Vì sao ông Obama vội vã thăm Myanmar?

15:00 | 11/11/2012

856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 19/11 này, Tổng thống Mỹ Obama sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ tới Myanmar. Chuyến thăm này được giới quan sát bình luận là nhằm gia tăng đồng minh để kiềm chế Trung Quốc.

 

Tổng thống Myanmar Thein Sein (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 19/11/2011

Thực tế thì ông Obama không chỉ đi Myanmar. Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau khi tái cử, Tổng thống Obama sẽ thăm từ 15 đến 20/11 cả Thái Lan và Campuchia, nơi hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, Myanmar là điểm dừng mà báo chí thế giới đặc biệt chú ý.

Myanmar đã trải qua gần nửa thế kỷ dưới chính quyền quân sự. Myanamar trong suốt mấy chục năm bị quốc tế cô lập và chịu những áp đặt trừng phạt kinh tế. Có lẽ riêng Trung Quốc đã là nước duy nhất duy trì quan hệ bình thường với Myanmar. Trung Quốc tăng cường sự hiện diện kinh tế và quân sự trong khu vực chiến lược quan trọng thuộc đông bắc Ấn Độ Dương nằm kề biên giới phía nam đất nước.

Vào cuối năm ngoái, Mỹ tuyên bố một sự đảo ngược trong chiến lược đối ngoại. Châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực quan tâm ưu tiên. Bất kỳ quan sát viên nào cũng đều nhận thấy, việc Mỹ chuyển hướng chú ý đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương mang động lực mục tiêu hàng đầu kiềm chế chiến lược Trung Quốc. Theo Boris Volkhonsky thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, Myanmar không tiếp cận trực tiếp với Thái Bình Dương, nhưng sự ảnh hưởng của Trung Quốc đâu chỉ giới hạn với đại dương này và các vùng biển lân cận.

Trong những năm qua, Trung Quốc tích cực khẳng định sự hiện diện kinh tế và quân sự ở Ấn Độ Dương (chiến lược này được nhắc tới trong văn học Mỹ với cái tên "chuỗi ngọc trai")”.

Ngay sau khi chế độ ở Myanmar bày tỏ những động thái mang xu thế dân chủ hóa, Mỹ vội vã nắm bắt cơ hội hi vọng kiềm chế hiệu quả Trung Quốc. Phần lớn các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar đã được Mỹ gỡ bỏ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm Myanmar vào cuối năm ngoái. Tiếp theo đó là các nhà lãnh đạo phương Tây khác, bao gồm có Thủ tướng Anh David Cameron. Vào tháng 9/2012, thủ lĩnh đối lập của Myanmar là bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình đã đến Mỹ. Giờ tới lượt Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Myanmar.

Nhiều người ở Mỹ cho rằng đây là chuyến đi hấp tấp. Nhưng nhận xét về điều này, Boris Volkhonsky cho rằng: “Khi lợi ích của các tập đoàn lớn ở Mỹ được đặt lên bàn cân, các doanh nghiệp hồi hộp chờ đợi cơ hội tiếp cận thị trường Myanmar với gần 50 triệu dân hầu như chưa được khai thác, cộng thêm nhiệm vụ kiềm chế đối thủ địa chính trị là Trung Quốc, thì có thể tạm quên đi những khẩu hiểu của chính sách đối ngoại Mỹ như "vì dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới”.

Các chuyên gia kết luận rằng, chuyến thăm sắp tới, cũng như toàn bộ chính sách của Mỹ ở châu Á và Thái Bình Dương chỉ thêm nhấn mạnh một thực tế là các khẩu hiệu về dân chủ và nhân quyền được sử dụng một cách rất chọn lọc.

S.Phương (Theo RIA)