Trung - Nhật - Hàn vẫn căng thẳng về biển đảo

09:50 | 25/10/2012

1,052 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thông tin trên tờ Manila Standard Today khiến những căng thẳng trên Biển Đông lại có nguy cơ gia tăng nếu hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington sẽ đi qua vùng biển gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham rồi neo đậu gần vịnh Manila ngày 24/10 nhân chuyến thăm Philippines 4 ngày.

Giới truyền thông dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ xác nhận, hoạt động kể trên là một phần trong chương trình tuần tra của hàng không mẫu hạm này tại Biển Đông và sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington trong thời điểm này khiến dư luận trong và ngoài khu vực thực sự quan tâm. Bởi theo tờ The Diplomat, Mỹ đã quay lại thiết lập căn cứ hải quân bán thường trực tại cảng Subic của Philippines. 

Trung - Nhật tiếp tục căng thẳng

Quỹ Nhật Bản (NF, một tổ chức từ thiện) vừa quyết định hủy chương trình thúc đẩy giao lưu quân sự giữa sĩ quan Nhật Bản và Trung Quốc - các chuyến thăm lẫn nhau thường niên giữa sĩ quan của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Chủ tịch NF Yohei Sasakawa cho biết, quỹ này quyết định hủy chương trình (có từ năm 2001) sau khi nhận được văn bản đề nghị từ Trung Quốc hoãn chuyến thăm Nhật Bản của phái đoàn Trung Quốc dự kiến diễn ra trong tuần này. Quyết định trên diễn ra trong bối cảnh tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn đang căng thẳng. Ông Yohei Sasakawa coi đây là một quyết định đau lòng vì Chủ tịch NF cho rằng, tầm quan trọng của cuộc giao lưu nằm ở khả năng loại bỏ các vấn đề chính trị.

Cách đây 2 năm, chương trình này từng bị hủy sau khi vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật Bản xảy ra và sau đó 2 bên vẫn đạt được thỏa thuận tiếp tục chương trình trong 5 năm tới. Giới truyền thông Nhật Bản đưa tin, Nhật Bản và Mỹ sẽ hủy kế hoạch tổ chức cuộc tập trận chung (đầu tháng 11) với tình huống giả định tái chiếm một hòn đảo xa từ tay các lực lượng nước ngoài bởi Tokyo không muốn gia tăng căng thẳng xung quanh những tranh cãi đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư). Giới thạo tin cho biết, quyết định hủy diễn tập được đưa ra theo chỉ thị của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn chưa bình luận về thông tin này.

Tàu khu trục Aegis lớp Vua Sejong của Hàn Quốc

Ngày 20/10, bất chấp bị tàu tuần tra Nhật xua đuổi, 5 tàu Trung Quốc vẫn tiến sát tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Được biết 4 tàu Hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển tiếp giáp gần đảo Uotsuri, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, còn tàu tàu ngư chính của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực gần đảo Kuba cũng thuộc khu vực này. Đây là lần đầu tiên trong 10 ngày qua tàu Trung Quốc bị coi tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khi thời tiết xấu. Giới truyền thông đưa tin, tàu Hải giám Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và có lúc đã tiến vào vùng biển 12 hải lý của khu vực này.

Trong chuyến công du tới Đức, ngày 19/10, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Guido Westerwelle ở Berlin, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần không thể tách rời của lãnh thổ nước này. Ông Koichiro Gemba cũng nhấn mạnh, Nhật Bản muốn giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời giải thích, việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là động thái thiết thực nhằm ngăn ngừa thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara mua quần đảo này và gây ra những vấn đề trầm trọng hơn. Ngoại trưởng Guido Westerwelle tuyên bố, Đức hy vọng vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Giới truyền thông cho rằng, chuyến công du 3 nước châu Âu của Ngoại trưởng Koichiro Gemba đã đạt được kết quả bởi Pháp, Anh, Đức đều ủng hộ lập trường của Nhật Bản đối với vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phản ứng của Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan

Ngày 20/10, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, hải quân nước này đang thực hiện dự án đóng mới 9 tàu ngầm 3.000 tấn lớp KSS-III để đưa vào hoạt động trong năm 2020 với khoản ngân sách 2,7 tỉ won do chính phủ cấp. Hải quân Hàn Quốc cũng có kế hoạch nâng số tàu ngầm lớp 1.800 tấn lên con số 9 vào năm 2018 nhằm bảo vệ các tàu chở hàng và hỗ trợ các chiến dịch của hải quân.

Theo thống kê, hiện Hàn Quốc đang có 10 tàu ngầm lớp từ 1.200 tấn đến 1800 tấn. Hàn Quốc cũng muốn tăng số lượng tàu khu trục 7.600 tấn lớp Aegis từ 3 lên 6 chiếc và đóng mới thêm từ 6 đến 9 tàu khu trục KDDX thế hệ tiếp theo sau năm 2023. Đây được coi là động thái nhằm đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản trong cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ trên biển đảo.

Bà Erlinda F.Basilio (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh

Ngày 19/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan đã bày tỏ lấy làm tiếc về cái chết của ngư dân Trung Quốc trên Hoàng Hải trong bối cảnh Đại sứ Trung Quốc gặp gỡ các quan chức hàng đầu tại Seoul để thảo luận về vụ sự cố này. Trước đó (18/10), Hàn Quốc đã kêu gọi Trung Quốc “ứng xử bình tĩnh” sau vụ việc kể trên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng kêu gọi Trung Quốc hợp tác tích cực hơn để giải quyết tận gốc nạn đánh bắt cá trái phép ở vùng biển Hàn Quốc. Ngày 18/10, tờ Korea Herald của Hàn Quốc đã gọi ngư dân Trung Quốc xâm phạm và đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Hàn Quốc là “cướp biển” và cáo buộc họ đã gây ra thảm kịch trên biển khi Cảnh sát biển Hàn Quốc bắn chết một ngư dân Trung Quốc bằng đạn cao su.

Ngày 19/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh (Doanh) đã gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Ngoại trưởng Albert del Rosario và người đồng cấp Erlinda F. Basilio tại thủ đô Manila để thảo luận về quan hệ song phương, cũng như nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước sau những vụ tranh chấp ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Tổng thống Benigno Aquino cho biết, Philippines luôn tạo điều kiện thuận lợi để Manila và Bắc Kinh đi đến một giải pháp chung có lợi đối với những vấn đề mà cả hai bên quan tâm, đồng thời hy vọng được thấy tiến bộ trong vụ tranh chấp lãnh thổ dai dẳng với Trung Quốc sau khi diễn ra cuộc thay đổi ban lãnh đạo trong đại hội Đảng tại Bắc Kinh vào tháng tới, đồng thời hy vọng được thấy tiến bộ trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thay đổi ban lãnh đạo mới tại đại hội 18. Thứ trưởng Ngoại giao Erlinda F. Basilio cho biết, vấn đề tranh chấp biển đảo được thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh nhưng từ chối tiết lộ thêm thông tin. Bà Phó Oánh cho biết, 2 bên đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề còn tồn tại và nhất trí giải quyết các khác biệt nhằm tránh những tác động tiêu cực.

Dư luận cũng đang quan tâm tới thông tin vừa đăng tải trên mạng “Tin tức Trung Quốc”: ngày 19/10, Viện Lập pháp Đài Loan đã thông qua “Nghị quyết tuyên bố chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư Đài”, trong đó yêu cầu toàn thể chính quyền Đài Loan duy trì lập trường kiên định, cụ thể, rõ ràng trong tuyên bố chủ quyền đối với Điếu Ngư Đài (quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) và vùng biển phụ cận. Thời gian gần đây, Đài Loan đang gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trung Quốc nắn gân các nước hữu quan

Ngày 20/10, Tân Hoa xã đưa tin, chính quyền tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc thông báo sẽ xây dựng 2 căn cứ máy bay không người lái ở khu vực đông bắc Trung Quốc nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát các vùng biển ven bờ theo thời gian thực. Theo Sở Ngư nghiệp và Hải dương Liêu Ninh, một trong 2 căn cứ trên sẽ được xây dựng trên một khu đất lấn biển ở thành phố duyên hải Doanh Khẩu nhằm giám sát khu vực biển Bột Hải. Còn căn cứ kia sẽ được lập ở thành phố Đại Liên để giám sát một phần biển Hoàng Hải. Máy bay không người lái tại 2 căn cứ này sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát trên biển bằng các cảm biến từ xa độ nét cao, có khả năng phản ứng nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp. Trước đây Trung Quốc cũng thông báo, sẽ xây dựng 11 căn cứ máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ giám sát biển dọc theo bờ biển của nước này vào năm 2015 và mỗi căn cứ sẽ có ít nhất 1 máy bay không người lái.

Bà Phó Oánh và Tổng thống Philippines Benigom Aquino

Ngày 19/10, tờ China Daily của Trung Quốc đăng bài bình luận cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và một số quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông, đã đến lúc Bắc Kinh phải tăng cường sức mạnh cho lực lượng hành pháp trên biển và tiến hành cái gọi là nhiệm vụ tuần tra giám sát thường kỳ trên các vùng biển mà nước này tuyên bố là của họ. China Daily cho rằng, trong khi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có lực lượng Cảnh sát biển mạnh, được trang bị hiện đại và có nhiều kinh nghiệm thì Trung Quốc lại giao nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển cho 5 cơ quan, đó là Lực lượng Cảnh sát biển của Bộ Công an, Cục An toàn Hàng hải của Bộ Giao thông vận tải, Tổng đội Hải giám của Cục Hải dương, Cục Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp, và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 5 cơ quan này không có đủ khả năng và kinh nghiệm độc lập đối phó với các tình huống quy mô lớn trên biển. Do đó tác giải bài viết kiến nghị, chính phủ Trung Quốc cần phải hợp nhất 5 cơ quan này để huấn luyện và bồi dưỡng thêm nhân lực, cũng như tăng cường trang bị vũ khí cho lực lượng này. Sau khi thành lập lực lượng “Cảnh sát biển Trung Quốc”, chính phủ phải đảm bảo các nhân viên của lực lượng này được huấn luyện cùng với hải quân và thiết lập một mạng lưới thông tin tình báo và cơ chế chia sẻ thông tin liền mạch mới có thể đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Ngày 19/10, Hải quân Trung Quốc bắt đầu tập trận trên biển Hoa Đông, gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản. Với sự tham gia của 11 tàu hải quân, tàu ngư chính, tàu hải giám và 8 máy bay thuộc hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc muốn thông qua cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa hải quân và các tàu tuần tra dân sự, cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Tập trận dựa trên tình huống giả định các tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc đang thực thi nhiệm vụ trên biển thì bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, ngăn trở, va chạm gây thiệt hại.

Cũng trong thời gian kể trên, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã diễn tập chống tàu ngầm tại khu vực Biển Đông. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura tuyên bố, Tokyo không nắm được thông tin chi tiết, nhưng sẽ giám sát nhất cử nhất động của Trung Quốc. Giới bình luận cho rằng, cuộc tập trận kể trên của Trung Quốc nhằm đáp trả cuộc tập trận của Nhật Bản trước đó (với 40 tàu chiến, trong đó có cả các tàu khu trục, tàu ngầm hiện đại cùng 30 máy bay hải quân ở vùng biển phía nam Tokyo).

Ngày 16/10, tại Paris, Pháp đã diễn ra hội thảo về “Biển Đông - vùng xung đột mới” do Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) và Quỹ Gabriel Peri, một tổ chức chuyên nghiên cứu chính trị có uy tín tại Pháp, tổ chức. Hội thảo đã thu hút khoảng 300 người tham dự, gồm các học giả Pháp và quốc tế về châu Á; quan chức nước chủ nhà cùng một số quốc gia có liên quan; đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn, báo chí Pháp và quốc tế…  Đa số ý kiến tại hội thảo đều phản bác mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là luận điệu về đường Lưỡi Bò.

Nhiều học giả quốc tế có uy tín như Giáo sư Monique Chemillier Gendreau (Đại học Paris 7), Giáo sư Erik Franckx (khoa Luật pháp Quốc tế và Châu Âu thuộc Trường đại học Vrije Brussels, Vương quốc Bỉ), Giáo sư David Scott, Đại học Brunel (Anh) đã phân tích kỹ tấm bản đồ đường Lưỡi Bò của Trung Quốc và chứng minh tấm bản đồ đó không phù hợp với luật pháp cũng như án lệ quốc tế. Riêng về Trường Sa, theo những tài liệu của Pháp cho thấy, trong những năm 30 của thế kỷ trước, chính quyền Trung Quốc còn nhầm lẫn về quần đảo này và không nêu trong bản đồ quốc gia.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh