Trung - Nhật gia tăng căng thẳng tại biển Hoa Đông

07:08 | 07/10/2012

758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc Tokyo và Bắc Kinh tiếp tục khẩu chiến xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến dư luận thực sự lo lắng về một cuộc chiến có thể xảy ra tại khu vực này. Và nếu khả năng diễn ra thì phản ứng của Mỹ ra sao cũng là chủ đề được dư luận trong và ngoài khu vực kể trên theo dõi.

Khẩu chiến Trung - Nhật ngày càng gay gắt

Ngày 3/10, tạp chí Focus dẫn lời tân Đại sứ Trung Quốc (TQ) tại Niger nói trong cuộc họp báo ở Niamey rằng, việc Chính phủ Nhật Bản mua lại và có ý định quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là “hoàn toàn bất hợp pháp, hoàn toàn không có giá trị và không thể làm thay đổi sự thật lịch sử về việc Nhật Bản chiếm đóng lãnh thổ TQ, cũng như chủ quyền của TQ đối với quần đảo này”. Tân Đại sứ TQ cảnh báo, chiến tranh có thể nổ ra giữa hai người khổng lồ và như vậy sẽ là thảm họa đối với vùng Đông Á cũng như nền kinh tế thế giới. Cũng trong ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi tuyên bố, tàu Hải giám TQ sẽ tiếp tục tuần tra tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời cho rằng, tranh chấp tại khu vực này là một nguyên nhân đáng kể có thể dẫn tới chiến tranh. Trước đó (2/10), ông Hồng Lỗi cũng đã “cực lực bất bình và kiên quyết phản đối phần tử cánh hữu Nhật Bản xâm nhập phi pháp vào vùng biển đảo Điếu Ngư/Senkaku của Trung Quốc, cảnh giác cao đối với mưu toan và mục đích của chúng. Nếu những hành động khiêu khích này không được ngăn chặn có thể làm cho tình hình phức tạp thêm, Trung Quốc quan tâm sâu sắc tới việc này. Tàu Hải giám TQ đang tiến hành hoạt động công vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền bình thường tại vùng biển đảo Điếu Ngư/Senkaku”.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi

Ngày 3/10, Tokyo đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về việc 3 tàu Hải giám TQ đi vào vùng biển tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Tokyo gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về vấn đề này. 3 tàu Hải giám TQ ở ngoài khơi Kubashima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng thời gian từ 12 giờ 30 phút và 12 giờ 50 phút ngày 3/10, phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã kêu gọi TQ kiềm chế để có thể liên lạc hiệu quả và tiến hành đối thoại trong bầu không khí hòa bình - phải giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh để không mất đi tầm nhìn về các triển vọng lớn hơn. Trước đó (2/10), 4 tàu Hải giám TQ đi vào vùng biển Nhật Bản gần Senkaku/Điếu Ngư sau khi 6 tàu Hải giám TQ đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo tranh chấp kể trên. Theo mạng tin Yomiuri của Nhật Bản, phát biểu tại lễ mừng quốc khách TQ do “Tổng hội Hoa kiều Yokohama” tổ chức ngày 1/10, Đại sứ TQ tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tuyên bố, Tokyo cần rút lại việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuyên bố này xuất hiện đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ra nghị quyết chỉ rõ, phương châm cơ bản của Tokyo là có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của đất nước trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố danh sách nội các mới chiều 1/10, ông Yoshihiko Noda một lần nữa khẳng định, không có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản cũng nhấn mạnh, cả Tokyo và Bắc Kinh cần xử lý bình tĩnh tranh cãi xung quanh quần đảo này thông qua đối thoại và đất nước mặt trời mọc không có ý định sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để giải quyết căng thẳng với quốc gia hơn 1,34 tỉ người.

Phản ứng thận trọng của Mỹ

Giới truyền thông đưa tin, trong bối cảnh tranh chấp Nhật - Trung tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư căng thẳng, sự xuất hiện của tàu sân bay USS George Washington và tàu sân bay USS John C.Stennis với máy bay chiến đấu, tuần dương hạm được trang bị tên lửa, khu trục hạm, tàu ngầm và tàu tiếp nhiên liệu cùng khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ trên chiến hạm USS Bonhomme Richard với hai tàu hộ tống cùng xe lội nước, xe bọc thép hạng nhẹ, pháo, trực thăng và máy bay tiêm kích Harrier gần Biển Đông, biển Hoa Đông và vùng biển Philippines khiến cho khu vực này “sặc mùi thuốc súng”. Giới quân sự coi đây là động thái nhằm cân bằng lực lượng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sau những căng thẳng mới đây trong khu vực này. Việc này diễn ra ngay sau khi TQ đưa tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh gia nhập Hạm đội Hải quân.

Ngày 2/10, tờ Thời báo Nhật Bản đưa tin, 6 chiếc máy bay MV-22 Osprey của Mỹ (có tốc độ gấp đôi, tải trọng gấp 3 và tầm bay gấp 4 lần trực thăng CH-46, có thể tiếp liệu trên không) đã rời căn cứ Iwakuni ở Yamaguchi tới sân bay Futenma ở thành phố Ginowa, Okinawa. TQ đang rất lo ngại về lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ - quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật: Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp các vùng lãnh thổ thuộc quyền tài phán của Tokyo bị tấn công. Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản còn cho biết, rất nhiều tàu tuần tra của TQ đã nằm trong tầm giám sát của khoảng một nửa hạm đội tuần duyên của Nhật Bản. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage cho rằng, Nhật Bản phải thúc đẩy năng lực quốc phòng để phòng ngừa các hành động khiêu khích từ TQ về vấn đề chủ quyền biển đảo, cũng như giảm bớt sự lệ thuộc vào quân đội Mỹ. Trước tháng 10/2012, Mỹ từng nhiều lần tuyên bố, sẽ không đóng vai trò trung gian hòa giải trong những tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông - Washington trung lập trong các tranh chấp hiện nay - không có quan điểm ai đúng ai sai.

Chiến tranh tài chính Trung - Nhật đã xuất hiện

Trang tin tài chính “Dow Jones Newswires” ngày 2/10 cho biết, các ngân hàng TQ đã rút khỏi những sự kiện liên quan tới các hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến diễn ra tại Nhật Bản vào tuần tới. Tuy các ngân hàng kể trên không cho biết nguyên nhân của việc này, nhưng giới chuyên môn coi đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy, tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã ảnh hưởng lớn hơn tới quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh. Trong số các ngân hàng TQ rút khỏi hội nghị của IMF có Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Xây dựng.Nhưng Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Takehiko Nakao cho biết, Tokyo vẫn chưa nhận được thông báo rút lui chính thức nào từ các ngân hàng TQ.

Thủ tướng Nhật Noda

Cũng trong ngày 2/10, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã bày tỏ quan ngại về quan hệ căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản bởi 2 nước này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu - nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới - sẽ tạo ra những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định và phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Bà Christine Lagarde mong muốn 2 nước tìm tiếng nói chung để cùng chung sống hòa bình và phát triển. Tổng giám đốc IMF cho biết, “vấn đề Trung Quốc - Nhật Bản” sẽ được đề cập tại cuộc họp được tổ chức thường niên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Ngày 1/10, tờ Chosunilbo của Hàn Quốc đưa tin, TQ tiếp tục mạnh tay chi tiền đăng hai trang quảng cáo in màu trên tờ báo The New York Times của Mỹ nhằm tuyên truyền cho tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Để đăng được quảng cáo này, TQ đã chi khoảng 250.000USD (theo bảng giá quảng cáo của tờ The New York Times). Mục đích của quảng cáo này rõ ràng là muốn lôi kéo sự ủng hộ của dư luận Mỹ đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền kể trên. Trước đó (28/9), TQ cho đăng quảng cáo về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên tờ The New York Times và The Washington Post của Mỹ. Ngày 3/10, Ngoại trưởng Koichiro Gemba tuyên bố, Tokyo sẽ tăng cường nỗ lực củng cố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bao gồm cả việc quảng cáo trên báo chí nước ngoài.

Động thái đáng quan tâm tại Biển Đông

Ngày 3/10, tờ Inquirer của Philippines dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, ngay cả khi Manila tiếp tục phát triển mối quan hệ lâu dài với Bắc Kinh, Philippines cũng sẽ không lùi bước trước TQ trong tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Trước đó (2/10), Ngoại trưởng Albert del Rosario đã đề cập tới những tranh chấp trên Biển Đông với TQ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các quy định của luật pháp cũng như kiềm chế sử dụng vũ lực. Trong bài phát biểu tại cuộc tranh luận chung của phiên họp lần thứ 67 Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên “không có ngoại lệ, tôn trọng các khuôn khổ pháp lý quốc tế”, tuân thủ các cam kết trong các hiệp ước và công ước. Ông Albert del Rosario đã trích dẫn Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) cũng như các văn kiện có liên quan khác như Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Tàu sân bay USS John C.stennis của Mỹ

Hiện quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã trở nên xấu đi trong các tranh chấp trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông. Ngoại trưởng Albert del Rosario đưa ra tuyên bố kể trên sau khi chỉ huy lực lượng quân sự miền tây Philippines, tướng Juancho Sabban cải chính về số lượng binh sĩ được điều tới đảo Palawan mà Manila gọi là biển tây Philippines. Theo đó chỉ có 77 binh sĩ, không phải 800 lính như tuyên bố trước đó đã tới đảo Palawan hôm 28/9 để hỗ trợ cho trung đoàn lính thủy đánh bộ đang đồn trú tại đây. Theo thời báo Hoàn Cầu của TQ, sau khi xảy ra tranh chấp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, Philippines không ngừng tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ. Ngày 28/9, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, Cục Hạ thấp mối đe dọa - Bộ Quốc phòng Mỹ (Defense Threat Reduction Agency) đã tiến hành đào tạo ý thức về “quyền hải” và vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các nhân viên quản lý cấp cao Philippines. Thành viên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines cũng tham gia lớp đào tạo 4 ngày này. Đại sứ quán Mỹ ở Manila cũng cho biết, tàu ngầm USS Olympia (SSN 717) của Mỹ có chuyến thăm Philippines sau khi cập cảng Subic ngày 3/10.

Ngày 3/10, quan chức ngoại giao cấp cao của ASEAN đã gặp gỡ tại Philippines để tham gia một diễn đàn nhằm cải thiện hợp tác hàng hải. Tại các cuộc trao đổi diễn ra trong 3 ngày của Diễn đàn Hàng hải ASEAN lần thứ 3 (AMF-3), các đại biểu sẽ tập trung vào vấn đề an ninh hàng hải, cướp biển và đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, Philippines muốn cùng với các đối tác trao đổi tích cực về những vấn đề hàng hải chung, đồng thời tìm ra những phương thức và biện pháp để tăng cường các hoạt động nhằm thúc đẩy an ninh hàng hải cũng như hợp tác ở Đông Á. Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) sẽ diễn ra vào ngày 5/10, với sự tham gia của Australia, TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Đoàn đại biểu Nhật Bản do Thứ trưởng Ngoại giao Koji Tsuruoka dẫn đầu và ông này dự kiến sẽ có bài phát biểu liên quan tới tranh chấp hiện nay giữa Nhật Bản và TQ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, ngoại trưởng các nước ASEAN vừa nhận được bản thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là lần đầu tiên các ngoại trưởng ASEAN nhận bản thảo COC, bao gồm các yếu tố nhằm ngăn chặn và kiểm soát xung đột trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Ngày 1/10, TQ ra mắt phái bộ ngoại giao đầu tiên tại ASEAN ở Jakarta, Indonesia. Theo đó, bà Dương Tú Bình là Đại sứ TQ đầu tiên ở ASEAN.

Trung Quốc và Đài Loan sẽ liên thủ chống Nhật Bản?

Tuyên bố trên tờ Shanghaiist ngày 2/10 của Phó tổng thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự TQ, Thiếu tướng La Viện thực sự khiến dư luận quan tâm khi cho rằng, tuy hầu hết các tướng lĩnh nghỉ hưu mà ông gặp đều nói chưa đến lúc hợp tác trực tiếp, nhưng họ đều nhất trí việc có thể cùng chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Ông La Viện thậm chí còn đưa ra cái tên cho cuộc chiến tranh mới trong tương lai, đó là “Chiến tranh nhân dân trên biển”. Phó tổng thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự TQ cho rằng, Cảnh sát biển Nhật Bản chỉ có 117 tàu và toàn bộ lực lượng của họ không thể nhiều hơn 450 tàu của TQ và Đài Loan. Chưa kể tới việc huy động hơn 1.000 tàu cá từ TQ, Đài Loan, Hongkong và Macao để tiến hành cuộc chiến tranh du kích trên biển thì Nhật Bản sẽ không thể bắt được tàu của quốc gia với hơn 1,34 tỉ người. Cùng hùa theo quan điểm diều hâu của Thiếu tướng La Viện, chính trị gia diều hâu Đài Loan Úc Mộ Minh cũng đề xuất hợp tác trong việc tấn công Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, máy bay và tàu chiến TQ có thể dội bom quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, còn Đài Loan sẽ tấn công vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Trước đó (sáng 1/10), Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, một tàu tuần tra Đài Loan đã di chuyển trong vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu Đài Loan đã tiếp cận khu vực này lần đầu tiên hôm 25/9, khi có khoảng 40 tàu đánh cá Đài Loan được 12 tàu tuần tra hộ tống xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản nhằm phản đối nội các Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

(Năng lượng Mới số 161, ra thứ Sáu ngày 5/10/2012)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc