Giá bán thấp hơn giá thành sản xuất:

Bài toán khó của TKV

07:45 | 17/11/2014

1,363 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, có một thực tế mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang phải đối mặt, đó là giá thành khai thác than ngày càng tăng cao, thậm chí cao hơn giá bán cho các hộ tiêu dùng. Trong khi đó, xuất đầu tư cho sản xuất than ngày càng tăng cao vì khai thác đã phải xuống sâu. Chưa nói đến sức ép về việc gia tăng sản lượng đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện đang “mọc như nấm sau mưa” và nhu cầu khác của nền kinh tế…

Năng lượng Mới số 374

Ba thách thức lớn

Phát biểu tại hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng vừa qua, ông Đặng Thanh Hải, tân Tổng giám đốc TKV nhấn mạnh 3 thách thức đối với ngành than. Đó là sức ép về sản lượng, giá thành khai thác tăng cao và thiếu nhân lực lao động trong khai thác than, đặc biệt là khai thác than hầm lò. Trong đó, vấn về giá thành khai thác tăng cao, thậm chí là cao hơn giá bán cho các hộ tiêu thụ đang đặt ra bài toán hết sức khó giải cho TKV. Điều đặc biệt là hiện nay một số mỏ khai thác theo công nghệ lộ thiên lại có giá thành cao hơn cả một số mỏ khai thác bằng công nghệ hầm lò như tại Công ty CP Than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu.

Hiện nay, chỉ duy nhất Công ty CP Than Núi Béo có giá thành khai thác than thấp hơn so với khai thác hầm lò, nhưng với trữ lượng còn lại của mỏ này không cao. Công ty CP Than Núi Béo đang triển khai dự án khai thác than hầm lò mỏ Núi Béo và dự kiến sẽ chấm dứt khai thác than bằng công nghệ lộ thiên chỉ trong một vài năm tới. Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối tài chính cho ngành than, hiện nay TKV đang chỉ đạo Công ty CP Than Núi Béo tăng cường ra than với sản lượng cao lên tới trên 5 triệu tấn mỗi năm để bù đắp sản lượng cần phải giảm khai thác do giá thành khai thác tăng cao của các mỏ than khác. Còn lại, việc hạ giá thành khai thác than của các công ty than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Hà Tu… vẫn là bài toán còn nhiều ẩn số.

Khai thác vận chuyển than ở Quảng Ninh

Lý giải về việc hiện nay giá thành khai thác than tăng cao như hiện nay, Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chính như: Trữ lượng than tại vùng than Quảng Ninh đã giảm đáng kể do những năm gần đây sản lượng khai thác tăng mạnh. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 thập niên gần đây, sản lượng khai thác của TKV đã tăng  gấp gần chục lần. Việc gia tăng sản lượng nhanh chóng đã khiến các mỏ than đều xuống khai thác tại mức sâu kể cả các mỏ than lộ thiên. Hầu hết các mỏ lộ thiên cũng đã khai thác xuống mức âm.

Trước đây, để khai thác được 1 tấn than lộ thiên chỉ phải nổ mìn, bóc đất đá và vận chuyển khoảng 8-10m3 đất đá, thì nay nhiều đơn vị phải nổ mìn và vận chuyển đất đá lên tới 14-15m3 đất đá cho một tấn than. Ngoài ra, vấn đề đổ thải cũng là một khó khăn. Do các khu vực đổ thải không còn nhiều nên cung độ vận chuyển đất đá cũng lớn hơn. Trong khai thác lộ thiên, cung độ vận chuyển đất đá (tức chiều dài quãng đường vận chuyển đất đá từ moong than ra vị trí đổ thải) là một chỉ tiêu quan trọng. Nếu càng dài thì chi phí cho vận chuyển đất đá càng lớn. Và giá thành đương nhiên sẽ tăng lên. Chi phí bơm nước từ đấy moong lên cũng tương tự. Khi moong càng xuống sâu thì càng phải lắp đặt loại bơm nước hiện đại hơn, đường ống lớn hơn. Chi phí sản xuất cũng vì thế mà tăng lên.

Theo tính toán của TKV, để khai thác được 1 tấn than lộ thiên hiện nay phải bóc xúc 10,7m3 đất đá. Với chi phí bình quân khoảng 80.000 đồng/m3 đất đá (gồm khoan, nổ mìn, bốc xúc, vận chuyển…) thì 1 tấn than phải chi phí 856.000 đồng tiền bóc xúc đất đá. Cộng với chi phí bơm nước, chi phí sàng tuyển, thuế tài nguyên… thì giá than thành phẩm sẽ khoảng gần 1,4 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán bình quân cho các sản phẩm than của TKV chỉ ở mức trên 1,2 triệu đồng/tấn. Khác với các nhà máy sản xuất công nghiệp luôn cố định thì diện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu hơn, hệ số bóc đất, đào lò, cung độ vận chuyển tăng. Theo thống kê từ năm 1995 đến 2014, hệ số đất đá tăng từ 3,4m3/tấn lên 10,7m3/tấn, cung độ vận chuyển tăng từ 1,3km lên 3,38km… làm chi phí khai thác tăng gấp 5 lần. Trong khai thác lộ thiên, mỗi năm, cả ngành than cần bốc xúc khoảng 250 triệu m3 đất đá…

Vạc đến cả “xương”

Trong khai thác than hầm lò, hiện nay hầu hết các đơn vị trong TKV cũng đã khai thác hết phần than tại các mức dương và phải xuống đến mức âm vài trăm mét. Hiện TKV đang xây dựng một số mỏ mới để chuẩn bị xuống khai thác tại mức -300m đến -500m so với mực nước thông thủy. Vào dịp TKV kỷ niệm ngày Truyền thống Vùng Mỏ năm 2013, TKV đã đưa vào khai thác mỏ than Khe Chàm 3 tại mức -300m sau gần 8 năm đào giếng và xây dựng các công trình ngầm hiện đại này. Tính trung bình, mỗi năm ngành than phải đào khoảng 350km đường hầm, độ sâu từ -100 đến -300m so với mặt nước biển. Việc khai thác xuống sâu khiến các xuất đầu tư cho khai thác than hầm lò cũng như hàng loạt các chi phí sản xuất tăng cao khiến giá thành đội lên.

Ngoài ra, các yếu tố khác cũng được TKV cho là nguyên nhân khiến giá thành khai thác tăng cao như, các loại thuế phí tăng cao, việc chi phí để thu hút nhân lực thợ lò tăng lên. Hay một vấn đề nhức nhối đó là sự hao hụt mất mát sản phẩm trong vận chuyển sản phẩm, thất thoát trong mua sắm vật tư, thiết bị v.v... Về thuế, phí, TKV đã nhiều lần đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cần được giảm nhưng trái lại nhiều loại thuế phí không được giảm mà lại còn tăng lên. Chẳng hạn như riêng việc đưa vào loại phí thuế tài nguyên tăng 2% từ đầu năm đã đội khoản đóng góp này của ngành than lên thêm 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Cùng với đó, tiền cấp quyền khai thác và phí sử dụng tài liệu địa chất phải nộp từ năm 2014 cũng tăng trên 1.000 tỉ đồng. TKV cho rằng, thuế phí tăng cao trong khi giá than trong nước (ngoại trừ than cho điện) suốt 3 năm không tăng đang gây khó cho Tập đoàn.

Trong việc thu hút thợ lò, do đặc thù của ngành khai thác mỏ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nên những năm gần đây, công nhân khai thác hầm lò khó tuyển dụng. Trong khi đó, nhiều công nghệ khai thác hiện đại, máy móc vẫn không thể thay thế được con người. Do vậy, ngoài việc tăng lương cho thợ lò, TKV còn phải có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút thợ lò. Chỉ trong năm 2014, lương của thợ lò đã được tăng hai lần với mức tăng 10% so cới trước đây. Ngoài ra, các điều kiện như xây dựng nhà ở công nhân gần như miễn phí, bố trí xe đưa đón, xây dựng các bếp ăn tự chọn, miễn phí kinh phí học nghề v.v... Tất cả những yếu tố đều được hạch toán vào giá thành khai thác tấn than. Do vậy, giá thành khai thác than của TKV tăng cao. Nếu xét về những mỏ than có chất lượng than xấu như mỏ Mạo Khê thì giá bán còn thấp hơn giá thành…

Để hạ giá thành khai thác và đảm bảo kinh doanh có lãi, TKV đang phải gồng mình giải bài toán nhiều ẩn số này. Trong vòng mấy năm nay, TKV đang chỉ đạo các đơn vị bằng nhiều biện pháp khá mạnh tay, thậm chí như một sức ép để hạ giá thành khai thác than. Tập đoàn đã xây dựng và hoàn thiện các cơ chế quản lý nội bộ phù hợp với cơ cấu tổ chức - quản lý - kinh doanh của Tập đoàn theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất, đầu tư thêm thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao sản lượng và năng suất, thì việc tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản xuất than là yêu cầu có tính tiên quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững của TKV.

Nguyễn Kiên

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps