Xung quanh cuộc chiến chống IS:

Tổng thống Obama lại “đổ vạ”?

15:01 | 29/09/2014

1,614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tuy thừa nhận Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng ông Obama lại cho rằng, cơ sự này xuất phát từ nhận định sai lầm của giới tình báo Mỹ, cũng như việc Washington đã đặt quá nhiều niềm tin vào việc chính phủ Baghdad có thể biến Iraq trở thành “vùng đất không thánh chiến”. Còn các thế hệ người đứng đầu Nhà Trắng - như ông Obama - thì hầu như không có sai lầm nào?!

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên đài CBS, đề cập tới việc giải quyết cuộc chiến ở Trung Đông bằng cách bố trí lại lực lượng ở Iraq và mở rộng các cuộc không kích tại Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lưu ý rất nhiều đến bản đánh giá của cơ quan tình báo Mỹ rằng: Họ đã bị bất ngờ bởi sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng IS tại cả Iraq, cũng như Syria.

 “Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Jim Clapper, đã thừa nhận điều đó. Tôi nghĩ rằng họ đã đánh giá thấp những gì IS đã làm ở Syria”, ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ cũng thêm rằng, cơ quan tình báo cũng đã đánh giá quá cao khả năng của quân đội Iraq trong việc chống lại lực lượng người Hồi giáo Sunni cực đoan. “Điều đó là thật, hoàn toàn là sự thật”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng chỉ mải nhắc đến sai lầm của thuộc cấp mà dường như lại “quên” mất chính ông cũng từng xem nhẹ IS. Năm ngoái, ông Obama rõ ràng đã “coi thường” IS khi miêu tả tổ chức này như một “JV team” (đội thể thao dự bị tại trường đại học, cao đẳng Mỹ), nhưng nay thì ông lại so sánh IS “ngang cơ” với al-Qaeda - kẻ thù khiến nước Mỹ điên đảo hơn 10 năm nay.

Tổng thống Obama cũng “quên” đi việc chính Mỹ là kẻ phải chịu trách nhiệm về sự ra đời, phát triển và hoành hành của IS. Cần nhắc lại là việc Mỹ - với cái cớ “đi tìm” vũ khí hạt nhân, rồi tranh thủ lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq năm 2003, đã tạo điều kiện cho sự ra đời của Chi nhánh al-Qaeda tại Iraq (AQI) - tiền thân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện nay. Và cũng chính Mỹ, cùng các đồng minh, vì muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đã bơm tiền, hỗ trợ vũ khí, trợ giúp cho các lực lượng phiến quân Syria, trong đó có IS.

Thay vào đó, ông lại hướng chỉ trích vào Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki: “Khi chúng tôi rời đi, chúng tôi đã để lại cho họ một nền dân chủ toàn vẹn, một quân đội được trang bị hiện đại và họ có khả năng tự vạch ra con đường riêng cho mình. Cơ hội đó đã bị lãng phí trong suốt 5 năm qua bởi vì ông Malaki đã quá chú trọng đến bệ đỡ Shia của mình”.

Ông Obama cũng thừa nhận rằng, chiến lược của mình có thể có ít khả năng thành công ở Syria bởi sự mâu thuẫn giữa hai chính phủ, dù cả hai đều có chung kẻ địch là IS.

Mục đích của Mỹ vẫn là xóa bỏ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng nay Washington còn muốn “nhất cử lưỡng tiện” - triệt hạ luôn cả IS.

Hiện tại, giới quân sự Mỹ đã tính đến khả năng ngoài không kích, sẽ đưa bộ binh vào Syria để tiễu trừ IS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ông Obama sẽ cần phải được sự cho phép của Quốc hội để quyết định việc này.

Hà My

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc