Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư:

Trung Quốc khó "mềm" với Nhật nhưng ngại thách thức Mỹ?

13:20 | 22/10/2012

886 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Hãng tin Kyodo ngày 21/10 dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lãnh đạo Trung Quốc đã tránh đề cập đến quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku như là “lợi ích quốc gia cốt lõi” trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 9 vừa qua, nhằm tránh một cuộc đụng độ ngoại giao với Washington.

>> Trung Quốc tập trận hải quân ở biển Hoa Đông

Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Trong cuộc thảo luận về các vấn đề lãnh thổ với Ngoại trưởng Mỹ Clinton ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không bình luận ám chỉ về chuỗi đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, là một phần của “lợi ích quốc gia cốt lõi”, một thuật ngữ mà Bắc Kinh thường sử dụng khi đề cập đến các vùng lãnh thổ quan trọng mà họ quyết nắm giữ bằng được hoặc đang kiểm soát.

Trước đó, hồi tháng 5, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói Nhật Bản nên tôn trọng các lợi ích cốt lõi và các mối quan ngại của Trung Quốc – một động thái ám chỉ liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bối cảnh của cả 2 sự kiện trên đều diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, mà theo đó, Washington có trách nhiệm hỗ trợ Nhật Bản nếu chuỗi đảo này bị tấn công.

Bên cạnh đó, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, chuỗi đảo không người ở tại Biển Đông nói trên cũng không được nhắc đến như là một lợi ích cốt lõi trong các cuộc họp riêng biệt của Ngoại trưởng Clinton với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hay Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Điều này cho thấy Bắc Kinh khó có thể thay đổi lập trường hay “mềm” hơn trong căng thẳng tranh chấp chủ quyền với Tokyo nhưng mặt khác, lại khá thận trọng khi thách thức Washington về các vấn đề an ninh.

Một cơ sở khác đưa đến lập luận trên là trong Đối thoại Mỹ - Trung về An ninh và Kinh tế năm 2010, khi các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thì chính Trung Quốc lại ngang ngược khăng khăng quan điểm coi quần đảo Trường Sa (của Việt Nam: PV) và các vùng nước xung quanh như là một lợi ích quốc gia cốt lõi của mình. Tuy nhiên, sau đó, Ngoại trưởng Clinton đã khẳng định rằng Washington cũng có “lợi ích quốc gia” ở khu vực này.

Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nâng tầm quan trọng của châu Á lên cao hơn trong chính sách an ninh của mình. Chiến lược quốc  phòng của Mỹ công bố vào hồi tháng Giêng năm nay đã cảnh báo rằng Trung Quốc “sẽ có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và an ninh của chúng tôi trong nhiều cách khác nhau”. Mặt khác, Tổng thống Obama cũng từng kêu gọi Bắc Kinh minh bạch kế hoạch và khả năng phát triển quân sự của mình.

Linh Phương (Theo Kyodo)