Kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2020 của Trung Quốc:

Gia tăng “cơn khát dầu”

09:09 | 01/12/2014

928 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi Tân Hoa xã dẫn thông tin của Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc về “Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng giai đoạn 2014-2020”, dư luận trong và ngoài khu vực đã đặc biệt chú ý.

Bởi theo kế hoạch kể trên, Bắc Kinh xác định rõ 5 nhiệm vụ chiến lược trong phát triển năng lượng của Trung Quốc, bao gồm tăng cường năng lực đảm bảo tự chủ năng lượng; thúc đẩy cách mạng tiêu dùng năng lượng; ưu việt hóa kết cấu năng lượng; mở rộng hợp tác quốc tế năng lượng; thúc đẩy sáng tạo khoa học kỹ thuật năng lượng.

Gia tăng “cơn khát dầu”

Một giếng khai thác dầu của Trung Quốc

Theo tờ Want China Times, căn cứ theo “Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng giai đoạn 2014-2020”, Trung Quốc sẽ khai thác những mỏ dầu lớn có khả năng cung cấp 6 triệu thùng/năm ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố kế hoạch khai thác dầu quy mô lớn ở Biển Đông. Được biết, Trung Quốc đã khai thác dầu tại nhiều khu vực ven bờ với tổng diện tích khoảng 160.000 km² tại Biển Đông, và với sự phát triển của công nghệ, Bắc Kinh đang có kế hoạch phát triển các giàn khoan ngoài khơi xa.

Kế hoạch này cũng nêu rõ, việc khai thác dầu khí trên biển của Trung Quốc sẽ dựa theo phương châm “lấy gần nuôi xa, xa gần kết hợp, tự chủ khai thác và hợp tác với nước ngoài”; tăng cường thăm dò khai thác ở khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Bột Hải, tăng cường phân tích tình hình khai thác dầu khí nước sâu ở Biển Đông...

Ngày 20/11, Cục Thống gia quốc gia Trung Quốc thông báo giai đoạn 1 của kế hoạch dự trữ dầu mỏ đã hoàn tất. Theo đó, kế hoạch dự trữ dầu có khả năng dự trữ 16,4 triệu m3 dầu với 12,43 triệu tấn. Giai đoạn 1 của kế hoạch dự trữ bao gồm 4 kho dự trữ ở Chu San và Trấn Hải (tỉnh Chiết Giang), Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) và Hoàng Đảo (tỉnh Sơn Đông). Chương trình dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia của Trung Quốc được thực hiện từ năm 2004 và theo công bố hôm 19/11 của Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc về “Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng giai đoạn 2014-2020”, ngoài các mỏ dầu trong đất liền, Trung Quốc sẽ tập trung hiện đại hóa công nghệ và tìm kiếm đối tác nước ngoài để gia tăng năng suất khai thác dầu ở các vùng biển Bột Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo giới truyền thông Đài Loan, Bắc Kinh sẽ khai thác 9 mỏ dầu lớn ở khu vực biển Bột Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông nhằm “bảo vệ nguồn năng lượng của Trung Quốc". Trung Quốc sẽ xây dựng 9 mỏ dầu lớn có trữ lượng 10 triệu tấn như mỏ Đại Khánh, Liêu Hà, Tân Cương, Tháp Lý Mộc, Thắng Lợi, Trường Khánh, Bột Hải, Diên Trường.

Ngày 28/11, tờ Hongkong Commercial Daily cho rằng, kế hoạch này nhắm đến các mỏ dầu xa bờ. Và động thái này chắc chắn đẩy Bắc Kinh vào vòng xoáy xung đột với các quốc gia láng giềng. Theo giới chuyên môn, sở dĩ Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí xa bờ bởi Trung Quốc đã phát triển thành công công nghệ khoan dầu ở vùng biển sâu và trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước đang ngày một tăng nhanh.

Theo ước tính của tờ Hongkong Commercial Daily, nếu Bắc Kinh có thể khai thác được 1/3 lượng dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông trong vòng 20 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể tăng từ 1% đến 2%.

Gia tăng “cơn khát dầu”

OPEC cho rằng thị trường sẽ tự bình ổn

Gần 6 tháng trước (16/6), Viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Nhà Xuất bản Văn hiến công bố “Sách Xanh năng lượng thế giới: Báo cáo phát triển năng lượng thế giới 2014” tại Bắc Kinh. Trong đó nhấn mạnh, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng về an ninh năng lượng. Vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở mâu thuẫn giữa cung ứng năng lượng và mô hình phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Để có thể ứng phó với sự biến đổi cơ cấu năng lượng thế giới, Sách Xanh kiến nghị, Bắc Kinh cần tích cực thúc đẩy ngoại giao, dựa theo chiến lược “một con đường, một vành đai” để xây dựng trọng điểm năng lượng của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cần nỗ lực nâng cao vị trí trên thị trường năng lượng thế giới, đồng thời giảm thiểu những biến động về giá dầu quốc tế...

Theo giới truyền thông, năm 2010, với GDP đạt 5.879,9 tỉ USD, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Và để duy trì tốc độ phát triển kinh tế này, Trung Quốc luôn cần một nguồn năng lượng ổn định để đảm bảo vận hành nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó, Trung Quốc đã và đang tích cực xây dựng chiến lược an ninh năng lượng đến năm 2020. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, chính sách năng lượng của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tới các nước láng giềng.

Hơn 2 năm trước (23/6/2012), Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng mời nước ngoài đấu thầu thăm dò 9 lô dầu khí ở khu vực mà Bắc Kinh tự cho là nằm trong "vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" ở Biển Đông. Bởi những lô dầu kể trên nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Theo tờ Les Echos, Trung Quốc dự tính có từ 17 đến 50 tỷ tấn dầu ở Biển Đông. Còn theo hãng Reuters, tháng 7/2014, CNOOC tuyên bố, đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng nổi trị giá hàng tỷ USD để khai thác khí đốt tại vùng nước sâu của Biển Đông. CNOOC cũng cho biết, giàn khoan Nam Hải 09 đã hoàn thành khoan thăm dò nước sâu tại Biển Đông.

Theo “Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng giai đoạn 2014-2020”, Bắc Kinh đề ra yêu cầu thúc đẩy sáng tạo, tăng cường an ninh và phát triển khoa học năng lượng. Kế hoạch này nêu rõ năng lượng là cơ sở và động lực của hiện đại hóa và việc cung ứng, cũng như an ninh năng lượng có liên quan đến chiến lược hiện đại hóa ở Trung Quốc. Đồng thời nhấn mạnh, để đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc đến năm 2020, cần từng bước đi sâu cải cách thể chế năng lượng, kiện toàn và hoàn thiện chính sách năng lượng, các bộ ngành, các khu vực phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện.

 

Tuấn Quỳnh