Xót lòng cảnh mẹ mất sớm, bố tâm thần

15:00 | 12/04/2013

867 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Mẹ mất từ khi em mới hai tuổi, sau đó bố cũng bị ảnh hưởng thần kinh, ông nội – nguồn động viên lớn nhất cũng vĩnh biệt cuộc đời, gia cảnh của cô gái Lê Thị Huyền khiến ai cũng phải xót xa.

Tủi phận cảnh mẹ mất, bố tâm thần

Lê Thị Huyền (SV năm thứ ba trường ĐH Kinh tế quốc dân) là cô gái nhỏ nhắn với nước da hơi ngăm đen quê ở xã Bắc Sơn (Hưng Hà, Thái Bình). Mẹ Huyền bị bệnh tâm thần, và mất khi em mới tròn hai tuổi. Một thời gian sau khi mẹ mất, người cha của em cũng bị tâm thần rồi cứ lang thang khắp nơi. Nguồn động viên duy nhất đối với Huyền lúc này là ông nội thì ông cũng bỏ em đi sau một cơn bạo bệnh.

Huyền không biết mặt mẹ mình như thế nào bởi lúc đó em còn quá nhỏ. Qua lời kể của ông nội, em chỉ biết mẹ là người phụ nữ chăm chỉ và tiết kiệm. Mẹ ít nấu cơm mà chỉ ăn cháo qua ngày để tích cóp thóc. Có đợt mẹ cho người khác vay thóc, đến lúc mẹ mất người ta cũng chẳng thèm trả nữa, mặc dù biết gia đình em thiếu thốn miếng cơm như thế nào.

Lê Thị Huyền - SV năm thứ ba trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Mẹ mắc bệnh tâm thần nên không làm được gì nhiều. Thỉnh thoảng hơi tỉnh táo một chút thì mẹ đi đến mấy xã xung quanh làm giúp kiếm bữa ăn chứ người ta cũng không trả công cho mẹ bao giờ.

“Có lần mẹ bệnh nặng, định mang em đi dìm xuống sông, may mà ra đến cổng có người kéo lại, không thì không biết bây giờ em có đứng ở đây không nữa”, Huyền kể. Dù vậy em vẫn mong được nhìn thấy khuôn mặt mẹ một lần, dù chỉ là trong giấc mơ.

Những tháng ngày sống cùng ông nội đói khổ, lay lắt nhưng đối với Huyền, em được an ủi nhiều hơn. Anh trai đi làm công nhân đóng than lúc ở Quảng Ninh, lúc Hà Nội, bố mắc bệnh nên cứ đi lang thang tối ngày, căn nhà vách đất chỉ còn lại hai ông cháu đùm bọc nhau mà sống. Ông viết sớ làm phúc chỉ lấy một, hai nghìn thôi, vậy mà có người vẫn còn mặc cả. Thịt thì lâu lâu mới được ăn, cá phải đợi anh mỗi lần đi làm xa về mới có tiền mua, bữa cơm của hai ông cháu chỉ xanh một màu rau. Thỉnh thoảng ông đi cúng bái ở xã bên người ta cho ít xôi thịt về mới có bữa cơm cải thiện.

“Từ ngày ông mất, em chẳng biết đến Tết là gì”, Huyền tâm sự. Giờ Huyền ở với anh trai và chị dâu, nhưng “em chẳng muốn về nhà, anh chị đi làm cả, nhìn mỗi bố mà bố lại như thế em đau xót lắm”.

Tủi phận, mặc cảm nên Huyền ít giao tiếp với bạn bè. Nhiều lúc em cũng muốn có một người bạn thân để tâm sự, nhưng thật khó vì “em không thể được như các bạn và chẳng có ai để em đặt niềm tin cả”.

Học là cách vượt qua nỗi đau

Vì hoàn cảnh gia đình như vậy nên từ bé Huyền chỉ biết nỗ lực học để quên đi những đau buồn. 12 năm liền Huyền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Anh trai đi làm công nhân chỉ được ba triệu một tháng. Cách duy nhất để em giúp đỡ anh là học giỏi để cuối năm được tặng vở viết. Huyền chưa bao giờ được mua một bộ quần áo mới nào, ngày bé thì các chị cho, giờ thì bạn bè cho. Nhìn thấy bạn bè cùng sống trong ký túc xá sắm hết áo nọ quần kia Huyền cũng thích lắm, chỉ thích thôi chứ em không có ý định sẽ dành tiền mua vì “em không được như các bạn”.

Hồi cấp ba, không có tiền mua sách cũng như đi học thêm, Huyền chỉ tự học trong sách giáo khoa, tự mày mò nghiên cứu sách vở và những gì thầy cô truyền đạt trên lớp. Nhờ sự chăm chỉ và cố gắng, em đã thi đỗ vào khoa Bảo hiểm xã hội của trường ĐH Kinh tế quốc dân. Kỳ nào Huyền cũng được học bổng của nhà trường.  “Những lần nhận học bổng, em chỉ ước có mẹ ở bên cạnh để khoe với mẹ. Thấy bạn bè cùng phòng mẹ gọi điện, rồi lên thăm, em tủi thân lắm. Càng lớn em càng thấy cần mẹ hơn”, Huyền tâm sự.

Lên Hà Nội học, mỗi tháng anh trai chỉ cho Huyền 800 nghìn đồng chi tiêu, em phải đi dạy thêm để có tiền trang trải, mỗi tháng cũng được hơn 600 nghìn. Sống trong ký túc nên Huyền toàn phải đi ăn cơm suất ở ngoài, mỗi suất từ 12 – 15 nghìn đồng. Nhiều hôm để tiết kiệm, em chỉ ăn mỳ tôm hoặc bánh mỳ cho qua bữa. Bữa ăn thiếu thốn nên Huyền rất hay ốm, nhiều khi ốm liên miên cả tháng trời.

Huyền thường xin slide của thầy, mượn sách vở của anh chị khóa trên hoặc nhờ mạng của bạn cùng phòng để học. Huyền cho biết nếu có tiền em sẽ tiếp tục học thêm văn bằng hai, không thì em sẽ tìm kiếm một công việc tạm thời rồi vừa làm vừa học. Hiện tại, Huyền chỉ mong sau này ra trường có được công ăn việc làm ổn định để trả ơn cho anh trai và ông nội cùng với mẹ ở dưới suối vàng cũng được vui lòng. “Còn về bố, em chỉ mong sau này có thời gian về chăm sóc bố thôi, chứ bệnh của bố em cũng không có hy vọng gì”, Huyền ngậm ngùi.

Tháng 1 vừa qua, em đã nhận được học bổng trị giá 5 triệu đồng từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo). “Em dành 3 triệu để nộp học phí, 1 triệu 200 nghìn đóng tiền ký túc xá, còn lại em dùng trang trải phí sinh hoạt để không phải xin tiền anh”, Huyền cho biết.

Phạm Trang 

DMCA.com Protection Status