Trung Đông nguy kịch

06:00 | 16/07/2014

1,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 5 ngày oanh kích Dải Gaza, sáng 13/7, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của Liên Hiệp Quốc, Israel tiếp tục đưa bộ binh vào dải đất này nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas. Số người chết là thường dân Palestine ngày càng tăng. Bạo động có nguy cơ lan rộng ra toàn vùng Trung Đông.

Năng lượng Mới số 339

Sáng sớm ngày 13/7, một đơn vị biệt kích hải quân Israel đã đổ bộ lên Dải Gaza nhằm vô hiệu hóa các dàn phóng rốckét tầm xa của lực lượng Hamas. Đây là lần đầu tiên Israel mở một chiến dịch trên bộ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công Dải Gaza bằng máy bay ném bom hôm 8/7.

Không quân Israel từ khuya ngày 8/7 đã tiến hành hàng chục vụ oanh kích vào Dải Gaza để trả đũa vụ lực lượng vũ trang Hamas từ đấy đã bắn pháo vào lãnh thổ Israel. Chiến dịch mang tên “Rào cản” này nhắm vào các mục tiêu trong đó có nhà của những người hoạt động chống Israel, nơi xuất phát của những vụ bắn pháo và các hạ tầng cơ sở khác ở Gaza. Mục tiêu chiến dịch là nhắm vào lực lượng Hamas, nắm trong tay cả trăm nghìn quả rốc-két, một số có thể bắn đến thủ đô Tel- Aviv của Israel. Ngày 13/7, Israel cho biết đã đánh trúng hơn 1.100 mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza kể từ khi cuộc không kích bắt đầu.

Trung Đông nguy kịch

Người Palestine ôm con nhỏ chạy trốn các vụ ném bom của Israel vào Dải Gaza, ngày 9/7/2014

Đáp trả những đợt oanh kích của Israel trong mấy ngày qua, lực lượng Hamas đã phóng 800 rốc-ket vào Israel. Hamas thề là nhóm này sẽ đến từng căn nhà và cơ sở quân sự ở Israel buộc 3 triệu người Israel phải vào hầm tránh bom. Nhiều rốc-két đã bắn vào Israel từ phía Liban, làm tăng sợ hãi về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.

Các lực lượng phòng vệ Israel ghi nhận sự hữu hiệu của hệ thống phòng vệ chống tên lửa Vòm Sắt, đánh chặn được những rốckét trên không, tránh được những thiệt hại lớn hơn nữa. Ít nhất 5 người Israel bị thương trong tuần trước do các cuộc tấn công bằng rốc-két, 2 người trong tình trạng nguy kịch, nhưng không có người Israel nào thiệt mạng bởi các cuộc tấn công của Hamas.

Trong khi đó, nguồn tin Palestine nói hơn 1.000 người bị thương kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch của họ. Ngày 12/7, các giới chức Palestine nói con số tử vong do cuộc tấn công của Israel đã lên đến khoảng 160 người, trong đó đa số là thường dân. Ngày 13/7, Israel rải truyền đơn kêu gọi dân cư ở khu vực sát biên giới Israel với Dải Gaza sơ tán trước 12 giờ trưa, giờ địa phương.

Phát ngôn viên của quân đội Israel, tướng Moty Almoz nhấn mạnh: “Tel-Aviv không dùng đòn tâm lý để hù dọa. Người dân ở Dải Gaza nên coi đây là một đe dọa thực sự và nên tránh đến gần các trụ sở hay cơ quan của Hamas”. Lực lượng Phòng vệ của Israel nói, họ không muốn gây thiệt hại cho thường dân ở Gaza, nhưng người dân phải biết rằng, việc họ ở lại cận kề những kẻ khủng bố Hamas và các cơ sở của chúng là rất không an toàn.

Tính đến ngày 14/7, hơn 4.000 người dân Gaza đã tỵ nạn tại 8 căn cứ của Cơ quan Cứu trợ của Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, tin cho hay khoảng 800 người Palestine có 2 quốc tịch đã bắt đầu rời khỏi Gaza qua ngả Erez Crossing của Israel.

Ngoài thiệt hại về nhân mạng, các đợt oanh kích của Israel vào Gaza những ngày qua cũng gây tổn thất lớn về tài sản cho người dân Palestine. Phát ngôn viên của chính quyền Hamas, Taher al-Nunu cho biết, thiệt hại trực tiếp khoảng 545 triệu USD, trong khi đó thiệt hại gián tiếp ước khoảng 700 triệu USD. Con số tổng thiệt hại lên đến hơn 1,2 tỉ USD. Có 200 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn cùng với 8.000 ngôi nhà khác bị thiệt hại. 3 ngôi đền, 1 trung tâm y tế và 42 tòa nhà, bao gồm cả trụ sở chính phủ cùng nằm trong danh sách bị phá hủy.

Trước tình hình căng thẳng leo thang trên Dải Gaza, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ các mối quan ngại và kêu gọi Israel kiềm chế. Về phía Mỹ, trong cuộc điệm đàm với Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị làm trung gian hòa giải nhằm hồi phục lại sự yên ổn khi bày tỏ “quan ngại về tình hình leo thang” tại đây. Hôm 13/7, Pháp một lần nữa lên án các cuộc tấn công bằng rốc-két của Hamas, nhưng cũng kêu gọi Israel kiềm chế trong chiến dịch ở Gaza của mình và tránh thương vong cho thường dân.

Cùng lúc, ngày 14/7 Đức cử Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier tới Israel để hội đàm với Israel và Palestine nhằm giúp các bên liên quan đàm phán và chấm dứt bạo lực. Các Ngoại trưởng thuộc Liên đoàn Arập sẽ có buổi họp vào 14/7 tại Cairo để bàn về tình hình tại Dải Gaza, theo lời kêu gọi họp khẩn cấp từ phía Koweit. Tuy nhiên thách thức lớn nhất trong cuộc họp này là Chính phủ Ai Cập có thái độ chống đối Hamas, vì một nhánh của nó là phong trào Huynh Đệ Hồi giáo đang bị Ai Cập coi như kẻ thù.

Bất chấp các lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, các vụ nã pháo vào nhau giữa hai bên chưa cho thấy có dấu hiệu gì thuyên giảm. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Không có một áp lực quốc tế nào sẽ cản được chúng tôi đánh những kẻ khủng bố đã tấn công vào chúng tôi”. Thậm chí ông Netanyahu còn để ngỏ khả năng can thiệp bằng bộ binh. Israel cho biết đã chuẩn bị lực lượng hơn 33.000 binh sĩ hành quân vào Dải Gaza với xe bọc thép và pháo binh sẵn sàng càn quét phiến quân Hamas.

Cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas đã leo thang sau một vụ bắt cóc và giết hại ba trẻ vị thành niên người Israel xảy ra hồi tháng 6/2014 mà trong đó Israel đã đổ lỗi cho Hamas. Vụ việc dẫn đến một vụ đàn áp đối với một nhóm ở Bờ Tây. Hamas từ chối đứng đằng sau các vụ giết người. Căng thẳng tiếp tục tăng cao sau khi một vụ được nghi ngờ là giết người trả thù đã xảy ra nhắm vào một thiếu niên Palestine tại Jerusalem vào ngày 2/7. 6 nghi phạm người Israel đã bị bắt giữ trong vụ bắt cóc và giết hại thanh niên này. Trong đêm 6/7, khi 8 chiến binh của Hamas cũng đã bị hạ sát.

Israel và lực lượng Hamas ở Gaza từng giao tranh trong một cuộc chiến kéo dài 8 ngày hồi tháng 11/2012. Cuộc chiến này đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, cuộc chiến hiện nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nào.

H.Phan (tổng hợp)