Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Vì sao Nga công nhận kết quả bầu cử quốc hội Ukraina?

15:24 | 29/10/2014

5,097 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như ngay từ đầu Nga đã phản đối cuộc bầu cử quốc hội Ukraina được tổ chức hôm 26/10 thì tại sao càng sát ngày bầu cử, Moskva lại càng tỏ dấu hiệu chấp nhận cuộc bỏ phiếu này và thậm chí còn chính thức công nhận kết quả?

Vì sao Nga công nhận kết quả bầu cử quốc hội Ukraina?

Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố Nga công nhận kết quả bầu cử quốc hội Ukraina ngày 26/10

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 27/10 tuyên bố Moskva công nhận kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tại Ukraina. Tuy nhiên, ông cho rằng sự có mặt của nhiều nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong Quốc hội Ukraina là điều đáng lo ngại.

Phát biểu trên một kênh truyền hình Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng rằng Quốc hội mới của Ukraina sẽ nhanh chóng thành lập một Chính phủ xây dựng, hướng tới không phải là đối đầu mà là tập trung cho công việc chung, trong đó có Nga và làm việc vì lợi ích của nhân dân Ukraina.

Theo ông Lavrov, thực tế là cuộc bầu cử đã diễn ra, mặc dù không phải trên toàn bộ lãnh thổ Ukraina. Nước Nga công nhận kết quả này, bởi với chính quyền và người dân Nga, quan trọng hơn cả là để cuối cùng ở Ukraina có một chính thể, không phải lo tranh đấu lẫn nhau và lôi kéo Ukraina về phía Đông hay phía Tây, mà nhằm giải quyết các vấn đề thực tế của đất nước.

Nhận định cuộc bầu cử quốc hội ngày 26/10 có thể mở ra cơ hội mới cho Ukraina, tạo điều kiện cho việc trở lại thực thi thoả thuận Minsk, song Mokva cảnh báo, sự hiện diện của số lượng lớn các thành viên theo đường lối “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” trong cơ quan lập pháp Ukraina sẽ làm phức tạp hơn tình hình ở miền đông đất nước.

Ông Lavrov nói: “Tôi không gọi đó là chiến thắng của các đảng phái cấp tiến, mà nói theo cách thông thường là họ đã qua cửa ải vào quốc hội. Việc có mặt của những thành phần này trong quốc hội Ukraina thực sự là điều đáng ngại. Còn nhớ, trong cuộc bầu cử kỳ trước vào tháng 12/2012, khi Đảng Tự do vào quốc hội, chính châu Âu đã phản đối vì những quan điểm dân tộc cực đoan này”.

Mặc dù vậy, lúc này Nga vẫn hy vọng vào cách tiếp cận thực tế và hợp lý của quốc hội mới ở Ukraina trong việc giải quyết các vấn đề của Kiev, trong đó có việc thực hiện thoả thuận Minsk, khởi đầu cuộc đối thoại rộng rãi toàn dân để sớm ổn định tình hình đất nước.

Theo các nhà phân tích, việc Nga thừa nhận kết quả cuộc bầu cử quốc hội Ukraina ngày 26/10 hạm chứa một thông điệp ngầm. Đó là qua đó muốn chứng tỏ một điều rằng Moskva chính thức thừa nhận sự chia rẽ lãnh thổ của Ukraina và công khai ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông.

Thực tế là trong cuộc bầu cử quốc hội ở Ukraina hôm 26/10 đã không có sự tham gia của hai tỉnh miền đông là Donetsk và Lugansk. Không diễn ra đồng thời trên khắp đất nước thì mọi cuộc bầu cử dân chủ chỉ có tính hợp pháp hạn chế. Cơ quan lập pháp không đủ tính đại diện cho cả đất nước thì tính hợp pháp của hành pháp cũng bị hạn chế.

Trong bối cảnh ấy, việc phe ly khai tổ chức bầu cử riêng (dự kiến vào ngày 2/11 này) vừa khẳng định chủ ý ly khai lại vừa nhấn mạnh tính hợp pháp hạn chế của cuộc bầu cử nói trên. Sự ủng hộ của Nga chẳng khác gì tách bạch rõ ràng vùng do phe ly khai kiểm soát với phần còn lại của lãnh thổ Ukraina về chính trị, pháp lý và quyền lực.

Đó là cách giúp phe ly khai nâng cao vị thế để thuận lợi hơn trong cuộc đối đầu về chính trị, pháp lý và quân sự với chính phủ. Một sự công nhận tưởng chừng chỉ mang tính ngoại giao nhưng đầy chủ ý và có thể sẽ khiến quan hệ giữa Nga và Ukraina thêm căng thẳng thời gian tới.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc