngân sách khổng lồ 600-700 tỉ USD trong 10 năm (thời hạn cuối là năm 2020), với mục tiêu thay đổi 70% thiết bị quân sự.

Năng lượng Mới số385

Kế hoạch 10 năm

Giữa tháng 10/2014, Viện Duma đã bàn việc cắt giảm ngân sách quốc phòng lần đầu tiên kể từ năm 1998, bởi giá dầu hạ (Financial Times 15/10/2014), trong khi tình hình thời điểm đó còn chưa tệ như hiện tại. Hôm thứ Sáu ngày 12/12, Quốc hội Mỹ đã khiến tình hình càng xấu hơn bằng việc thông qua “Đạo luật tự do Ukraine 2014” với nội dung không chỉ cho phép Chính phủ Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine mà còn cấm vận Rosoboronexport, công ty nhà nước Nga phụ trách xuất khẩu vũ khí.

Chấn chỉnh và hiện đại hóa quân đội là một trong những mục tiêu lớn nhất của Putin. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Nga chi 3,3-4,1% GDP mỗi năm cho quốc phòng kể khi Putin lên nắm quyền năm 2000. Năm 2013, Nga tăng chi tiêu quốc phòng 4,8%, lên gần 88 tỉ USD, lần đầu tiên nhiều hơn Mỹ kể từ 2003, xét về tỷ trọng GDP. Đầu năm nay, ngân sách quốc phòng dự kiến, thậm chí tăng 18,4% (Jane’s Defence 3/4/2014).

Tuần dương hạm hạng nặng chạy hạt nhân Pyotr Velikiy

Một trong những mục tiêu của kế hoạch 10 năm là dành nửa ngân sách cho việc đóng mới tàu chiến. Nếu suôn sẻ, quân đội Nga năm 2020 là quân đội có khả năng tác chiến thường trực, được hỗ trợ với 2.300 xe tăng còn thơm mùi sơn, khoảng 1.200 trực thăng và máy bay, 50 tàu chiến bóc tem, 28 tàu ngầm cáu cạnh, 100 vệ tinh mới hoàn toàn (National Interest 12/11/2014).

Chỉ trong 18 tháng tính đến 11/2014, Nga đã thực hiện các cuộc tập trận với quy mô chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh. Và ngoài việc chi 89 tỉ USD cho chương trình chấn chỉnh công nghiệp quốc phòng, Nga còn đặt mua 2 tàu chiến Mistral của Pháp với giá 1,6 tỉ USD; và hợp tác Hãng Đức Rheinmetall Denfence xây trung tâm huấn luyện Mulino 132 triệu USD gần Nizhny Novgorod trên bờ Volga. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu cho biết: Lần đầu tiên, cơ số đạn cho pháo binh và xe tăng tập trận được phép tăng! “Quân đội các nước bắn 160 viên/năm/đội. Chúng tôi sẽ tăng ít nhất 5 lần” (Washington Post 10/3/2014).

Quân đội Nga, theo Newsweek (12/12/2014), có cơ số đông hơn các nước Trung Á và Đông Âu. Có Hiệp ước quân sự với Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và  Tajikistan (thông qua “Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể” thành lập năm 1992), quân đội Nga cũng đóng quân tại một số nước khu vực: Armenia (3.200 quân), khu vực Abkhazia và South Ossetia thuộc Georgia (7.000), vùng tự trị Transnistria thuộc Moldova (1.500), Kyrgyzstan (500) và Tajikistan (5.000). Quân đoàn Không quân Nga, với 35.000 người và tư lệnh trưởng phải báo cáo trực tiếp với Putin, được xem là lực lượng phản ứng nhanh tinh nhuệ.

Ngoài ra còn có Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt, cũng làm việc trực tiếp với Putin, được thành lập năm 2013 với nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ Nga. Về vũ khí hạt nhân, kho hạt nhân Nga gần như tương đương Mỹ. Moskva có khoảng 1.500 đầu đạn chiến lược được lắp trên các tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và oanh tạc cơ hạng nặng. Nga được tin là đang sở hữu khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược. 

Những hạn chế

Năm 2013, Nga bắt đầu thử nghiệm xe tăng mới Armata với kế hoạch mua hơn 2.000 chiếc trong một thập niên tới. National Interest (21/11/2014) cho biết, việc sản xuất Armata dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2015 với khoảng hơn 20 chiếc sẽ tham gia duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Moskva vào tháng 5.

Được sản xuất bởi Tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ), Armata có nhiều phiên bản (xe tăng, xe thiết giáp cho bộ binh, xe chở bộ binh), thay thế toàn bộ các đời xe tăng cũ T-64, T-72, T-80 vào năm 2030… Chiến đấu cơ Su-35 cũng đã đưa vào sử dụng. Các con tàu chiến cũ đang được nâng cấp. Reuters (27/2/2014) cho biết, Nga hiện có một hàng không mẫu hạm, 5 tuần dương hạm, 18 khu trục hạm, 7 khinh hạm, 82 tàu chiến cận bờ cùng 64 tàu ngầm trong đó có 11 chiếc trang bị tên lửa đạn đạo. Không quân Nga có khoảng 1.400 máy bay.

Việc hiện đại hóa quân đội trở thành nỗi bức xúc thường trực của Putin kể từ cuộc chiến Georgia vào tháng 8-2008. Cuộc chiến kéo dài chỉ 5 ngày nhưng đã làm lộ ra một quân đội Nga suy yếu gần như toàn diện, từ hệ thống điều khiển chỉ huy, phần cứng thiết bị quân sự, vũ khí đến tình báo. “Cuộc chiến Georgia được xem là cuộc chiến cuối cùng của thế kỷ XX đối với quân đội Nga; hiểu theo nghĩa họ dùng kỹ thuật và thiết bị của thế kỷ trước” - bình luận của Roger N. McDermott, chuyên gia quân sự thuộc Tổ chức Jamestown vào năm 2009 (National Interest, nđd).

Công nghiệp quốc phòng Nga vẫn chưa thoát khỏi cung cách làm việc bao cấp và quan liêu. Các sự cố thiết kế, khiến đơn hàng 37 chiếc Su-35 vốn bị hoãn 2 năm, nay vẫn chưa được khắc phục cho đến sau năm 2016. Loạt sự cố tên lửa (đặc biệt tên lửa đạn đạo Bulava phóng từ tàu ngầm) đã khiến việc hoàn thành tàu chiến thế hệ mới bị gián đoạn. Không quân Nga được đánh giá chưa đủ mạnh, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Hãng Sukhoi đang nghiên cứu nhiều thế hệ máy bay chiến đấu mới, trong đó có chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 T-50 nhưng việc sản xuất ì ạch và hầu hết máy bay hiện tại đều có tuổi từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Không phải tự nhiên mà Nga mua hàng nước ngoài, như trường hợp 2 chiếc Mistral của Pháp (vẫn chưa giao và bị ách do luật cấm vận). Chính sách cấm vận thật sự đang gây ảnh hưởng nặng đối với kế hoạch hiện đại hóa quân đội 10 năm của Putin. Mới đây, Hãng Pháp Thales Alenia Space đã hoãn thương vụ chế tạo vệ tinh quân sự cho Nga (Reuters 9/12/2014). Cần biết, Thales Alenia quan hệ với Nga từ năm 1994 khi họ tham gia chương trình nâng cấp hệ thống điện tử hàng không cho chiến đấu cơ Su-27 (ngoài ra, còn loạt hợp tác trong dự án chế tạo trực thăng Ka-52; máy bay huấn luyện MiG-AT; chiến đấu cơ Su-30, xe tăng T-90; máy bay thương mại Sukhoi Superjet 100 - theo Jane’s Defence Weekly trong bài báo tháng 7/2014). Tháng 1/2014, Thales Alenia cho biết họ chế tạo một vệ tinh Yamal-601 cho Hãng Gazprom Space System của Nga (gồm vệ tinh và trạm mặt đất). Thương vụ này bây giờ phải bị ngừng.

Nhân sự là một vấn đề nữa. Theo kế hoạch 10 năm hiện đại hóa, quân đội Nga (lục quân, hải quân và không quân) phải đạt tổng cộng 1 triệu quân vào năm 2013 nhưng theo khảo sát của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển công bố tháng 12/2013 thì con số trên chưa đến 800.000. Vấn đề ở chỗ phát triển dân số Nga đang bị chậm.

Theo Viện An ninh quốc tế Đức (SWP), số nam giới 18 tuổi sẽ giảm từ 1,1 triệu người năm 2007 xuống còn 630.000 năm 2017! Và hậu cần luôn là vấn đề lớn đối với quân đội Nga, bởi tất cả đều lệ thuộc vào một tập đoàn nhà nước có tên Oboronservis, nơi nổi tiếng biển thủ, tham nhũng và làm việc thiếu trách nhiệm. Chính điều đó đã dẫn đến việc phế truất ghế Bộ trưởng Quốc phòng của Anatoly Serdyukov vào tháng 11/2012, người từng là Chủ tịch Oboronservis (Washington Post 10/3/2014).

Su-35 và F-35

Cả hai đều mang số “35” nhưng “35” - Nga so với “35” - Mỹ, chiếc nào lợi hại hơn? Được mang ra trình làng lần đầu tiên tại cuộc triển lãm hàng không thế giới Paris Air Show (kết thúc hạ tuần tháng 6/2013), Sukhoi Su-35 (Сухой Су-35) đã chinh phục khán giả hoàn toàn. Chúc đầu rồi lao vút cất cánh thẳng đứng, đang bay lướt như tên lửa bỗng “thắng” gấp đứng lơ lửng bất động trong không trung, rồi lại bất thần phóng đi như sao xẹt, tiêm kích cơ Su-35 có khả năng linh hoạt đáng nể mà bất kỳ máy bay chiến đấu nào cũng phải kiêng dè.

Theo trang web của hãng sản xuất (sukhoi.org), Su-35 là chiến đấu cơ thế hệ 4++ (hiện đại hơn thế hệ 4 nhưng chưa đạt chuẩn của thế hệ 5).

Các chi tiết kỹ thuật đáng ghi nhận của Su-35 gồm sự nâng cấp bộ khung giúp nó tăng thời gian phục vụ lên 6.000 giờ, tức khoảng 30 năm; ngoài ra, nó không chỉ có động cơ mạnh hơn mà còn được trang bị hệ thống kiểm soát radar Irbis-E giúp phát hiện và theo dõi một mục tiêu 3m2 trong không trung ở khoảng cách 400km (có thể nhìn thấy cùng lúc 30 mục tiêu như vậy!). So với người anh em Su-27 trước đó, bồn nhiên liệu Su-35 cũng chứa được nhiều hơn 20% (11,5 tấn)…

Su-35 có 12 “chấu” gắn vũ khí với mỗi cánh có 4 chấu. Ngoài tên lửa (Vympel R-27, Molniya Kh-29, Kh-31P…), Su-35 có thể mang theo bom (bom định vị bằng vệ tinh KAB-500S-E, bom định vị bằng laser LGB-250…) và được trang bị các loại vũ khí tấn công chẳng hạn pháo 80 li, 122 li, 266 li hoặc thậm chí 420 li; và súng GSh-30-1 loại 30 li… Có thể bay với vận tốc tối đa 2.390km/giờ (Mach 2.25), tốc độ cất cánh 18km/phút, tầm hoạt động 3.500-4.500km, đạt độ cao tối đa 18km, nặng 18,4 tấn…,

Su-35 bắt đầu thực hiện các chuyến bay thử vào tháng 2/2008 (trong một lần thử vào tháng 4/2009, một chiếc Su-35 đã bị rơi cháy ở Komsomolsk-on-Armur). Không quân Nga đã đặt hàng 48 chiếc Su-35S vào tháng 8/2009 (lịch trình giao đến năm 2015). Cho đến nay, có thể nói Su-35 là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất của công nghiệp vũ khí Nga (đối thủ đồng hương của nó, MiG-35, vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm).

Nếu đụng độ, Su-35 có thể “chơi” lại chiếc F-35 Lightning II của Lockheed Martin? Về radar, F-35 sử dụng radar APG-81 AESA với 1.200 modul truyền - nhận tín hiệu, giúp nó có thể phát hiện một mục tiêu 1m2 ở khoảng cách 150km (thua hệ thống Irbis-E của Su-35). Tuy nhiên, F-35 lại được trang bị thêm “Hệ thống phát hiện mục tiêu điện quang” (EOTS) giúp nó có thể nhìn thấy Su-35 từ rất xa.

Tuy nhiên, tầm hoạt động của Su-35 rộng hơn -4.500km so với vỏn vẹn 2.222km của F-35. Không chỉ mang theo ít tên lửa hơn (10 tên lửa - 4 bên trong và 6 bên ngoài), F-35 cũng bay chậm hơn, với Mach 1.6 (1.699km/giờ)… Tổng quát, Su-35 hơn hẳn F-35 ở khả năng linh hoạt, tốc độ, tầm hoạt động và trọng lượng vũ khí. F-35 chỉ hơn Su-35 ở khả năng tàng hình.

Tuy nhiên, đây lại là một ưu thế rất lớn trong tình huống xảy ra không chiến, bởi F-35 hoàn toàn có thể “trốn” khỏi cặp mắt quan sát của radar đối phương. Ngoài ra, tên lửa AIM-120 của F-35 lại bắn xa hơn tên lửa Su-35. Còn nữa, trong khi Su-35 có thể phát hiện đối thủ ở khoảng cách 40km, F-35 lại có thể dễ dàng “khóa” radar mục tiêu (Su-35) ở khoảng cách đến 150km.

Cuối cùng, dù mức độ “đâm ngang bổ dọc” kém hơn nhưng F-35 lại có khả năng nhắm bắn ở góc 3600 quanh mục tiêu!... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giả định, căn cứ vào các yếu tố thuần túy kỹ thuật. Trong thực tế, còn phải dựa vào kinh nghiệm và tài năng của phi công.

Với giá rẻ (40-65 triệu USD), Su-35 đang được nhiều nước đặt mua trong đó có Trung Quốc. F-35 có giá cao hơn (F-35A-153,1 triệu USD; F-35B-196,5 triệu USD; F-35C-199,4 triệu USD).


M. Kim

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc