Trung Quốc bật đèn xanh cho biểu tình chống Nhật?

11:22 | 20/08/2012

2,285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hôm qua (19/8), hơn 10 thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… đã xảy ra biểu tình chống Nhật sau hành động lên đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) của 9 nghị sĩ và 150 người Nhật khác.

Người dân Trung Quốc tuần hành ở thành phố Thâm Quyến. (Ảnh: Kyodo)

Không kể các động thái phản đối nhỏ lẻ trước đó, các cuộc biểu tình chính thức nổ ra tại Trung Quốc từ ngày 15/8 và nhanh chóng lan rộng, sau khi giới chức Nhật Bản bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc bao gồm 14 người đã đặt chân lên quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Không chỉ Trung Quốc, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo nói trên.

Tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) đã có khoảng 2.000 – 3.000 người tuần hành trên khắp các tuyến phố và hô vang khẩu hiệu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Nhiều nguồn tin cho hay, các cuộc biểu tình thậm chí đã trở thành bạo động. Một số kẻ biểu tình quá khích đã đập vỡ cửa kính của các nhà hàng Nhật Bản, ném chai nhựa vào các xe hơi của Nhật, lật đổ các xe cảnh sát được sản xuất ở Nhật, đồng thời kêu gọi tẩy chay hàng hóa và đốt cờ Nhật.

Các thanh niên Trung Quốc quá khích đập phá xe hơi, cửa hàng của Nhật Bản

Trong khi đó, tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Triết Giang), hơn 1.000 người cũng đã xuống đường biểu tình và hô vang khẩu hiệu “Tiểu Nhật Bản, hãy cút khỏi Điếu Ngư Đảo”. Ở thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, hơn 1.000 người cũng đã tuần hành, hát vang quốc ca Trung Quốc và hô các khẩu hiệu bài Nhật. Còn ở Hồng Kông, khoảng 200 người đã tuần hành đến Lãnh sự quán Nhật Bản để phản đối.

Nhiều hoạt động biểu tình chống Nhật khác cũng đã bùng phát ở Quảng Châu, Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân và Thanh Đảo… Tại Bắc Kinh, các cuộc biểu tình quy mô nhỏ trước Đại sứ quán Nhật Bản cũng đã diễn ra. Trước đó, hôm 18/8, các cuộc biểu tình chống Nhật cũng bùng nổ ở Tây An, Vũ Hán và một số thành phố khác của Trung Quốc.

Cộng đồng mạng Trung Quốc lan truyền rộng rãi lời kêu gọi của những người dân ở hơn 10 thành phố phản đối Nhật Bản. Trong đó, Thượng Hải và Trùng Khánh là nơi nhiều công ty Nhật Bản mở văn phòng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã lệnh gỡ bỏ chúng sau khi Tokyo trục xuất tất cả 14 nhà hoạt động nói trên.

Kể từ sau vụ giới chức Nhật bắt giữ thuyền trưởng của một tàu cá Trung Quốc hồi tháng 9/2010 thì đây là cuộc biểu tình mang quy mô lớn đầu tiên diễn ra ở Trung Quốc.

Hãng Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tần Cương - người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bày tỏ Bắc Kinh “cực lực phản đối” Tokyo về các hành động tại quần đảo tranh chấp. Trong một tuyên bố hôm 19/8, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động của Nhật Bản, kêu gọi nước này chấm dứt các hoạt động tại quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật gọi là Senkaku) mà theo Trung Quốc là một hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc: “Phía Nhật Bản nên xử lý đúng các vấn đề hiện tại, tránh làm tổn hại đến mối quan hệ chung Trung Quốc – Nhật Bản”, ông Tần Cương nói.   

AFP trích dẫn nhà phân tích Lâm Hòa Lập, Đại học Hồng Kông, nhận xét rằng chính quyền đang sử dụng lá bài quần chúng để gây sức ép lên Nhật Bản. Tuy nhiên, theo ông, nếu biểu tình có khả năng leo thang thì Bắc Kinh sẽ cho chấm dứt ngay.

Về phía Nhật Bản, hãng Kyodo cho hay, một quan chức về an ninh trong nội các Nhật Bản đã nhấn mạnh việc cần phải huy động lực lượng phòng vệ Nhật Bản để giám sát chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển của Nhật Bản. Phát biểu hôm chủ nhật ngày 19/8, ông Akihisa Nagashima, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda về các vấn đề đối ngoại và quốc phòng đề xuất đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người thâm nhập vào lãnh thổ Nhật Bản bất hợp pháp với mục đích “xâm phạm chủ quyền” của nước này.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Đài Loan, Dương Tiến Thiêm, hôm 19/8 cũng triệu mời đại diện Nhật Bản tại Đài Bắc lên để "phản đối hành vi khiêu khích" của nhóm người Nhật đã đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư.

Trong bản thông cáo, Ngoại trưởng Đài Loan cho là hành động khiêu khích kể trên chỉ làm tình hình thêm căng thẳng, và không thay đổi được thực tế : Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Đài Loan đứng về mặt lịch sử, địa lý và luật quốc tế. Chính phủ Nhật phải chấm dứt ngay hành động trên.

M.Q (Theo AFP/Kyodo/NHK/THX)