Trung Quốc - Kẻ cơ hội nguy hiểm

09:21 | 15/05/2014

26,796 lượt xem
|
Lợi dụng lúc Nga đang đấu với Mỹ và EU về vấn đề Ukraina, Trung Quốc thừa nước đục thả câu, xâm lược Việt Nam vì biết rằng cả Nga, Mỹ hay EU đều cần mình vào lúc này nên không thể phản ứng mạnh.

Trung Quốc-Kẻ cơ hội nguy hiểm

Nga và Trung Quốc sẽ tập trận tại vùng biển Hoa Đông với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm và máy bay từ ngày 20-26/5/2014. Trong ảnh: cuộc tập trận hải quân Trung - Nga trên Biển Hoàng Hải năm 2012

Từ mấy tháng qua, cuộc đấu giữa Nga với phương Tây chưa hề giảm cường độ sau khi Nga sáp nhập Crưm. Đây được coi là thời kỳ căng thẳng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh. Và cuộc đối đầu này sẽ lên đến đỉnh điểm một khi Nga sáp nhập tiếp 2 tỉnh Luhansk và Donetsk của Ukraina.

Đỉnh điểm đối đầu Đông-Tây giờ không phải là chiến tranh quân sự, mà là kinh tế và ngoại giao. Sau khi Nga sáp nhập Crưm tháng 3/2014 cho đến nay, phương Tây đã có đến 4 đợt thông báo trừng phạt Nga về kinh tế và ngoại giao. Và hiện họ còn tiếp tục đe dọa rằng nếu Nga tiếp tục chia rẽ Ukraina thì sẽ có một đợt trừng phạt “vô cùng đau đớn” nhằm vào Nga. Đó sẽ là các biện pháp mạnh nhất từ trước đến nay đánh vào “túi tiền” của nước Nga, ngành năng lượng và vũ khí.

Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CNN ngày 13/5, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng tất cả mọi quốc gia đều phải chấp nhận những khó khăn khi cùng thực hiện những biện pháp cấm vận đối với liên bang Nga. Phát biểu này dọn đường cho việc EU sẽ chấp nhận sử dụng các biện pháp mạnh nhằm vào Moskva. Nên biết rằng EU nhập khẩu gần như toàn bộ khí đốt từ Nga nên mọi quyết định trừng phạt của Mỹ đối với Nga đều phải “nhòm xem” ông bạn châu Âu của mình có bị ảnh hưởng gì không.

Để chuẩn bị các phương án đối phó với sự cô lập và trừng phạt của phương Tây, Nga quay sang các nước châu Á để tìm kiếm thị trường tiêu thụ khí đốt, vũ khí và ủng hộ ngoại giao. Trung tuần tháng 4/2014, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kết thúc một vòng công du châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Malaysia. Ngoại trưởng Nga đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Putin vào tuần tới.

Hãng tin AFP dẫn lời Điện Kremlin tuyên bố hôm 13/5 rằng Tổng thống Putin sẽ chứng kiến lễ ký kết "các hiệp định quan trọng" về thương mại và năng lượng khi ở thăm Trung Quốc từ ngày 20/5.

Còn ITAR-TASS trích thông cáo của Điện Kremlin nói: "Chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ song phương lên giai đoạn hợt tác chiến lược và đối tác toàn diện mới". Hãng tin này cũng nói ông Putin sẽ tham gia Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin (CICA) nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhằm góp phần vào một châu Á hòa bình và ổn định.

Trước đó trang mạng The Diplomat nói có những tin tức về chuyện Nga và Trung Quốc đang đàm phán hợp đồng quốc phòng lớn nhất từ trước tới nay ngay khi ông Tập Cận Bình tới Nga hồi tháng 3/2014. Trang này nói hợp đồng này bao gồm việc Nga bán cho Trung Quốc bốn tàu ngầm Lada, 24 máy bay chiến đấu Su-35 và các máy bay này sẽ tăng cường khả năng kiểm soát không phận trên Biển Đông.

Cũng trong chuyến thăm này, Tổng thống Putin sẽ chứng kiến lễ ký một hợp đồng khí đốt khổng lồ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho tập đoàn Gazprom của Nga.

Liên quan tới vụ Nga sáp nhập Crưm, quan điểm của Trung Quốc là “bỏ phiếu trắng” tại Hội đồng Bảo an LHQ. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga đã ca ngợi “lập trường cân bằng và khách quan” của Trung Quốc trong hồ sơ Ukraina.

Việc Nga cần Trung Quốc để giải tỏa được áp lực có nguy cơ đè nặng trên kinh tế Nga từ phương Tây đã khiến Bắc Kinh trở nên “có giá”. Kể từ sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 xâm phạm vào vùng chủ quyền của Việt Nam, chưa có phản ứng chính thức nào từ phía chính quyền Nga về vấn đề này.

Về phía Mỹ và châu Âu, ngay khi nổ ra cuộc đối đầu với Nga, giới chính khách và học giả phương Tây đều cho rằng Mỹ và EU cần phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Ukraina. Lý tưởng nhất là Bắc Kinh đứng về phía họ trừng phạt Nga, còn nếu không tệ nhất thì họ phải trung lập.

Sự cần kíp của phương Tây cũng đã khiến Trung Quốc “lên đời”.

Trung Quốc là bậc thầy về tranh thủ thời cơ. Mao Trạch Đông từng nói "Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị". Khi khủng hoảng Ukraina xảy ra, một số học giả cảnh báo, Trung Quốc sẽ "tranh thủ", "tận dụng" lúc các nước lớn và cũng là đối thủ cạnh tranh đang bận rộn để "ra tay".

Soi vào lịch sử, những hành động "ra tay" của Trung Quốc đều rơi vào thời điểm "loạn" như thế này. Năm 1962, cả thế giới nín thở vì khủng hoảng ở Cu Ba. Mỹ và Liên Xô suýt đánh nhau. Vũ khí hạt nhân đã đưa ra. Lập tức Trung Quốc xuất quân đánh Ấn Độ. Cả Liên Xô và Mỹ đều ủng hộ Ấn Độ nhưng không kịp trở tay.

Năm 1972, sau ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ, Trung Quốc ra tay chiếm Hoàng Sa vào năm 1974.

Năm 1988, dư luận quốc tế đang quan tâm giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam chuẩn bị rút quân, Liên Xô đang ngập trong khủng hoảng, buộc thoái lui khỏi Afghanistan thì Trung Quốc ra tay xâm chiếm một số đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam... Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô lúc ấy đang có mặt ở Cam Ranh nhưng không thể giúp Việt Nam giữ được đảo.

Lịch sử còn vô số dẫn chứng như thế nữa về Trung Quốc - kẻ cơ hội nguy hiểm.

Th.Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc