Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Ukraina lại “ăn bánh vẽ” của EU

09:32 | 17/09/2014

1,696 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị viện châu Âu và quốc hội Ukraina vừa cùng chính thức phê chuẩn Hiệp định liên kết giữa EU và Ukraina. Tuy nhiên, bản hiệp định lại chỉ có hiệu lực về mảng chính trị. Các điều khoản về kinh tế chỉ được áp dụng vào năm 2016.

Ukraina lại “ăn bánh vẽ” của EU

Nghị viện EU và Quốc hội Ukraina cùng bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định liên kết qua truyền hình trực tuyến

Ngày 16/9, các nghị sĩ châu Âu tại Strasbourg và các đồng nghiệp tại Kiev đã đồng thời bỏ phiếu thông qua hiệp định liên kết này. Màn bỏ phiếu diễn ra khá màu mè: nghị viện hai bên được nối với nhau qua màn hình truyền hình trực tiếp phiên họp.

Hiệp định liên kết giữa EU và Ukraina được Tổng thống Petro Poroshenko ký kết ngày 27/6/2014 tại Bruxelles. Đây là hiệp định bị chính cựu Tổng thống Viktor Ianoukovitch từ chối ký kết vào cuối năm ngoái, sau đó khiến Ukraina rơi vào khủng hoảng.

Việc quốc hội Ukraina thông qua Hiệp định liên kết với EU được truyền thông phương Tây đánh giá là một “nhát chém dứt khoát” cho quan hệ giữa Ukraina và Nga, chính thức đưa Kiev vào sân chơi của châu Âu.

Tuy nhiên, để Ukraina thoát khỏi ảnh hưởng của Nga không phải chuyện dễ dàng. Minh chứng là chỉ có vế chính trị trong hiệp định trên có hiệu lực tức thì sau khi được phê chuẩn, còn vế kinh tế thì bị trì hoãn lại đến năm 2016 thay vì sẽ được áp dụng ngay từ ngày 1/11 tới đây.

Lý do của sự trì hoãn này là vì EU sợ Nga trả đũa kinh tế. Theo giải thích của một nhà ngoại giao châu Âu thì một số thành viên lo EU ngại bị Nga trả đũa cấm vận đưa đến "chiến tranh khí đốt". Một lý do khác là để tránh cho Ukraina phải trả cái cái giá quá cao về kinh tế trong khi đất nước đang khủng hoảng.

Hiện nay, nền kinh tế Ukraina và Nga quá lệ thuộc vào nhau. Ukraina không thể bỏ thị trường Nga và nhân công của quốc gia láng giềng. Nếu lĩnh vực kinh tế, thương mại trong hiệp ước hội viên liên kết giữa EU và Ukraina có hiệu lực ngay, thì bao nhiêu hàng hóa của châu Âu nhập vào Ukraina sẽ tràn ngập thị trường và tác động xấu tới kinh tế Nga.

Moskva đã thông báo là sẽ ban hành nhiều biện pháp bảo hộ kinh tế, ngăn chặn lượng hàng hóa của EU, qua trung chuyển Ukraina, tràn ngập thị trường Nga. Một khi Nga đóng cửa biên giới với hàng hóa của Ukraina thì kinh tế của nước này lập tức suy sụp.

Chính báo chí phương Tây đã bình luận việc trì hoãn trên như một gáo nước lạnh mà EU dội xuống đầu chính quyền Kiev. Còn theo chính quyền Ukraina, thì đây là một ví dụ cụ thể cho thấy châu Âu nhượng bộ yêu sách của Nga.

EU đang chìm trong khủng hoảng kinh tế nên không thể có tiền chi viện cho Ukraina. Cho nên EU chỉ còn biết cách vẽ ra cái bánh để kéo Ukraina về phía mình.

Đối với Nga, đây là một thành công bước đầu. Từ giờ đến năm 2016, Moskva có thể yêu cầu kéo dài thời hạn áp dụng các điều khoảng kinh tế trong hiệp định EU-Ukraina, khi đó mọi chuyện có thể sẽ lại khác.

 

H.Phan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc