Bức tâm thư của cô tân sinh viên nghèo

10:17 | 01/10/2012

1,325 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Trong những ngày này, Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin đang soát xét những hồ sơ từ hơn 700 bộ hồ sơ của các tân sinh viên gửi về. Trong đó có cả những bức tâm thư được các em gửi Ban lãnh đạo Quỹ bày tỏ tấm lòng của mình về cuộc sống, học tập và ước mong trở thành thành viên của Quỹ. Petrotimes xin trích đăng bức thư của em Nguyễn Thị Thúy xóm Hòa Bình, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Cháu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mẹ cháu đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, chịu thương chịu khó. Bố cháu phải nghỉ học khi lên lớp 7 vì gia đình nội quá đông con (7 người), mẹ cháu học đến lớp 9 thì phải dừng học. Bên nội và bên ngoại, các bác, các chú, các cô, các dì của cháu không có một ai là người làm công ăn lương hay có chức vụ gì, họ cũng là những người nông dân lam lũ, vất vả, nhọc nhằn cho miếng cơm manh áo. Cách đây 6 năm, ông ngoại cháu mất vì bệnh tim do không có tiền chữa trị.

Mười bảy tuổi, mẹ cháu lững thững theo chồng về làm dâu, khi ấy bố cháu 22 tuổi. Bố mẹ cháu không biết làm gì khác ngoài gắn bó với đồng ruộng. Kí ức tuổi thơ và cho đến tận bây giờ cháu vẫn nhớ hình ảnh bố ra đồng cùng con trâu, đè nặng trên vai là cái cày, cái bừa cùng chai nước. Bố cháu cứ quần quật cày bừa hết đồng này sang đồng khác. Chỉ làm mẫu ruộng của nhà thôi cũng đã mệt nhoài rồi, nhưng bố tham công tiếc việc và cũng bởi hoàn cảnh phải như thế, bố lại cày thuê bừa mướn đến mẫu ruộng cho người ta. Ngày mùa đến, mọi người cứ gọi bố cháu tíu tít, ai cũng muốn làm cho ruộng nhà mình trước. Bố cháu cứ tính làm mà không nghỉ ngơi, trưa thì ăn cơm ngoài đồng. Nhưng cũng có lúc bố phải “họ” trâu giữa ruộng bởi con trâu dường như kiệt sức, nó cứ thở hồng hộc, có quất nó cũng không đi, thế có nghĩa nó cũng cần giải lao một chút. Không phải là bố cháu khỏe hơn trâu, mà bố cháu cứ "tham", cứ "cố" cho dù đã mấy lần không bõ tiền thuốc thang, nằm đau ốm ở nhà. Số tiền bố cháu kiếm được không là bao, có những người khất nợ từ vụ này sang vụ khác có trả cho đâu.

Mẹ cháu là một người phụ nữ nghèo khổ, tần tảo sớm hôm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hết đi cấy rồi đi gặt, làm hoa màu, quanh năm suốt tháng cứ một mình gánh lấy biết bao công việc đồng ruộng. Cháu đã quá quen thuộc với những lần 3 - 4 giờ sáng bố mẹ ra đồng làm ruộng cùng cái cày, cái cuốc; cũng không lạ gì khi trời đã tối, bố mẹ mới bập bõm về nhà, ăn xong bữa cơm đạm bạc, làm hết việc nhà thì cũng đã khuya, rồi chợp mắt mấy canh, ngày hôm sau cuộc sống lại lặp lại như thế. Nhà cháu chỉ có 2 sào ruộng, nhà nội cho bố cháu một sào tận đồng sâu, nhà ngoại cho mẹ cháu một sào ruộng đồng trũng, cách nhà 3 cây số nhưng bố mẹ cháu vẫn làm. Bố mẹ vẫn thường bảo "có làm thì mới có ăn". Bố mẹ làm nhiều ruộng như vậy cũng là bởi tính chuyện chăn nuôi. Nhưng than ôi! Nuôi lợn lợn chết; nuôi gà, gà toi. Rồi bố mẹ tiếp tục chăn nuôi, gây giống khác. Kết quả nhận lại chỉ là sự thua lỗ nặng nề.

Em Nguyễn Thị Thúy - SV ĐH Ngoại Thương

Tại sao sau chừng ấy năm, từ ngày cháu còn bé cho tới giờ đã hết tuổi học sinh mà điều kiện hoàn cảnh gia đình cháu vẫn vậy?. Chẵng thấy khấm khá hơn là bao? Đã bao năm vẫn lặp lại hình ảnh mẹ cha khốn khó, lam lũ, cháu chỉ thấy sự thay đổi lớn nhất là mẹ cha đang ngày một già đi trông thấy, trán cha đã nhăn nhăn những nếp, khóe mắt mẹ hằn sâu vết chân chim. Dường như mỗi ngày hai chị em lớn lên, gánh nặng cuộc đời đã nặng rồi giờ còn nặng hơn chùn vai cha mẹ. Áo cha thêm rách, lưng mẹ thêm còng. Phải chăng cuộc đời muốn thử thách mà luôn đặt ra những khó khăn ngổn ngang cho cha mẹ?. Nhiều lần thương bố mẹ, cháu đã khóc nhưng không để cho  bố mẹ biết được. Gia đình làm ăn không gặp may, bố mẹ cứ ngược cứ xuôi làm nghề này nghề khác, khi thì đóng gạch ba banh 200 đồng/viên, lúc thì trồng cà chua, rau mùi ế ẩm đến nỗi cho không người ta cũng chẳng lấy. Rồi bố mẹ lận đận người ta thuê gì làm nấy, miễn là kiếm ra tiền, từ việc đi khuôn vác thuê, xách vữa, phụ hồ đến việc đi phun thuốc thuê đều làm hết.

Còn nhớ buổi chiều mùa hạ năm ngoái, đất trời như tức tưởi gì, giận dỗi gì cứ ào ào trút những cơn mưa xối xả xuống khắp miền quê bọt tung trắng xóa. Trong nhà, bố mẹ và hai chị em cháu mỗi người đã cố tìm cho mình một chỗ để khỏi dính mưa, mỗi người một góc, tất cả đang ngơ ngác, đìu hiu nhìn ra ngoài trời mưa nước, bố có vẻ đang trầm ngâm nghĩ suy điều gì, thì ánh mắt đượm buồn của mẹ đang đưa mắt nhìn khắp ngôi nhà đã loáng bóng màu nước. Tất cả ngoại cảnh tạo cho cháu viết bài thơ "Khi mưa" được nhà thơ Phạm Đức - Đài Tiếng nói Việt Nam thẩm định là "hay", "đáng yêu". Trong trương trình văn nghệ thiếu nhi hôm ấy, bố mẹ cháu đã vỡ òa trong niềm xúc động khi nghe bài thơ này, đặc biệt tác giả là cháu, đó cũng là một trong những cách mà cháu có thể làm cho bố mẹ vui. Cháu xin chia sẻ bài thơ này:

Trời bị che khuất

Mây đen kéo về

Gió thổi ào ạt

Rồi mưa tuôn rơi

 

Mưa rơi tí tách

Trên hiên mái nhà

Mưa ơi có biết?

Trong nhà cũng mưa

 

Mái ngói chưa thay

Viên lành viên rách

Căn nhà ngóc ngách

Lại khổ vì mưa

 

Chỗ nào cũng ướt

Từ chum lúa vàng

Tới chỗ em ngủ

Ẩm xìu vì mưa

 

Mưa ơi có biết

Bố em nghỉ làm

Mẹ không có việc

Cả nhà trông mưa

 

Ngóng trời hãy tạnh

Để nắng mai về

Ba mẹ làm việc

Xây nhà không mưa.

Căn nhà của gia đình cháu xây cách đây gần 30 năm (1986) đã xuất hiện những vết nứt, lớp hồ tường nhiều chỗ đã bong hết ra để hở những hàng gạch cũ. Lúc nhà cháu mới dọn ra ở riêng, căn nhà cấp 4 này chỉ có nền nhà bằng đất xù xì, sau hai ba năm nhà cháu mới mua gạch lát được nhà nhưng chỉ đủ tiền lát gạch đỏ ngoài nhà thôi, còn gian buồng một bên là để thùng lúa cùng đồ đạc linh tinh, một bên là tấm phản ngủ cùng góc học tập eo hẹp của cháu vẫn là nhà đất. Ngày đấy bố cháu bảo sau này sẽ lát gạch nốt, mãi cho tới giờ vẫn vậy, hình như bố quên mất lời hứa ấy rồi! Mưa! Trong nhà cũng mưa, mọi thứ ẩm ướt hết cả. Nào chậu, nào thùng, nào xô, nào áo mưa được "huy động" đặt chỗ này, che chỗ khác, cả nhà cứ lục đục để che lúa, quần áo, sách vở...

Ngôi nhà của em Thúy

Ấy vậy mà chỉ sau 1 cơn mưa rào, nền nhà lại loang lên vì nước. Trong buồng ẩm thấp, mặt đất cũng dấp dính hết chân. Bỗng cả nhà thấy vũng nước, cứ ngỡ con cún nó trốn mưa vào nhà rồi tè ra đấy, bố hét đuổi con cún ra, nhưng sau vũng nước ấy lại trở nên nhiều hơn. Mẹ nói "Ôi trời ơi! Mưa to, mà nhà lại thấp, nước rò rỉ qua kẽ nứt vào là phải thôi". Bố chép miệng thở dài. Cháu đâm ra kêu ca với bố: "Bố ơi! bố lợp lạo ngói đi mà". Bố cháu cứ hẹn lần hẹn lượt năm này qua năm khác nhà cháu vẫn dột đấy thôi. "Nếu không lợp được tất cả bố thay ngói gian buồng cho con cũng được”. Nhưng sao mãi bố không làm, để những đêm bão bùng, cháu bàng hoàng tỉnh giấc, vì mưa tí tách rơi trên mặt, mưa hắt ướt hết chăn màn, cháu cố gắng nằm o ép, quay ngang quay ngược nhưng vẫn không tránh được ướt, cháu đành ngồi vậy.

Làm sao quên được những đêm nghe tiếng sấm trời giận dữ báo hiệu mưa to bão lớn, cháu chợt tỉnh dậy, hốt hoảng tìm vài thứ để che sách vở, thậm chí có lần cháu còn mếu máo khóc nữa, đã bao lần sách vở bị ướt hết rồi! Có phải vì vậy mà cháu thấy ghét mưa từ hồi nào không rõ? Mưa thật là phiền nhiễu. Có khi tối đang học bài, mưa dột mưa hắt theo bụi ướt hết sách vở đang học, cháu chuyển bàn sang trái cũng ướt rồi lại sang phải, cứ loay hoay mãi! Dở khóc, dở cười, cứ chỗ gần bóng đèn điện thì lại bị dột nước. Thế là cháu lấy cái mẹt to sàng sẩy của mẹ gác lên hai thanh tre phía trên đầu mình giống như chiếc ô trong nhà vậy, rồi cháu lại say sưa học ngon lành!

Còn căn buồng nền đất xù xì cháu gắn bó bao nhiêu năm ấy người ngoài nhìn vào phải phát khiếp, phát sợ nó ngổn ngang không biết bao nhiêu là thứ, mà nó cứ tối om, còn ai muốn giảm cân thì hãy vào đấy. Ôi giời! Mùa hè nó nóng hầm hập phải biết!. Nhưng với cháu tất cả đã quen rồi. Diện tích nhà không rộng, bên cạnh cái buồng úp sụp của cháu còn một ít đất, bố cháu dựng lên một cái chuồng gà ngay đấy, loắc quắc chỉ vài con thôi nhưng cũng thật ồn ào. Điều khó chịu nhất là mùi hôi đến "nít mũi" từ chuồng gà bay vào. Nhất khi trời mưa xuống rồi nắng lên, mùi bốc lên xông vào đến đáng sợ. Cháu lại bắt đầu bài kêu ca của mình với bố; nhưng bố cũng chỉ "ừ" rồi thôi, cháu đành chấp nhận vậy. Cháu vô tư, vui vẻ sống với những gì mình đang có, không nghĩ suy tư lự điều gì.

(còn tiếp …)

Nguyễn Thị Thúy (ĐH Ngoại Thương)

DMCA.com Protection Status