Tranh cãi về virus cúm H5N1

19:00 | 30/01/2013

838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm toàn cầu sẽ xảy ra trong tương lai, các nhà khoa học phương Tây đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm nghiên cứu loại virus bệnh cúm gia cầm nguy hiểm này. Trong khi đó, 4 người Campuchia đã chết vì cúm gia cầm trong tháng 1/2013.

 

Hoạt động nghiên cứu virus cúm gia cầm đã được khôi phục trở lại sau 2 năm đóng băng

Nghiên cứu về virus cúm gia cầm đã bị đình chỉ từ hai năm trước. Sau khi ở Hà Lan và Mỹ đã xuất hiện loại virus lây lan từ người này sang người (trước đó lây sang người do tiếp xúc với gia cầm), cộng đồng khoa học đã quyết định đóng băng các nghiên cứu loại này. Mối đe dọa đại dịch do virus rò rỉ ra bên ngoài phòng thí nghiệm là rất cao. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học đã thay đổi quan điểm và quyết định nối lại công việc. Trong khi một số chuyên gia cho rằng nguy cơ lây lan của virus vẫn không giảm. Chẳng hạn, đây có thể trở thành loại vũ khí khủng bố, trước hết là do rất khó phát hiện. Nhưng các nhà khoa học lại cho rằng virus rốt cuộc rồi cũng sẽ đột biến trong điều kiện tự nhiên với khả năng lây lan trực tiếp giữa người với người và không nên bi kịch hóa vấn đề tiếp tục nghiên cứu H5N1 và rằng việc nối lại các nghiên cứu virus là cần thiết để chống lại bệnh dịch có thể xảy ra.

Tuyên truyền phòng tránh cúm gia cầm ở Campuchia

Thông tin mới nhất về loại virus nguy hiểm này: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/1 cho biết trong 4 tuần đầu tiên của năm 2013, 4 người Campuchia đã chết do cúm gia cầm - được chính thức gọi là H5N1. Cúm gia cầm có thể lây từ gà vịt sang người. Từ khi được phát hiện lần đầu tiên trên người vào năm 1997, bệnh dịch này đã giết chết khoảng 360 người và có khoảng 600 người đã từng bị nhiễm cúm gia cầm.

Các chuyên gia lo ngại rằng nó có thể biến đổi thành một loại virus có thể lây lan từ người sang người.

Tại Campuchia, một đội y tế đã đến các làng tại khu vực có những người bị chết để kiểm tra sức khỏe cư dân và tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh.

Chính phủ Campuchia cũng đã sử dụng truyền thông để giải thích làm cách nào để giữ an toàn phòng ngừa bệnh, bao gồm đảm bảo rằng trẻ em rửa tay sạch sẽ và tránh xa khỏi gia cầm bị nhiễm bệnh.

Cúm gia cầm lần đầu tiên xuất hiện tại Campuchia từ năm 2005. Con số tử vong cao nhất vào năm 2011 khi 8 người đã chết vì bệnh dịch này.

Th.Long (Theo AFP)