Huyền Cao dùng mưu lui quân Tần

10:42 | 29/03/2019

9,396 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tấn Văn Công đánh bại được Sở, hội họp chư hầu. Quốc quân các nước vốn đi theo Sở như Trần, Thái, Trịnh cũng đến dự họp. Nước Trịnh tuy ký minh ước với Tấn, nhưng vẫn sợ Sở, nên lại ngầm kết minh với Sở.

Tấn Văn Công được tin đó, dự định lại hội họp chư hầu để đem quân đánh Trịnh. Các đại thần nói: "Đã họp chư hầu mấy lần rồi. Binh mã nước ta cũng đủ để đối phó với Trịnh, hà tất phải làm phiền các nước nữa".

Tấn Văn Công nói: "Cũng được, nhưng Tần đã ước hẹn với ta là có việc gì thì cũng xuất binh, nên không thể không mời họ".

Tần Mục Công đang muốn mở rộng thế lực sang phía đông, liền đích thân dẫn quân tới nước Trịnh. Quân Tấn đóng ở phía tây, quân Tần đóng ở phía đông, thanh thế rất lừng lẫy. Quốc quân nước Trịnh sợ hãi, vội cử một người ăn nói giỏi là Chúc Chi Vũ đến khuyên Tần Mục Công lui quân.

Chúc Chi Vũ nói với Tần Mục Công: "Hai nước Tần, Tấn cùng đánh nước Trịnh thì nước Trịnh tất sẽ mất. Nhưng Trịnh và Tần rất xa nhau. Nước Trịnh mất, đất đai sẽ hoàn toàn thuộc về nước Tấn, thì thế lực Tấn càng mạnh thêm. Ngày nay, Tấn diệt Trịnh ở phía đông, ngày mai có khả năng họ lại xâm phạm Tần ở phía tây, thì có gì tốt với nước ngài? Ngoài ra nếu nước Tần giảng hòa với chúng tôi, thì về sau, sứ giả của quí quốc qua lại, nước Trịnh sẽ tiếp đãi trân trọng, sẽ thuận lợi cho nước ngài. Mong ngài suy xét cho".

Tần Mục Công nghĩ tới việc lợi hại đối với mình, liền đồng ý giảng hòa với Trịnh. Ngoài ra, còn phái ba viên tướng dẫn hai ngàn quân giúp nước Trịnh giữ cửa bắc thành, còn mình dẫn số quân còn lại về nước.

Tấn thấy quân Tần rút về thì nổi giận. Có người chủ trương đuổi theo, đánh cho một trận, có người nói nên diệt hết hai ngàn quân Tần ở cửa bắc.

Tấn Văn Công nói: "Không có sự giúp đỡ của quân Tần, ta sẽ có biện pháp khác". Ông không đồng ý đuổi đánh quân Tần, mà tìm cách lôi kéo quân Trịnh về phía mình cùng nhau lập minh ước, rồi rút quân về nước.

Ba tướng Tần ở nước Trịnh thấy Trịnh lại ngả theo Tấn thì vô cùng giận giữ, liền cử người về tâu với Tần Mục Công, yêu cầu lại đánh nước Trịnh. Tần Mục Công được tin, tuy rất bực bội, nhưng không muốn gây sự với Tấn Văn Công, đành tạm thời nín nhịn.

Hai năm sau, tức là năm 628 trước Công nguyên, Tấn Văn Công chết, con là Tương Công nối ngôi. Có người lại khuyên Tần Mục Công đánh Trịnh. Họ nói: "Vua Tấn là Trùng Nhĩ vừa chết, chưa cử hành tang lễ. Ta nhân dịp này đánh Trịnh thì Tấn quyết không thể nhúng tay được".

Ba tướng Tần còn ở nước Trịnh cũng dâng biểu về nói: "Việc phòng thủ cửa bắc của nước Trịnh nằm trong tay chúng thần, nếu bí mật đem quân tập kích thì nhất định thành công".

Tần Mục Công triệu tập các đại thần bàn cách đánh Trịnh. Hai đại thần có kinh nghiệm nhất là Kiển Thúc và Bách Lý Hề đều phản đối. Kiển Thúc nói: "Điều động đại quân đi đánh một nước xa như thế, ta hành quân mỏi mệt, mà đối phương đã chuẩn bị sẵn sàng thì sao có thể thắng được, vả lại đường hành quân xa như thế thì giấu được ai?"

Tần Mục Công không nghe, liền cử con của Bách Lý Hề là Mạnh Minh Thị làm đại tướng, hai con của Kiển Thúc là Tây Khuất Truật và Bạch Ất Bính làm phó tướng đem theo ba trăm xe trận, bí mật đi đánh nước Trịnh.

Tháng hai năm sau, quân Tần đến địa giới nước Hoạt (nay thuộc tỉnh Hà Nam), bỗng có người ngăn đường, xưng là sứ thần của nước Trịnh, xin gặp tướng Tần.

Mạnh Minh Thị giật mình, tự ra tiếp kiến người đó và hỏi anh ta đến làm gì.

"Sứ thần" đó nói: "Tôi là Huyền Cao. Vua nước tôi nghe tin ba vị tướng quân đến nước Trịnh, nên phái tôi mang chút lễ vật nhỏ mọn để úy lạo tướng sĩ của quí quốc, tỏ chút lòng thành của chúng tôi". Sau đó, dâng lên bốn tấm da bò thuộc và mười hai con bò béo.

huyen cao dung muu lui quan tan

Tích truyện Huyền Cao giả mệnh khao quân Tần được lưu lại bằng tượng trong lăng mộ cổ của đời Tần - Trung Hoa

Mạnh Minh Thị vốn dự định tập kích bất ngờ trong lúc quân Trịnh không phòng bị. Thế mà nay sứ thần nước Trịnh đã từ xa đến úy lạo quân đội, chứng tỏ rằng nước Trịnh đã biết từ lâu, yếu tố bất ngờ không còn nữa.

Mạnh Minh Thị nhận lễ vật của Huyền Cao và nói: "Chúng ta không đến nước Trịnh đâu, nước ngài không cần phải lo toan, xin hãy về đi".

Khi Huyền Cao đi khỏi, Mạnh Minh Thị nói với những người dưới quyền: "Nước Trịnh đã phòng bị, tập kích không có hy vọng thành công. Chúng ta rút về thôi". Nói xong, diệt nước Hoạt, rồi đem quân về.

Kỳ thực, Mạnh Minh Thị đã mắc lừa Huyền Cao. Huyền Cao vốn là người buôn bò, đang lùa bò sang Lạc Ấp để bán thì gặp quân Tần ở giữa đường. Ông ta thấy rõ ý định của quân Tần, nếu quay trở lại báo với nước Trịnh thì không kịp, liền nảy ra một mẹo, mạo xưng là sứ thần của nước Trịnh để đánh lừa Mạnh Minh Thị, một mặt sai người đi gấp ngày đêm về nước cấp báo.

Vua Nước Trịnh nhận được tin, vội sai người đến cửa bắc để xem động tĩnh của số quân Tần ở đó, quả nhiên phát hiện họ đang mài đao, kiếm sáng loáng, cho ngựa ăn no để chuẩn bị đánh trận. Vua Trịnh liền không còn giữ khách khí, hạ lệnh đuổi khéo số quân Tần đó về nước, và nói: "Các vị ở nước Trịnh đã quá lâu chúng tôi thật không thể cung cấp lương ăn được nữa. Nghe nói các vị đang chuẩn bị về nước. Xin cứ tự nhiên".

Ba tướng Tần biết chuyện đã bị lộ, thấy không thể ở lại được nữa, liền rút quân ngay trong đêm đó.

Ngọc Minh (st)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.