Trung Quốc và Nhật Bản vẫn không nhượng bộ nhau

11:05 | 24/09/2012

1,708 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng mới. Vậy là đã gần 2 tuần căng thẳng leo thang, Trung Quốc và Nhật Bản không hề nhượng bộ nhau.

 

 

Tàu Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Trong một diễn biến mới nhất, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc sáng ngày 24/9 dẫn nguồn từ Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, nơi quản lý các tàu hải giám, xác nhận hai tàu hải giám của nước này đã tiến vào vùng biển, được Nhật xem là lãnh hải của mình, xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước. Kyodo News dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật cho biết họ đã gửi kháng nghị chính thức phản đối vụ việc đến đại sứ Trung Quốc tại Tokyo.

Trước đó, Tân Hoa xã ngày 23/9 đưa tin Trung Quốc đã hủy việc tổ chức lễ kỷ niệm đánh dấu 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản dự kiến diễn ra vào ngày 27/9, sau những vụ căng thẳng tranh chấp biển đảo giữa hai nước. Trung Quốc đưa ra tuyên bố hủy lễ kỷ niệm này ngay sau khi hàng trăm người Nhật Bản ngày 22/9 đã xuống đường biểu tình trong ôn hòa nhằm phản đối Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản - Trung Quốc, chỉ vài ngày sau làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản rầm rộ tại Trung Quốc. Trước đó, nhật báo Yomiuri (Nhật) số ra mới đây cho biết, các cuộc biểu tình chống Nhật đang lan rộng và leo thang ở Trung Quốc. Đây là một tình thế hết sức nguy hiểm. Những người biểu tình chỉ trích việc Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku ở Ishigaki, tỉnh Okinawa, Tây Nam Nhật Bản, đã đổ ra đường phố của khoảng 100 thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc.

Song song với các cuộc biểu tình này, Chính phủ Trung Quốc cũng có những hành động gây hấn nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku. Trong một động thái chưa từng có, sáu tàu tuần tra của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku ngày 14/9 cùng một lúc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Nhật Bản lên một cấp độ mới kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1972.

Theo Yomiuri, có lẽ, Trung Quốc bắt buộc phải có hành động vượt quá ranh giới khủng hoảng do Bắc Kinh lo ngại có thể bị mất thể diện trong bối cảnh Chính quyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo bị người dân nước này quy kết là chịu thua Nhật Bản trong vấn đề quần đảo tranh chấp.

Ở Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho rằng “hành động sai trái” của Nhật Bản (quốc hữu hóa ba hòn đảo) đã kích động sự phẫn nộ mang tính cựu hữu ở Trung Quốc, đồng thời bày tỏ Bắc Kinh đồng tình với các cuộc biểu tình chống Nhật. Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại nước này cũng bóng gió rằng việc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản là “hệ quả tất yếu”.

 

Người dân Nhật biểu tình chống Trung Quốc ngày 22/9

Những diễn biến như vậy đã tiếp thêm sự giận dữ của thế hệ trẻ Trung Quốc, dẫn đến những hành động leo thang vừa qua. Theo Yomiuri, Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã quyết định tận dụng triệt để sự giận dữ của người dân chống lại việc quốc hữu hóa Senkaku nhằm gây áp lực về ngoại giao đối với Nhật Bản.

Về quan điểm của phía Nhật Bản, báo Yomiuri đăng bài của cựu Đại sứ Nhật Bản tại Nga Minoru Tamba nói về tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó cho rằng thỏa hiệp về lãnh thổ là điều cấm kỵ. Theo bài báo, sở dĩ gần đây các sự kiện liên quan đến lãnh thổ với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc liên tiếp xảy ra là do Nhật Bản đã tạo ra ấn tượng ở nước ngoài rằng Nhật Bản là một nước yếu đuối trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Nếu Nhật Bản đối phó mềm yếu trong tranh chấp 4 hòn đảo với Nga, chắc chắn Trung Quốc sẽ nói rằng “trên thực tế toàn bộ Okinawa là của Trung Quốc”. Theo một số báo, gần đây một quan chức cao cấp quân đội Trung Quốc đã phát biểu rằng “Okinawa từng là một nước thuộc Trung Quốc”. Một nhà hoạt động Trung Quốc xâm nhập trái phép quần đảo Senkaku cũng nói rằng “không chỉ có đảo Điếu Ngư (Senkaku) mà cả Okinawa cũng là lãnh thổ của Trung Quốc”. Theo một cuộc thăm dò dư luận chung của báo chí Trung Quốc và Đài Loan, 90% người Trung Quốc ủng hộ việc chiếm lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Trong tranh chấp lãnh thổ với 3 nước trên, cựu Đại sứ Tamba cho rằng chính phủ Nhật Bản cần tăng cường hoạt động quảng bá lập trường của Nhật Bản như phát phim liên quan đến lãnh thổ trên Internet. Ngành giáo dục ở trong nước cũng cần đề cập nhiều hơn, tăng cường hoạt động quảng bá về vấn đề này và cần tổng động viên hoạt động quảng bá rộng rãi ở nước ngoài.

Cựu Đại sứ kết luận trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang biến động, Nhật Bản cần phải theo tư duy khi cần nhẫn nhịn thì nhẫn nhịn, khi cần tấn công phải tấn công.

S.Phương (Tổng hợp)