Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư:

Trung Quốc “dọa” dùng thương mại trả đũa Nhật Bản

11:46 | 17/09/2012

1,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày hôm nay (17/9) đã cảnh báo Nhật Bản có thể sẽ phải hứng chịu thêm một “ thập kỷ mất mát”, trì trệ kinh tế nếu Bắc Kinh dùng thương mại để trả đũa trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước thời gian qua.

Cảnh sát Trung Quốc đã phải lập hàng rào gai
để ngăn người biểu tình đập phá các cơ sở của người Nhật ở nước này

Trước đó, hôm 16/9, Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã phải lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hãy bảo đảm sự an toàn của các công dân và cơ sở kinh doanh Nhật ở Trung Quốc, giữa lúc các cuộc biểu tình phản đối việc Nhật mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới có người Hoa sinh sống.

Những ngày cuối tuần qua, biểu tình chống Nhật đã lan rộng trên 85 thành phố của Trung Quốc từ Bắc Kinh, Thượng Hải, đến Thành Đô, Thâm Quyến, Quảng Châu, Hong Kong…

Đại sứ quán Nhật cả tuần qua gần như bị bao vây bởi những người biểu tình. Họ ném chai lọ vào trong tòa đại sứ, hô vang khẩu hiệu chống Nhật và thách thức cả các hàng rào gai của cảnh sát chống bạo động, thể hiện sự giận dữ trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.

Không chỉ hô vang khẩu hiệu "đả đảo Nhật Bản" mà những người biểu tình còn phá hủy nhiều xe hơi, đồ điện tử do Nhật Bản sản xuất, đập phá nhiều nhà hàng, cửa hàng, siêu thị của người Nhật, tấn công cơ sở sản xuất, lắp ráp của những công ty Nhật như Panasonic, Toyota, Honda, Nissan...

Tờ Asia One của Singapore cho biết, cảnh sát Trung Quốc đã buộc phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để đẩy lùi hàng ngàn người biểu tình trên một đường phố ở thành phố phía Nam Thâm Quyến.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những cuộc biểu tình này không chỉ gây tổn hại trước mắt cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc - bởi thực tế doanh số bán xe hơi Nhật ở Trung Quốc trong tháng qua đã suy giảm, mà ngay cả số khách Trung Quốc tới Nhật Bản du lịch cũng đã giảm khá mạnh.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Trong năm 2011, thương mại song phương giữa 2 nước đã tăng 14,3% và lập kỷ lục với giá trị 345 tỷ USD. Do đó, căng thẳng giữa 2 nước, sẽ ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, không chỉ phía Nhật Bản mới phải chịu thiệt hại từ những căng thẳng hiện nay với Trung Quốc. "Cái giá mà phía Trung Quốc phải trả sẽ là nhận được ít đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn", Andy Xie, cựu chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết.

Nhật đã kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1895. Tranh chấp với Trung Quốc và Đài Loan xung quanh quần đảo có tên là Điếu Ngư (với Trung Quốc) và Tiaoyutai (với Đài Loan) này chỉ xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước sau khi những nghiên cứu Liên Hiệp Quốc cho thấy tiềm năng khí đốt ở gần khu vực này.

Trong một động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (16/9) cho biết nước này đã quyết định đệ trình lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (CLCS) nhằm xác định lại biên giới thềm lục địa nước này trên biển Hoa Đông ra ngoài phạm vi 200 hải lý.

Bộ này cho hay theo quan điểm bấy lâu nay của chính phủ Trung Quốc, “thềm lục địa tự nhiên của Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông kéo dài tới Máng Okinawa và rộng hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở của hải phận Trung Quốc”.

Linh Phương (Theo Reuters, AFP)