Đảm bảo an toàn trong sản xuất than: Phải có chế tài đủ mạnh

07:00 | 09/10/2013

874 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất luôn được Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các đơn vị thành viên đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng và tiến bộ thời gian qua nhưng số lượng sự cố tai nạn lao động nặng vẫn không giảm. Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, phải thẳng thắn nhìn nhận là do chưa có chế tài phù hợp nhằm nâng cao ý thức và gắn trách nhiệm của người lao động với công tác an toàn.

Thực tế, từ năm 2003, Tập đoàn đã có văn bản quy định về kỷ luật, trách nhiệm vật chất trong công tác an toàn bảo hộ lao động, ban hành theo Quyết định số 339/QĐ-LĐTL-AT. Đây gần như là văn bản duy nhất của Tập đoàn quy định chi tiết các mức độ xử lý lỗi về an toàn lao động gắn với tiền lương áp dụng thống nhất trong toàn Tập đoàn. Theo đó, người lao động chỉ được hưởng đủ lương sản phẩm hoặc lương thời gian nếu trong quá trình làm việc không vi phạm quy phạm an toàn, biện pháp an toàn và thực hiện đủ, có chất lượng quy trình kỹ thuật. Tập đoàn cũng ban hành Quyết định số 1015/QĐ-HĐTV quy định mức xử lý người đứng đầu doanh nghiệp khi để xảy ra tai nạn lao động chết nhiều người. Việc xử lý không xét đến nguyên nhân mà chỉ xem xét trách nhiệm, năng lực quản lý của người đứng đầu.

Công nhân Công ty Than Khe Chàm trước giờ vào ca

Tại các công ty con, các đơn vị trực thuộc, việc triển khai xây dựng phương pháp trả lương gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên với công tác an toàn lao động được tiến hành trên cơ sở quy định của Tập đoàn đã đề cập ở trên và được cụ thể hóa trong thỏa ước lao động tập thể phù hợp với đặc thù của mỗi đơn vị. Chẳng hạn, Công ty Than Vàng Danh xác định cụ thể mức tiền lương an toàn đối với từng công việc. Nếu người lao động không thực hiện đầy đủ các biện pháp, quy trình an toàn thì sẽ không được hưởng lương của công việc đó. Tại Công ty Than Hòn Gai, chế độ trả lương đối với công nhân viên chức (CNVC) vi phạm bị xử lý xếp loại B, C theo nội duy lao động của công ty. CNVC vi phạm còn phải học lại an toàn, phải trả thù lao cho người huấn luyện ngoài giờ theo thỏa thuận, phải bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra… Công ty Than Khe Chàm tính tiền lương theo công thức: Q=Q1+Q2, trong đó, Q1 là phần tiền lương được trả theo năng suất, chất lượng sản phẩm và được thanh toán tối đa 90%; phần thứ 2 - Q2 được trả theo thực hiện công tác an toàn lao động và được thanh toán tối đa 10% v.v…

Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, việc trả lương gắn với công tác an toàn lao động, mặc dù đã được Tập đoàn và các đơn vị quan tâm nhưng chế độ khuyến khích người làm tốt công tác an toàn còn mờ nhạt, mang nặng biện pháp răn đe; trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao.    

Thưởng phạt phân minh

Theo dự thảo cơ chế mới, về cơ bản, tiền lương của người lao động được kết cấu làm 2 phần. Đó là lương theo sản phẩm, công việc và tiền lương thực hiện công tác an toàn. Cơ chế thanh toán, các nhóm lỗi không được hưởng toàn bộ hoặc một phần tiền lương an toàn được Tập đoàn quy định hết sức cụ thể.

Điểm mới trong cơ chế trả lương và biện pháp kinh tế gắn với công tác an toàn mới này là giải pháp thưởng cho công tác đảm bảo an toàn. Mục tiêu xuyên suốt của Tập đoàn là dùng các giải pháp mang tính khuyến khích, động viên (không trừng phạt) để mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò cá nhân, vai trò người đứng đầu trong công tác an toàn lao động. Nguyên tắc thưởng an toàn đảm bảo tính dân chủ, chính xác, công khai, công bằng, thành tích đến đâu, thưởng đến đó. Mức thưởng mục tiêu an toàn được xác định theo năm. Hằng tháng, quý được tạm ứng theo kết quả thực hiện công tác an toàn. 

Hình thức và mức thưởng như sau, tất cả mọi người lao động đều được treo thưởng an toàn với mức thưởng tính theo tiền lương an toàn, hệ số 3-1. Quỹ thưởng cá nhân chiếm 5% tổng quỹ lương. Nhóm bị tác động bởi công tác an toàn lao động ở mức độ cao, nếu không mắc lỗi an toàn trong năm thì sẽ được thưởng 3 tháng mức tiền lương an toàn. Nhóm bị tác động bởi công tác an toàn ở mức độ trung bình và thấp sẽ được thưởng 1 tháng. Thưởng tập thể vẫn duy trì như cơ chế hiện hành, chiếm 0,2% quỹ lương.

Ngoài ra, trong cơ chế mới lần này, Tập đoàn đề xuất việc thưởng phát hiện nguy cơ gây mất an toàn. Đây là cách thưởng với mục đích “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhằm khuyến khích người lao động quan tâm quan sát, ghi lại và kịp thời báo cáo nguy cơ mất an toàn cho các bộ phận có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục, tránh lặp lại. Cũng theo cơ chế mới, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được đề cao hơn.

Cần sự nhất trí của các đơn vị

Đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, phạm vi tác động lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn nói chung và bản thân mỗi đơn vị nói riêng. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay của tất cả đơn vị thành viên trong Tập đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Cũng chính bởi mức độ quan trọng của vấn đề này nên trước khi ban hành quyết định, Tập đoàn đã có bản dự thảo cơ chế mới về trả lương và các biện pháp kinh tế để gắn trách nhiệm của người lao động với công tác an toàn. Trên cơ sở đó, Tập đoàn yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị nghiên cứu kỹ các cơ chế theo bản dự thảo, nhất là về khía cạnh pháp lý và khả năng áp dụng trong thực tiễn, đồng thời đề xuất thêm các cơ chế quản lý phù hợp. Tập đoàn thông qua Ban Lao động tiền lương sẽ tổng hợp, nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện cơ chế trả lương mới gắn với công tác an toàn, làm sao để phát huy cao nhất ý thức trách nhiệm của mỗi CNVC vì sự phát triển bền vững ngành than - khoáng sản Việt Nam.

P.V

  • el-2024